Nữ GS vừa nhận giải thưởng hơn 12 tỷ của VinFuture: "Làm khoa học, đừng bao giờ suy nghĩ ở một ranh giới hữu hạn"

THIÊN AN |

Giáo sư Susan Solomon là chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của Giải thưởng VinFuture mùa 3.

Tối 20/12, Lễ trao giải VinFuture mùa 3 với chủ đề "Chung sức Toàn cầu" đã chính thức diễn ra. Các giải thưởng bao gồm Giải thưởng Chính 3 triệu đô (hơn 72 tỷ đồng) cùng 3 Giải Đặc biệt mỗi giải 500.000 đô (hơn 12 tỷ đồng) lần lượt tìm được chủ nhân xứng đáng.

Trong đó, Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ đã được trao cho Giáo sư (GS) Susan Solomon đến từ Mỹ. GS Susan Solomon được vinh danh nhờ khám phá cơ chế suy giảm tầng ozone ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal. Đây là một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Nữ GS vừa nhận giải thưởng hơn 12 tỷ của VinFuture: "Làm khoa học, đừng bao giờ suy nghĩ ở một ranh giới hữu hạn"- Ảnh 1.

GS Susan Solomon là chủ nhân Giải Đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ của VinFuture mùa 3

Mới đây, bà cũng đã có những chia sẻ tâm huyết về giải thưởng mình vừa nhận được cũng như một vài lời khuyên dành cho các nhà khoa học nữ khác.

Muốn bảo vệ môi trường cần phải tạo ra sự thay đổi mang tính cộng đồng

Chào GS Susan Solomon, đây là lần thứ mấy GS đến Việt Nam?

Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và chuyến đi rất tuyệt vời.

Bà cảm thấy như thế nào sau khi nhận được Giải Đặc biệt của VinFuture 2023?

Đầu tiên, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tuyệt vời khi được nhận giải thưởng danh giá này. Tôi cũng cảm thấy rất biết ơn và rất ấn tượng. Những người sáng lập đã tạo ra một giải thưởng đặc biệt dành cho phụ nữ nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng. Tôi nghĩ rằng việc thành lập giải thưởng này sẽ tạo ra một hình mẫu để các nhà khoa học nữ khác có thể noi theo và được truyền cảm hứng để họ có thể theo đuổi giấc mơ của mình và trở thành nhà khoa học thành công mà không có bất kì rào cản nào. Giải thưởng này giống như một tấm hộ chiếu để trong tương lai, chúng ta sẽ có thể có nhiều nhà khoa học nữ hơn nữa.

Trong quá trình nghiên cứu, GS có gặp phải khó khăn nào không?

Phát hiện đầu tiên của tôi là giải thích cơ chế tại sao lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực lại xảy ra. Và nó liên quan đến lĩnh vực Hóa học. Đây là một cú sốc trong cộng đồng khoa học. Bởi vì người ta luôn cho rằng không có phản ứng bề mặt ở tầng bình lưu. Vì vậy, khi tôi đưa ra điều này lần đầu tiên, một số đồng nghiệp đã bỏ đi và tôi không bận tâm, vì tôi thực sự biết rằng mình đúng. Và theo thời gian, mọi người đều biết đây là một hành trình thú vị.

Nữ GS vừa nhận giải thưởng hơn 12 tỷ của VinFuture: "Làm khoa học, đừng bao giờ suy nghĩ ở một ranh giới hữu hạn"- Ảnh 2.

Nữ GS được vinh danh nhờ khám phá cơ chế suy giảm tầng ozone ở Nam Cực

Bài học mà tôi rút ra được đó là mình có thể lắng nghe những quan điểm của người khác, nhưng không phải lúc nào cũng nên dựa vào quan điểm của họ, đôi lúc mình cũng phải lắng nghe chính mình, phải kiên định với chính bản thân mình. Một lời khuyên nữa đó là nếu chúng ta trao đổi lĩnh vực khoa học, nếu chúng ta là nhà khoa học thì chúng ta không bao giờ được giới hạn suy nghĩ của mình ở trong một ranh giới hữu hạn mà luôn phải vượt qua ranh giới đó, luôn luôn phải suy nghĩ một cách cởi mở và thoáng hơn.

Nhưng tôi hiểu tại sao mọi người lại cảm thấy như vậy. Tôi còn rất trẻ khi lỗ thủng tầng ozone được phát hiện. Và tôi nghĩ thật tốt khi hiểu rằng đây là một cơ hội tuyệt vời khi bạn còn trẻ, bạn biết đấy, đầu óc bạn chưa có nhiều ý tưởng. Vì vậy, bạn có thể nghĩ về những ý tưởng mới và đó là điều đã xảy ra với tôi. Và đó cũng là hành trình lớn nhất của tôi hướng tới mục tiêu khoa học.

GS được vinh danh nhờ khám phá cơ chế suy giảm tầng ozone ở Nam Cực, vậy theo GS, chúng ta cần làm gì cho tầng ozone?

Theo tôi, đầu tiên là chúng ta nhận diện được mức độ nguy cấp của tầng ozone, đặc biệt là trong thế kỷ 21, đó đã là một thành công rất lớn rồi. Chúng ta cần phải cố gắng đưa ra những cơ chế cũng như những giải pháp mang tính tổ chức hơn để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, chúng ta sử dụng, áp dụng những kiến thức đã có về tầng ozone để xử lý những vấn đề ở Việt Nam, chẳng hạn vấn đề ô nhiễm hay vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Một điều nữa là, chúng ta cần phải quan tâm đến việc làm thế nào để vận động mọi người tạo ra sự thay đổi. Để sự thay đổi này không dừng lại không chỉ cần những hành động đơn thuần của từng cá nhân, ví dụ như yêu cầu từng cá nhân tái chế, chúng ta cần phải tạo ra sự thay đổi mang tính cộng đồng, tức là cần phải huy động được sự tham gia của nhiều người và giúp cho mọi người cùng hiểu được. Tôi cho rằng đây là một bài học để giúp cho chúng ta có thể biến phát minh này thành một điều phụng sự cho nhân loại.

