Từ khi còn là sinh viên trường Đại học Văn hóa, Giang Thanh đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim ngắn 2015 phim "Giữ lại yêu thương", giải Âm nhạc xuất sắc nhất Liên hoan phim ngắn 321 Action với tác phẩm "Bí mật nhà kho".
Tốt nghiệp, cô đầu quân về làm cho một công ty chuyên sản xuất phim uy tín ở Sài Gòn và được giao ngay web-drama "Nữ sát thủ" với sự tham gia diễn xuất của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hứa Minh Đạt, Hoàng Mèo, Nam Thư, Kiều Minh Tuấn...
Web-drama đầu tay này của cô lập tức thắng lớn khi đạt hơn 1 triệu lượt xem ngay trong ngày đầu tiên và lọt top thịnh hành trên Youtube.
Sau "Nữ sát thủ", Giang Thanh làm đạo diễn cho phần 4 Giải cứu tiểu thư – Truy tìm kho báu của Hồ Việt Trung. Kế đến là series "Thằng Khờ" của Quách Ngọc Tuyên với 4 phần liên tiếp đều đứng top trending Youtube chỉ trong 1 ngày ngắn ngủi.
Ngoài các phim chiếu mạng, Giang Thanh còn đứng sau hàng loạt các TVC viral đình đám trên mạng xã hội cũng như Youtube của nhiều nhãn hàng nổi tiếng. Cô là một trong số ít nữ đạo diễn triệu views thuộc thế hệ 9X ở khu vực phía Nam hiện nay.
Đạo diễn Giang Thanh trên phim trường
Bán điện thoại, vòng vàng mẹ mua cho để… ăn chơi: "Mẹ khổ sở vì tôi"!
Giang Thanh từng chia sẻ, bạn có một tuổi thơ rất quậy phá, tới nỗi gia đình xỉu lên xỉu xuống. Sau đó, Giang Thanh đã thay đổi nhờ một câu nói của mẹ để có ngày hôm nay. Thật khó hình dung về một đạo diễn triệu views như bạn lại có quá khứ bất hảo như thế?
(Cười) Quá khứ của tôi chơi bời khủng khiếp. Nguyên bộ vòng vàng ximen 7 chiếc mẹ tôi mua cho, tôi cũng bán dần lấy tiền ăn chơi. Tới khi còn 1 chiếc, mẹ tôi mới biết. Điện thoại mẹ mua, tôi cũng bán. Sợ bố mắng, phải nói dối là mất. Suốt từ năm lớp 7 tới lớp 12, mẹ khổ sở vì tôi.
Năm lớp 12, tôi đã xác định là trượt tốt nghiệp luôn rồi vì mình bị mất kiến thức cơ bản 100%. Tôi ham chơi, không học. Đi học toàn xuống bàn cuối lớp ngủ. Bố tôi làm ở Sở Giáo dục, thầy cô mắng vốn là "lo dạy lại con gái, chứ như vậy thì không nói được mấy bạn khác trong lớp".
Vì chuyện này mà bố mẹ tôi gây nhau. Tôi thay đổi 180 độ. Chỉ còn 3 tháng là thi tốt nghiệp, đêm nào tôi cũng học tới 2 giờ sáng. Trước khi thi tốt nghiệp, tôi bị sốt liên miên. Mẹ phải chở qua phòng khám của bác sĩ quen, chích thuốc để tôi vào phòng thi. Thi xong, tôi dư 10 điểm, cả nhà mừng muốn khóc.
Bản tính tôi đã quyết làm gì là làm tới cùng. Nhận kết quả, tôi nghĩ thế là đủ rồi nên nghỉ 1 năm không thi đại học. Nhưng trong năm đó, các bạn đi học hết, mình ở nhà bị buồn. Tôi tham gia các fan club của mấy anh Vân Quang Long, Lương Gia Huy. Lâu lâu trốn bố mẹ lên Sài Gòn đi xem ca nhạc.
Lúc tôi lên Sài Gòn đi học, cả nhà lo, sợ tôi dính vào mấy thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội. Sau này, lúc tôi hồi tâm chuyển hướng, tu tâm dưỡng tính, cả nhà ai cũng vui.
Từ học đồ họa, tôi được giới thiệu vào làm ở một công ty giải trí có tiếng ở Sài Gòn để làm việc. Ban đầu, tôi được giao viết kịch bản quay MV cho ca sĩ của công ty. Tôi học lóm quay, dựng phim rồi mê lúc nào không biết.
Thời điểm đó, khi các bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì tôi đi làm với mức lương rất cao, 8 triệu đồng/ tháng. Thế nhưng, tôi bỏ hết, về quê ôn thi để thi vào trường Đại học Văn hóa. Đó là quyết định làm thay đổi cuộc đời tôi. Quyết định đó đã đưa tôi đến công việc đạo diễn ngày hôm nay.
Cô có một quá khứ bất hảo khiến gia đình... mệt mỏi
Phải làm bằng 200% sức lực
Có thể nói, nghề đạo diễn không phải là công việc dành cho phụ nữ. So với nam giới, họ bị nhiều hạn chế, đặc biệt là người đã có gia đình. Tạo được chỗ đứng trên thị trường phim ảnh lại càng khó, Giang Thanh nghĩ sao về điều này?
Người ta làm bằng 100% sức lực thì tôi phải làm 200%. Nhất là thời điểm nghỉ sinh con, tôi bị bỏ lại quá xa. Chưa nói tới các anh chị lớn trong nghề, chỉ riêng trường Đại học Sân khấu, mỗi năm đã đào tạo ra cả trăm đạo diễn trẻ. Cạnh tranh với họ đã mệt, chứ chưa nói tới đàn anh đàn chị.
Tôi nhận thấy nghề nghiệp nào cũng cần những mối quan hệ. Đàn ông dễ gây dựng quan hệ hơn phụ nữ, bởi họ có thể cùng nhau thoải mái uống rượu, chơi đá bóng… Các dự án hoàn toàn có thể nảy sinh từ những hoạt động đó.
Còn phụ nữ thì rõ ràng là khó khăn hơn. Nữ đạo diễn ở Việt Nam hay những quốc gia có lĩnh vực phát điện ảnh như Hàn Quốc, kể cả kinh đô Hollywood cũng rất hiếm hoi. Có lẽ vì là "phái yếu" nên đôi khi nữ đạo diễn có rất ít cơ hội từ nhà đầu tư.
Song, làm nghệ thuật, đặc biệt là làm phim, ngoài mối quan hệ thì thực lực, tài năng, sự chăm chỉ, có tâm với nghề đi kèm kịch bản hay, độc, lạ sẽ mang đến thành công cho một bộ phim.
Nếu một người phụ nữ sở hữu tài năng, sự chăm chỉ, biết nắm bắt cơ hội và các ưu điểm kể trên thì theo lực hút các nhà sản xuất, đối tác sẽ tìm đến họ và cho họ cơ hội. Do đó tôi nghĩ phụ nữ hoàn toàn có thể tự tin làm phim, theo đuổi nghề đạo diễn nếu họ có đủ tâm sức, thực tài và nỗ lực không ngừng.
Cũng phải nói thêm rằng, đạo diễn nữ có ưu điểm hơn đạo diễn nam ở sự tinh tế. Ra hiện trường, nếu có tranh cãi, nữ giới thường xử lý khéo léo hơn nam giới.
Chính nghệ thuật đã làm thay đổi Giang Thanh
Thị trường web-drama thời gian qua phát triển khá mạnh mẽ, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các đạo diễn nữ. Giang Thanh làm thế nào để chứng thực khả năng của mình và khẳng định chỗ đứng riêng trong nghề này?
Thời gian gần đây, web-drama phát triển mạnh mẽ, bản thân tôi cũng nhìn thấy được, và tôi thấy vui vì điều đó!
Làm phim trên YouTube là cơ hội để được trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm làm nghề. Tuy là nền tảng khá thoáng trong việc kiểm duyệt nhưng tôi luôn xác định sản phẩm của mình phải sạch và chất lượng. Làm sao giữa thị trường YouTube, mỗi ngày lại có thêm những bạn trẻ tài năng gia nhập, mình phải trở nên đặc biệt mới là cái khó.
Ngoài những "chiêu" để làm sao thu hút được người xem thì có thể thời gian chuẩn bị một web-drama của tôi lâu hơn những đạo diễn khác, có thể là 1 năm chỉ làm 1, 2 phim thôi vì tôi muốn phim của mình phải khác hơn những phim trước...
Từ "kịch bản hay" đến kịch bản hay" và cuối cùng vẫn phải là một "kịch bản hay" thì tôi mới bắt tay vào sản xuất thành hình ảnh để gửi đến khán giả.
Tuy là web-drama nhưng tôi rất chú trọng về mặt nội dung cũng như hình thức... Bản thân tôi hằng ngày luôn tìm tòi và học hỏi không ngừng, cập nhật xu hướng, để đưa những cái tiến bộ hơn, hiện đại hơn, thổi một làn gió mới vào chính "đứa con tinh thần" mà do chính tay mình o bế!
Có thể vì lẽ đó mà sản phẩm của tôi luôn được anh chị em trong nghề nhận xét khá chỉnh chu, có đầu tư... và tạo được một vị trí nho nhỏ trong lòng khán giả. Điều đó làm tôi rất vui và lấy làm động lực để càng ngày càng cố gắng hơn nữa trên hành trình chinh phục những "ngọn núi" cao là chính là phim điện ảnh.
Giang Thanh là một trong số rất ít nữ đạo diễn 9X đắt show hiện nay ở khu vực phía Nam.
Mẹ chồng phải hứa, đợi con dâu tốt nghiệp đại học mới sinh con
Trong hành trình đó, Giang Thanh có được chồng và gia đình chồng ủng hộ?
Có thể mọi người không tin nhưng tôi thật sự có một cuộc sống màu hồng. Lúc chưa có con, cứ 5 giờ chiều là ông xã tôi điện hỏi đang ở đâu. Nếu tôi đi quay, anh sẽ chạy tới hiện trường chơi, tìm chỗ uống cà phê, đợi chở vợ về.
Suốt thời gian mang bầu, tôi nghỉ ngơi dưỡng thai. Đôi khi thấy anh chị em đồng nghiệp đi làm, mình bị buồn vì nhớ nghề, chồng lại đưa đi du lịch cho khuây khỏa. Tôi không phải lo bất cứ điều gì về tài chính trong nhà. Ngay cả lúc sinh con, mẹ chồng cũng cho một khoản tiền để thoải mái chi xài.
Khi tôi đi làm trở lại, ông xã tự nguyện lui lại làm hậu phương cho vợ. Anh chăm sóc con để tôi yên tâm làm việc. Có thể tiền không kiếm được nhiều như trước nhưng vợ chồng tôi vô cùng vui vẻ, nhẹ nhàng.
Mẹ chồng tôi cưng cháu tới độ, tôi muốn đụng vào chăm con cũng khó. Tôi tung tăng khắp nơi, con ở nhà đã có chồng và mẹ chồng lo. Thậm chí, tôi đi làm về khuya, bố mẹ chồng tôi cũng không nói gì. 5 năm chung sống, vợ chồng tôi chưa từng nặng lời với nhau dù chỉ một câu.
Vợ chồng tôi đặt ra nguyên tắc, không để cho con thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Đã hứa với con là phải giữ lời. Tôi tuy ít chăm sóc con nhưng luôn tìm cách bù đắp cho con mỗi khi có thể.
Mọi người vẫn hay nói, khi vợ hoặc chồng là người ngoài ngành nghệ thuật thì họ là người thiệt thòi rất nhiều. Giang Thanh làm thế nào "kiếm" được một người chồng quốc dân, một gia đình chồng quốc dân như thế?
Gia đình nhà chồng có truyền thống làm về ngành y, còn gia đình tôi làm về giáo dục, sư phạm. Nói gì thì nói, những người có học thức, họ không trọng nghề này, dù tôi không hề biết chơi bời, đi làm xong là về nhà. Tuy nhiên, khi anh dắt tôi về ra mắt gia đình, tôi áp lực lắm, sợ mình bị đánh đồng. Gia đình anh cũng ngại nghề của tôi.
Đám cưới của Giang Thanh trên du thuyền.
Thời điểm tôi gặp ông xã, tôi đang là sinh viên năm 3 trường Đại học Văn hóa. Quen được 1 tháng là anh ấy đòi cưới rồi. Tôi không chịu. 8 tháng sau, anh lại đòi cưới. Lúc này tôi đồng ý nhưng bố mẹ tôi là giáo viên nên rất quan trọng chuyện bằng cấp. Bố mẹ sợ tôi cưới rồi sinh con, không học tiếp được.
Mẹ chồng tôi phải hứa với bố mẹ tôi, đợi tôi tốt nghiệp xong mới có con. Đám cưới tôi gấp lắm. Đầu tháng đám hỏi, cuối tháng đám cưới, mình lại đang là sinh viên, còn đi học nên ai cũng tưởng tôi cưới chạy bầu. Nhưng tôi tốt nghiệp 2 năm sau mới có thai.
Nói chung, tôi có cuộc sống thoải mái, không phải lo lắng gì. Vợ chồng chia sẻ mọi thứ với nhau. Hai đứa lúc nào cũng như vợ chồng son. Tôi quyết định cưới anh là vì anh rất hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương gia đình. Anh từng học ngành y, là chuyên viên gây mê nhưng rồi bỏ theo ngành kỹ sư viễn thông.
Cảm ơn Giang Thanh về cuộc trò chuyện!