Mới đây, vụ việc du khách người Việt bị giật mất chiếc đồng hồ trị giá lên tới 50.000 euro (khoảng 1,2 tỷ đồng) ở Milan (Ý) đang khiến dư luận chú ý. Nhiều du khách người Việt khác lần lượt lên tiếng cảnh báo về tình trạng cướp giật khi du lịch châu Âu, đồng thời chia sẻ những vụ việc nguy hiểm tương tự.
Trong hội nhóm du lịch châu Âu hơn 350k thành viên, bài đăng mới nhất của tài khoản Nguyễn Ngọc Phương Oanh được quan tâm với chia sẻ liên quan đến lần gặp “cướp hụt” túi xách Dior trị giá hơn 113 triệu đồng. Phương Oanh cho biết vụ việc xảy ra trong chuyến du lịch châu Âu cuối tháng 5 vừa xong, lúc đó cô cùng chồng đang có mặt tại Venice.
Bài chia sẻ về vụ gặp trộm “cao thủ” ở Venice của Phương Oanh (Ảnh chụp màn hình)
Được cảnh báo từ trước về tình trạng trộm cướp khách du lịch ở Paris, Milan trước đó nên Oanh và chồng đều đề cao cảnh giác, tuy nhiên ít khi nghe đến tình hình ở Venice nên có phần thoải mái hơn. Ngày hôm đó, Phương Oanh diện đồ thoáng hơn, đeo chiếc túi xách Dior vừa mới mua trước đó ở Milan để chụp ảnh. Đúng ngày có phần thoải mái hơn thì gặp vụ việc trên, rất may là tài sản được bảo toàn nhưng cô vẫn kịp “trải nghiệm” thủ đoạn cướp tinh vi.
Ngày duy nhất Phương Oanh dám “lên đồ” trong chuyến đi, mặc váy xoè cùng chiếc túi đeo sát tay
Theo đó, giữa trưa, khi hai vợ chồng đi dạo thì "có 1 người đàn ông đi từ hướng ngược lại đập thẳng vào bên phải của mình (phía tay phải đang đeo túi) rõ mạnh". Người đàn ông di chuyển nhanh tới mức charm (phụ kiện) đeo trên túi vang lên cực mạnh, còn Phương Oanh bị hất văng ra sau. Nhờ người chồng đỡ lại nên Phương Oanh đã không bị ngã, đồng thời tên cướp không có cơ hội tiếp cận gần hơn, vội chạy đi mất.
"Vợ chồng mình không kịp thấy bóng dáng người ấy, đến mức không kịp nhớ mặc đồ màu gì chứ đừng nói hình dáng, đi nhanh khủng khiếp", Phương Oanh cho biết.
Cô không hề biết mình vừa gặp cướp cho đến 5 phút sau, khi chiếc túi của Phương Oanh bỗng dưng bị bung phần quai móc hình tròn, bung luôn tay cầm túi với phần túi. Lúc này, hai vợ chồng mới định hình sự việc, di chuyển nhanh tới cửa hàng Dior gần đó để xử lý.
Phần móc tròn để nối giữa tay cầm với túi xách, Phương Oanh cho biết bị long cái phía ngoài, may phần móc bên trong vẫn giữ được
Tại cửa hàng Dior Venice, nhân viên cho biết chiếc túi mới mua không thể dễ dàng bị bung ra như vậy. Phương Oanh và chồng xác nhận đã thử dùng lực kéo trước, chiếc móc rất chắc chắn. Sau khi trình bày tai nạn mới bắt gặp, nhân viên Dior đã hiểu ngay tình hình, khuyên nhủ Oanh bình tĩnh và sửa lại túi cho cô. Nhân viên cửa hàng khuyên du khách nên đeo chéo sẽ đảm bảo an toàn hơn, tránh gặp tai nạn tương tự.
Phương Oanh sau đó đã mua tạm một chiếc quai đeo ở cửa hàng bên đường để đeo chéo chiếc túi
Trở về khách sạn sau vụ việc, Phương Oanh tìm hiểu được biết thủ đoạn cướp ở đây rất tinh vi: Cướp sẽ sử dụng dụng cụ đặc biệt và ra tay khi tông vào nạn nhân thật mạnh và nhanh. Lúc nạn nhân ngã ra, tên cướp vẫn sẽ đứng tại đó nói chuyện, nhưng đồng bọn từ đằng sau sẽ cầm chiếc túi đi lúc nào không hay.
Sau khi chia sẻ câu chuyện, Phương Oanh nhận được sự đồng cảm và lời cảnh báo từ nhiều du khách cũng gặp những vụ việc tương tự. Tình trạng trộm cắp khi du lịch nước ngoài là vấn nạn nghiêm trọng, từng được lên tiếng cảnh báo nhiều lần.
Một số mẹo an toàn bạn nên nắm để bảo vệ tài sản và tính mạng khi du lịch nước ngoài như sau:
- Cảnh giác khi di chuyển giữa các đám đông, bao gồm đường phố, tàu điện, xe buýt và khu du lịch.
- Nên mang balo phía trước ngực và không được để bóp, ví phía sau túi quần, hoặc để điện thoại trong túi quần. Không nên kẹp tay/vai mà cần dây đeo vào người, đeo chéo hoặc gắn eo…
- Khi ngồi tại các quán ăn, tuyệt đối không treo túi xách ở sau ghế hoặc bàn, nên móc chân vào quai balo khi để dưới đất hoặc để túi xách trước ngực.
- Hãy ăn mặc đơn giản, chọn các màu sắc trung tính không gây sự chú ý. Đừng đeo quá nhiều trang sức, phụ kiện đắt tiền. Hạn chế đeo máy ảnh trước ngực.
- Trên tàu điện, không nên đứng hay ngồi gần vị trí các cửa ra vào. Rất nhiều kẻ xấu lợi dụng những lúc tàu điện dừng để giật đồ và bỏ chạy lẫn vào đám đông.
- Nếu không biết rõ, tránh xa các tổ chức công cộng, kêu gọi đóng góp chữ ký từ thiện, hoạt động lấy hạt cho chim bồ câu ăn… Đó có thể là những mánh khoé để nhóm người xấu tiếp cận bạn.
- Khi trở về nước, nếu đã sử dụng thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ (debit card) trong chuyến đi, du khách cũng nên báo với ngân hàng rằng bạn đã kết thúc hành trình và không còn bất cứ giao dịch nào từ xa để kẻ xấu không thể quét trộm thông tin thẻ của du khách rồi lợi dụng "rút" sau.
- Du khách nên dùng thẻ tín dụng, vì các thẻ này được ngân hàng bảo vệ kỹ hơn khỏi các trường hợp giao dịch bất thường.
Nguồn: NVCC