Bén duyên nghề báo
Dương Phương Linh (SN 2003) vừa chinh phục được học bổng nhiều trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước. Cô quyết định chọn Sciences Po (Học viện Chính trị) - một trong những đại học hàng đầu tại Pháp - từng đào tạo 6 vị Tổng thống Pháp, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron; 11 thủ tướng, cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác.
Dương Phương Linh đạt được nhiều thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa Ảnh: NVCC
Linh vốn là học sinh lớp chuyên Nga của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, đồng thời là sinh viên khoa Jazz Học viện Âm nhạc Quốc gia. Như nhiều Amser khác, năm lớp 12 cô nộp hồ sơ ứng tuyển một số trường đại học hàng đầu tại Mỹ. Dù trúng tuyển, có trường cấp học bổng 75% học phí, tuy nhiên so với mức học phí và sinh hoạt đắt đỏ ở “xứ cờ hoa”, cô quyết định không nộp hồ sơ và dành một năm để “gap year” và tiếp tục hành trình chinh phục học bổng du học khác.
“Khi đó, bố mẹ muốn tôi nộp hồ sơ vào một số trường công lập trong nước để xét tuyển thẳng, nhưng tôi quyết tâm sẽ đi du học. Việc gap year khá phổ biến ở phương Tây, còn ở Việt Nam chưa quen với điều này, bố mẹ tôi cũng vậy nên càng không đồng tình. Tuy nhiên, tôi tin vào khả năng, thực lực của bản thân có thể đỗ một trường lớn với học bổng cao”, Linh bộc bạch.
Dương Phương Linh trải nghiệm nghề báo khi làm thực tập sinh ở VTV4 |
Trong năm gap year, Linh bén duyên với nghề báo và trở thành thực tập sinh tại kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VTV4. Cô cho biết, công việc chính là biên tập bản tin thời sự và bản tin tài chính - kinh doanh bằng tiếng Anh, bao gồm: dịch thuật, biên tập thông tin, hình ảnh và đọc lời bình phóng sự, phỏng vấn bằng tiếng Anh. Ngoài ra, cô tham gia hỗ trợ sản xuất chương trình Talk Vietnam và một số phóng sự ngắn phát sóng trên kênh VTV4.
“Khi bắt đầu, tôi khá bỡ ngỡ vì công việc truyền hình có nhiều đặc thù. Tôi đã học các kỹ năng thực hiện bản tin truyền hình, cũng như học hỏi cách làm việc với khách mời, khai thác nhân vật, bố trí các góc quay…từ các anh chị phóng viên, biên tập viên”, Linh nói.
Dương Phương Linh gắn với công việc truyền thông khi đang là học sinh phổ thông Ảnh: NVCC |
Theo Linh, điều thú vị nhất khi tham gia làm truyền hình là được tiếp xúc với dòng chảy thông tin, sự kiện sớm nhất. Cô cũng có cơ hội được gặp, được nghe các ý kiến, câu chuyện từ những khách mời, nhân vật nổi tiếng như: Phó trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman; nhà báo - nhà ngoại giao Đan Mạch Thomas Bo Pedersen - người đã từng làm việc trực tiếp với nhiều chính khách Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
"Tôi thích cảm giác phấn khích, hồi hộp khi theo đuổi những tin tức cập nhật về xã hội, kinh tế và chính trị. Bởi những dòng chảy thời sự liên tục thay đổi, mang tính cấp bách và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tôi và mọi người xung quanh".
Dương Phương Linh
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia truyền tải những thông tin mới, hay, có tính thời sự đến với khán giả và việc được gặp những nhân vật, khách mời thú vị, quan trọng”, Linh nói và cho biết, công việc này còn mang đến thu nhập, góp phần trang trải sinh hoạt và tiết kiệm cho mục tiêu du học.
Gắn bó với công việc, Linh quen dần với sự tất bật của nghề. “Việc làm bản tin có lịch trình khá khác thường. Với ê kíp sáng, tôi làm từ 7h45 đến 15h30, đôi khi không kịp có thời gian ăn trưa, bởi VTV4 có bản tin thời sự trực tiếp lúc 15h. Với ê kíp tối, tôi thường làm việc từ 18h - 22h30 để chuẩn bị cho bản tin 8h sáng ngày hôm sau”, cô cho biết.
Từ những trải nghiệm này, Linh hiểu hơn tính đặc thù, những vất vả của người làm báo; đồng cảm với sự bận rộn với mẹ của cô vốn là một nhà báo, điều mà trước đây có lúc cô cảm thấy khó chia sẻ.
Sống cùng thời cuộc, chung tay vì cộng đồng
Quãng thời gian tiếp cận với nghề báo chuyên nghiệp đã chắp cánh để Dương Phương Linh viết một trong những bài luận quan trọng để chinh phục học bổng của trường Sciences Po tại Pháp.
“Tôi đã lựa chọn đề có nội dung về việc quan tâm tới sự kiện lịch sử nào và nếu được quay lại sự kiện lịch sử đó thì bạn muốn xuất hiện với vai trò, tư cách gì. Trong bài luận 650 từ của mình, tôi đã bày tỏ mong muốn trở thành một nhà báo và tác nghiệp trong thời điểm lịch sử của dân tộc là ngày 30/4/1975 để hiểu hơn về thời cuộc. Từ đó, có cái nhìn rộng hơn về nhiều sự kiện quốc tế đã và đang diễn ra”, Linh chia sẻ.
Từ nhỏ Phương Linh đã theo học lớp chuyên ngữ tiếng Anh. Những năm cấp 3, cô đã giành được nhiều giải thưởng: Huy chương vàng cuộc thi nghiên cứu AI-JAM US Silicon Valley, TOEFL 114/120; IELTS 8.0, Học bổng toàn phần các khóa học ngắn hạn được cấp bởi Trường Đại học Dartmouth (Mỹ) và tổ chức Global Citizens Initiative...
“Tôi thích cảm giác phấn khích, hồi hộp khi theo đuổi những tin tức cập nhật về xã hội, kinh tế và chính trị. Bởi những dòng chảy thời sự liên tục thay đổi, mang tính cấp bách và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tôi và mọi người xung quanh”. Dương Phương Linh
Bên cạnh đó, Linh còn thực hiện các bài luận khác về lý do, nguyện vọng khi lựa chọn ngành học và đăng ký vào trường, giới thiệu về các vấn đề quan tâm và ưu thế bản thân, các hoạt động xã hội. Ở đó, nữ sinh Việt thế hệ Gen Z đã chia sẻ về niềm đam mê tìm hiểu, học hỏi về các vấn đề văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội; về việc tham gia các hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc để cùng các bạn đồng trang lứa tìm hiểu thêm những vấn đề mang tính toàn cầu.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch kiêm Tổng thư ký tổ chức Hanoi Model United Nations - HMUN (Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc của Hà Nội), Linh đã tổ chức các hội thảo về các vấn đề như bảo vệ quyền lợi của người di cư và nhập cư, bảo vệ tài sản trí tuệ... Cô đã kết nối và mời được nhiều chuyên gia lĩnh vực quan hệ quốc tế làm diễn giả trong hội thảo, trong đó có nhà ngoại giao Mỹ cấp cao Paul Berg; ông Nguyễn Quý Bình, nguyên Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ở Geneva giai đoạn 1997 - 2003.
Quãng thời gian gap year của Linh cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát phức tạp tại Việt Nam. Cô đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người yếu thế, dễ bị tổn thương.
Với sáng kiến truyền thông trên mạng xã hội Instagram, cô đã góp phần lan tỏa thông tin thu hút sự chung tay của cộng đồng đối với chương trình “Mỗi Ngày Một Quả Trứng”, “40.000 đồng một bữa cơm” tặng người nghèo, người vô gia cư, vận động thiết bị điện tử tặng học sinh khó khăn tham gia lớp học trực tuyến.