Bộ đội Đặc công được coi là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, vì vậy, môi trường, phương pháp huấn luyện, đào tạo cũng hết sức đặc biệt. Cũng vì thế những nữ quân nhân thuộc lực lượng đặc biệt này được gọi là những "Bông hồng thép". Đó là cách gọi vui, nhưng thể hiện sự tôn trọng, mến phục mà các nam quân nhân dành cho đồng đội nữ của mình, đặc biệt là đối với những nữ chiến đấu viên của các đơn vị đặc công.
Sống trong môi trường quân ngũ với những bài luyện tập khắc nghiệt, 8 nữ đặc công thuộc Lữ đoàn đặc công được tuyển chọn từ những cô gái xuất sắc của trong các lực lượng thuộc biên chế trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bình thường họ là những "bóng hồng" quen với những công việc nhẹ nhàng nhưng khi ra thao trường, sự mềm yếu nhường chỗ cho sự tinh nhanh, dũng cảm, can trường. Đối với những chiến sĩ thuộc binh chủng Đặc công, họ luôn phải xây dựng cho mình một tinh thần thép, khả năng mưu trí, tác chiến độc lập giỏi. Yêu cầu trên với nam quân nhân đã khó, đối với những nữ quân nhân lại càng khó hơn.
Dưới cái nắng của thao trường nhưng trên gương mặt các cô gái vẫn ánh lên sự tự hào, kiên cường.
Những bài tập khắc nghiệt mà ngay cả nam giới cũng gặp khó khăn như múa côn, kỹ thuật leo tường bằng sào tre, kỹ thuật chống khủng bố... được các cô gái thực hiện thuần thục.
Ngụy trang là yếu tố tạo nên sự bất ngờ của cách đánh đặc công làm nên thương hiệu của Đặc công Việt Nam.
Những nét vẽ đơn giản như vết chân chó, gà, mèo nhưng góp phần quan trọng vào ngụy trang cho chiến đấu viên trong điều kiện chiến đấu thực tế ngoài chiến trường.
Vượt nắng, thắng mưa những "bóng hồng thép" miệt mài luyện tập trên thao trường.
Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Thị Thùy Dung, Chiến đấu viên Đội 11, Liên đội 9, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 (Binh chủng Đặc công) tâm sự: "Gia đình có bố và anh trai đều trong quân ngũ, bản thân em học võ từ lớp 4, trong môi trường quân ngũ rất ít phụ nữ, khó khăn vất vả, nắng gió với yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao về thể lực, bản thân em luôn nỗ lực hết mình, được trên tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia Hội thao Quân sự Quốc tế (Army Games) 2021 tại Uzbekistan trong đội hình đội tuyển Quân y Việt Nam".
Sau khi kiểm tra, xử lý mìn vướng nổ, đè nổ và các loại vật cản khác Thùy Dung cẩn thận móc cố định hàng rào tạo đường tiến. Mắt hướng địch, chân nhẹ nhàng tiếp cận mục tiêu.
Cùng với đó các "bông hồng thép" luyện tập các bài đu dây xuống từ các tòa nhà cao tầng. Các trang bị bảo hộ, bảo hiểm luôn được kiểm tra kỹ trước mỗi bài tập, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Hải Linh thực hành đu dây từ nhà cao tầng tiếp đất và phát triển chiến đấu.
Vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu về độ cao, cùng với ý chí quyết tâm rèn luyện, Hải Linh đã có thể thực hiện những nội dung khó như thả dây treo ngược từ nóc nhà cao tầng xuống tiếp cận mục tiêu.
Những thao tác thuần thục, kỹ thuật bắn súng điêu luyện là yêu cầu đòi hỏi bắt buộc với các chiến đấu viên đặc công, đối với nữ giới cũng không phải ngoại lệ.
Các nữ đặc công sử dụng thành thục các loại vũ khí bộ binh hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Điểm xạ chính xác.
Trên thao trường, các nữ chiến sĩ đặc công phải rèn luyện trong thời gian dài và công phu để đạt được trình độ kỹ, chiến thuật thuần thục, đồng thời có ý chí, bản lĩnh, tâm lý vững vàng, có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, đủ sức hoạt động với cường độ cao, ở nhiều địa hình hiểm trở, phức tạp.
Đối với võ đặc công, một trong những bộ môn khó nhất đó là khí công. Luyện tập các môn khí công không chỉ có độ khó cao, bên cạnh đó là nguy cơ mất an toàn và những chấn thương trong quá trình luyện tập, đòi hỏi người thực hiện có nền tảng thể lực tốt, sự khổ luyện và ý chí kiên định. Nằm trên bàn đinh, chịu sức nặng của 2 người, cùng sức công phá của búa tạ nhưng trải qua rèn luyện các nữ chiến đấu viên không hề thua kém các đồng đội nam.
Những “bông hồng thép” trong giờ giải lao trên thao trường.