Tôi nghĩ rằng khoa học đóng vai trò rất quan trọng trong việc chúng ta giảm thiểu các vấn đề môi trường, tăng cường sự bảo vệ môi trường. Khi khoa học chưa được chứng minh, chưa có những cơ chế, những cơ sở chắc chắn để chứng minh thì chúng ta cũng không có cơ sở để xây dựng những chính sách hỗ trợ bảo vệ môi trường. Tôi thấy một điều rất hay của giải thưởng VinFuture là đã nhận diện được rất rõ tầm quan trọng của khoa học đối với những vấn đề lớn, ví dụ vấn đề bảo vệ môi trường hay vấn đề thu hẹp lỗ thủng tầng ozone.

Nhưng nếu chỉ có một mình khoa học, những bằng chứng khoa học hay là những cơ sở nghiên cứu khoa học là không đủ mà chúng ta phải tìm cách hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra những chính sách tốt hơn và huy động mọi người tham gia vào việc bảo vệ môi trường tốt hơn. Là vậy đấy!

Phụ nữ làm khoa học cần một người bạn đời biết thấu hiểu và luôn ủng hộ

Là một nhà khoa học nữ, GS có gặp phải trở ngại gì không, nhất là trong vấn đề cân bằng công việc và gia đình?

Một trong những điều quan trọng đối với người làm khoa học là có một người bạn đời luôn hỗ trợ bạn, giúp đỡ cho bạn. Và tôi thật may mắn khi tìm được một người bạn đời tuyệt vời như thế. Chúng tôi đã ở bên nhau 35 năm và mối quan hệ vẫn thật tuyệt vời. Thế nên, tôi có một lời khuyên nho nhỏ cho các nhà khoa học nữ, đó là nếu bạn muốn theo đuổi con đường này thì hãy đảm bảo rằng người bạn đời mà bạn chọn phải là người luôn luôn ủng hộ và hỗ trợ bạn theo đuổi hành trình của mình.

Nữ GS vừa nhận giải thưởng hơn 12 tỷ của VinFuture: "Làm khoa học, đừng bao giờ suy nghĩ ở một ranh giới hữu hạn"- Ảnh 3.

Bà cảm thấy may mắn vì luôn được người bạn đời ủng hộ, hỗ trợ hết mình

Mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, đâu là phương thức giúp GS vượt qua?

Tôi luôn luôn cố gắng, bình tĩnh và vẫn còn giữ được khiếu hài hước. Điều này xảy ra khi có ai đó nói những điều không hay đối với chúng ta hay là có ai đó phản đối ý tưởng của chúng ta. Thay vì giận dữ làm cho tình huống tồi tệ hơn thì tôi luôn bảo với các sinh viên của mình, đặc biệt là các sinh viên mong muốn trở thành những nhà khoa học nữ, rằng các bạn có thể đùa về tình huống đó và cố gắng là làm giảm độ nghiêm trọng, không cần phải quan trọng hóa những câu nói như thế bởi vì ý kiến của những người xung quanh rất đáng trân trọng. Nó cũng giúp cho chúng ta bình tĩnh hơn khi gặp khó khăn.

Phụ nữ làm khoa học gặp rất nhiều định kiến, lời khuyên của GS dành cho họ là gì?

Thực ra tôi nghĩ rằng những khó khăn này đôi lúc do chúng ta tự tạo nên. Khi chúng ta gặp điều gì không hay, phản ứng thông thường của chúng ta là giận dữ, và đôi lúc sự giận dữ ấy làm trầm trọng thêm vấn đề.

Lời khuyên của tôi ở đây là khi gặp phải tình huống khó khăn, hãy nghĩ đến những phương án làm giảm sự trầm trọng của tình huống xuống, ví dụ như sử dụng những câu nói đùa. Và một điều quan trọng khác là chúng ta cần kiềm chế được cảm xúc, không nên giận dữ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ như thế này. Ngày xưa, tôi từng dẫn dắt đoàn khoa học đến Nam Cực để nghiên cứu về lỗ hổng tầng ozone. Khi ấy tôi là trưởng đoàn, là lãnh đạo chính và cũng là người phụ nữ duy nhất trong đoàn. Trong một lần chúng tôi đến New Zealand làm việc, có một phóng viên đã hỏi tôi: “Chị cảm thấy như thế nào khi là người phụ nữ duy nhất trong đoàn mà lại được giao nhiệm vụ phụ trách tất cả các thành viên đều là đàn ông như thế này”.

Cá nhân tôi cảm thấy Đây là một câu hỏi khá tồi tệ và có phần nào đó hơi đụng chạm, xúc phạm. Tuy nhiên, trong tình huống ấy, tôi vẫn cố kiềm chế cảm xúc và trả lời bằng một câu đùa: “À thì bởi vì cả đoàn toàn người già ấy mà”.

Nhìn chung, nếu câu trả lời trong tình huống tương tự của bạn hơi tiêu cực thì có thể gây ảnh hưởng đến cảm xúc của chính bạn. Chính vì vậy, chúng ta nên cố gắng kiềm chế cảm xúc, không giận dữ và tạo ra những câu nói đùa để xoa dịu mọi thứ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại