Nữ đại gia dùng chiêu hoán đổi, trục lợi hàng trăm tỉ đồng

Di Lâm |

Vụ việc đại gia Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt hơn 186 tỉ đồng bị phanh phui, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài chấp nhận chịu trách nhiệm...

Dự kiến ngày 18 và 19-1-2021, TAND TP HCM sẽ đưa ra xét xử vụ án hoán đổi khu đất công ở địa chỉ số 185 Hai Bà Trưng (quận 3, TP HCM) gây thất thoát hơn 186 tỉ đồng.

Nữ đại gia một thời - bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, viết tắt: Công ty Diệp Bạch Dương) ra tòa về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) ra tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngoài ra, 8 người khác từng là lãnh đạo, cán bộ nhiều đơn vị, sở, ngành thuộc UBND TP cũng hầu tòa về tội danh trên; trong đó có Vy Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM), Nguyễn Thành Rum (cựu Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM).

"Ôm trọn" đất công nhờ... giấy tờ photocopy

Năm 2008, Dương Thị Bạch Diệp biết Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP muốn tìm kiếm đối tác nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc ở số 185 Hai Bà Trưng. Với mong muốn xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, bà Diệp bàn bạc rồi đề nghị ông Vy Nhật Tảo (khi đó là giám đốc trung tâm) chấp nhận phương án Công ty Diệp Bạch Dương sử dụng khu đất khác có giá trị tương đương hoán đổi với trụ sở này.

Bà Diệp cam đoan doanh nghiệp sẽ xây trụ sở mới tại một địa điểm khác. Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP đồng ý đổi trụ sở cũ lấy tài sản mới ở số 57 Cao Thắng, quận 3. Kế đến, UBND TP HCM cũng như cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đều chấp nhận phương án hợp tác như trên.

Nữ đại gia dùng chiêu hoán đổi, trục lợi hàng trăm tỉ đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Tài đang chịu án phạt 8 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Quá trình làm thủ tục hoán đổi, đại gia Dương Thị Bạch Diệp cung cấp bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 57 Cao Thắng. Bản sao giấy tờ thể hiện đây là tài sản "sạch", tức là tài sản chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong khi, Công ty Diệp Bạch Dương âm thầm mang tài sản trên đi thế chấp vay 8.700 lượng vàng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh TP HCM (Agribank TP HCM). Không chỉ vậy, bà Dương Thị Bạch Diệp cam kết với Agribank TP HCM sẽ mang tài sản hoán đổi thành công vào ngân hàng thế chấp thay tài sản cũ. Tuy vậy, nữ đại gia ngang nhiên nuốt lời. Sau khi sở hữu khu đất số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp không mang giấy tờ tới Agribank TP HCM thay thế tài sản thế chấp mà mang sang ngân hàng khác tiếp tục vay vốn.

VKSND Tối cao xác định bà Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt tài sản nhà nước - bất động sản ở số 185 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 186 tỉ đồng. Tại cơ quan điều tra, nữ đại gia bao biện rằng cơ quan chức năng không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bản chính giấy tờ. Do đó, doanh nghiệp trình ra bản sao có chứng thực.

Cấp trên tin cấp dưới?!

Trong vụ án, lãnh đạo, cán bộ cơ quan nhà nước tắc trách trong tham mưu, đề xuất, chấp thuận hoán đổi tài sản; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở không đúng pháp luật.

Đơn cử, tháng 4-2008, bà Diệp ký đơn xin hoán đổi tài sản thuộc sở hữu Công ty Diệp Bạch Dương (số 57 Cao Thắng) lấy tài sản thuộc sở hữu nhà nước (nhà đất số 185 Hai Bà Trưng) do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP quản lý, sử dụng. Ông Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM giai đoạn đó) và lãnh đạo sở này thống nhất chủ trương xã hội hóa, ủng hộ hợp tác đầu tư.

Trước lúc Công ty Diệp Bạch Dương xây trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ mới ở số 57 Cao Thắng, bà Diệp đã mang giấy tờ khu đất này vào ngân hàng cầm cố. Vậy mà, ông Vy Nhật Tảo cùng cấp dưới không hề phát hiện sự việc. Ông Vy Nhật Tảo thú nhận bản thân không nắm rõ quy trình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Ông Tảo có giao cấp dưới kiểm tra điều kiện pháp lý tài sản số 57 Cao Thắng. Nhưng ông không giám sát việc thực hiện chỉ đạo. Cựu giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP nói rằng ông tin tưởng những đơn vị có chức năng, thẩm quyền sẽ kiểm tra chặt chẽ tình trạng pháp lý tài sản hoán đổi.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Rum giải thích ông tin tưởng lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP cũng như cơ quan cấp trên trong vấn đề xác minh pháp lý tài sản hoán đổi.

Tháng 7-2009, Công ty Diệp Bạch Dương có đơn gửi ông Nguyễn Thành Tài (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP) xin hoán đổi tài sản. Nhận đơn, ông Tài chỉ đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu và có ý kiến đề xuất. Quá trình điều tra, ông Tài thừa nhận ông không được phân công phụ trách, sắp xếp lại tài sản nhà nước. Khi nghe Dương Thị Bạch Diệp và Vy Nhật Tảo trình bày phương án hoán đổi mang đến lợi ích cho TP HCM, ông ủng hộ và có báo cáo chủ tịch UBND TP thời kỳ đó (ông Lê Hoàng Quân).

Sau đó, ông Quân giao ông Tài trực tiếp chỉ đạo, thực hiện. Vì tin tưởng cấp dưới nên ông Tài không chỉ đạo kiểm tra, xác minh tình trạng pháp lý tài sản, dẫn đến hệ quả chấp nhận hoán đổi dù tài sản tư nhân không đủ điều kiện. Nguyên chủ tịch UBND TP HCM chấp nhận chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và hậu quả đã xảy ra.

Nhiều người liên quan!

Trong cáo trạng, VKSND Tối cao đề cập đến nhiều người liên quan như ông Lê Hoàng Quân (nguyên Chủ tịch UBND TP HCM), ông Đỗ Phi Hùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP)...

Khi là Chủ tịch UBND TP - Trưởng Ban Chỉ đạo 09 TP HCM (Ban Chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP HCM), ông Lê Hoàng Quân nhất trí chủ trương hoán đổi tài sản, chỉ đạo ông Tài thực hiện. Trên cơ sở đề xuất từ sở, ngành trực thuộc, ông Quân đồng ý cấp giấy tờ sở hữu tài sản ở số 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương.

Theo VKSND Tối cao, hành vi trên không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước. Ông Quân có một phần trách nhiệm nhưng ở "mức độ hạn chế", chưa đến mức xử lý hình sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại