Mặc dù tiền kiếm được không nhiều, nhưng không vì vậy mà từ bỏ cuộc sống sang chảnh, vì cuộc sống mà mình hướng đến và thứ mà mình thích mà trở nên nghèo nàn, và cũng nghèo mà vẫn vui.
Con người là một sinh vật rất kì lạ, họ có tư tưởng và ý thức độc lập, đồng thời cũng vì sự khác nhau về tư tưởng này mà rẽ ra rất nhiều ngã rẽ khác nhau dù đi trên cùng một con đường.
Có người chú ý tới ngoại hình, vì vậy, họ sống rất trau chuốt, có người chỉ chú ý tới tâm hồn bên trong nên họ sống có phần xuề xòa.
Còn những người trẻ "nghèo sang chảnh", vì khát khao và mong muốn của bản thân mà họ sống như những con rận bám vào sự hào nhoáng.
Vì sao lại là "nghèo sang chảnh"?
Gần đây, tôi có xem qua một bộ phim của Hàn Quốc mang tên "Kí sinh trùng".
Câu chuyện mà bộ phim truyền tải thực ra khá đơn giản, chính là một người ở tầng lớp dưới trong xã hội liều mạng nỗ lực "trèo lên cao", kết quả lại là một bi kịch.
Một chi tiết trong bộ phim để lại ấn tượng rất mạnh trong tôi đó là: người chủ nhà giàu bịt mũi lại, tỏ vẻ khinh khỉnh khi ngửi thấy mùi lạ như mùi tầng hầm phát ra từ người đàn ông trong phim ngay cả khi người đàn ông đang giúp người chủ lấy chìa khóa.
Vậy là, người đàn ông giơ con dao lên...
Xem hết bộ phim này, tôi đã nghĩ: trong phim, thứ "mùi lạ" mà người giàu nói thực sự tồn tại ư? Đáp án là đúng.
Người nghèo suốt ngày bận rộn mưu sinh, không có nhiều thời gian trau chuốt cho bản thân, trên người họ nào là mùi dầu, mùi mồ hôi...
Lúc trước khi đi trong khuôn viên trường học, có một cô gái lướt qua tôi, ngay sau khi cô ấy đi qua, cả không khí bỗng thơm mùi nước hoa nhè nhẹ.
Cả người cô ấy toát ra một vẻ gì đó rất thanh thoát, khí chất, mà cảm giác tinh tế, khí chất này có mùi hương - mùi tiền.
Là kiểu làn da đẹp không tì vết như chưa trải qua gió sương, là những bộ trang phục hàng hiệu, là thứ mà bạn lưỡng lự cả ngày không dám mua trong khi người khác chỉ vung tay một phát là mua được cả nửa cửa hàng.
Mùi hương này, bản thân bạn không ngửi ra được, nhưng họ thì có thể, bởi đây là sự khác biệt mùi hương đến từ hai tầng lớp, hai thế giới.
Mùi hương đó, thơm, và có cả sự mặc cảm.
Có người không có mùi hương này, nên họ liều mình đi thể hiện, chỉ vì muốn được đứng trong thế giới của người giàu, để hít hít ngửi ngửi mùi hương của họ.
Quá trình này gọi là "nghèo sang chảnh".
Người giàu nói người nghèo có mùi người nghèo, đó là mùi của sự mặc cảm.
"Nghèo sang chảnh" không ở đâu xa, chúng ở ngay bên cạnh chúng ta
Anna một tháng lương rơi vào khoảng 10 triệu, nhưng tiêu dùng hàng tháng luôn ổn định ở mức 20 triệu trở lên, nói theo cách của cô ấy thì là bạc đãi ai chứ không được bạc đãi bản thân.
Không khó để nhìn thấy túi xách này, chuyến du lịch kia trên trang cá nhân của cô ấy.
Cuộc sống của cô ấy luôn rất sang chảnh, khi mà chúng tôi đang sấp mặt với dự án này dự án kia ở công ty thì cô ấy đang ngồi trên máy bay nghĩ xem lúc đến nơi nên ăn gì.
Nhưng, nếu nhìn vào thực tế, tôi không hề ngưỡng mộ cô ấy một chút nào.
Bởi lẽ, đằng sau mỗi một lần mua túi là một lần cô ấy ăn mỳ gói; cuối tháng khi bạn được phát lương, muốn thưởng cho bản thân vài bộ quần áo với giá cả hợp lý thì cô ấy lại buồn rầu vì những số nợ chưa trả hết...
Thu nhập của cô ấy không tương xứng với chi tiêu, hơn nữa còn phải suốt ngày ngồi nghĩ làm sao để trông thật sang chảnh trên trang cá nhân, dù biết tháng sau sẽ phải đối mặt với điều gì thì cô ấy vẫn cứ như vậy.
Đây, chính là nghèo sang chảnh.
Rất nhiều người trẻ đang vì theo đuổi cảm giác "nghèo sang chảnh" này, bên ngoài sáng loáng nhưng bên trong thì rỗng ruột.
Vậy còn những người không theo đuổi cuộc sống "nghèo sang chảnh", sau này, họ thế nào?
Trong tác phẩm "Câu chuyện về Sahara", một câu chuyện tự truyện về cuộc đời và tình yêu của tác giả Đài Loan, Tam Mao, khi cô sống ở sa mạc Sahara với người chồng Tây Ban Nha Jose Maria Quero y Ruiz, khoảng thời gian đó cái gì cô cũng không có, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0, bao gồm cả nguồn kinh tế.
Họ ở sa mạc tổ chức hôn lễ, không có đoàn xe sang chảnh, chỉ đi tới cơ quan địa phương chụp ảnh đăng kí kết hôn.
Không có tiền mua cá, họ lái xe đến bờ biển làm ngư dân. Nhìn những con sóng đập vào các rạn san hô, họ cười và đùa giỡn, họ nhặt vỏ ốc, họ ca hát trong làn sóng thủy triều.
Họ nghèo không? Nghèo!
Tam Mao không có túi hàng hiệu, Jose cũng không đi giày hàng hiệu, họ rất nghèo, dường như không có một thứ gì.
Nhưng họ có sanh chảnh không? Có!
Bất luận có nghèo khổ tới đâu, họ vẫn không đánh mất đi những nhu cầu theo đuổi cuộc sống, nhà dù đơn sơ tới đâu cũng vẫn sẽ dọn dẹp thật gọn gàng, chừa ra một góc để đựng sách, những viên đá xếp gọn hai lối đi trông như một bức tranh nghệ thuật, bàn trong nhà bắt buộc lúc nào cũng phải có một bình hoa, dù là hoa gì.
Sang chảnh thực sự, trước giờ không dùng tiền bạc để thể hiện, mà là ngay cả trong hoàn cảnh sống không được khá giả cho lắm, bạn vẫn có thể khiến cuộc sống của mình trở nên rực rỡ, sống động, có dư có vị.
Người ta đều nói , cái gọi là "nghèo sang chảnh" đang hủy hoại rất nhiều thanh niên trẻ ngày nay, nhưng triết học cũng có câu: một chuyện khi không còn có thể tồi tệ hơn được nữa thì nhất định sẽ khởi sắc đi lên.
Vì vậy, đến vực thẳm rồi phải học cách kìm cương ngựa, quay đầu là bờ, bạn phải hiểu rằng cái gọi là "nghèo sang chảnh" chỉ là cảm giác hư vinh khi theo đuổi cái gì đó bạn ngưỡng mộ chứ không phải một phương thức sống.
Nếu bạn đọc ngàn cuốn sách, đi vạn dặm đường, vậy thì bạn sẽ hiểu ra, cuộc sống sanh chảnh, tinh tế thực sự trước giờ chưa bao giờ là đăng một hai tấm hình thật sang lên trang cá nhân mà nó là một loại thái độ sống.
Dù nghèo khó, không có gì, nhưng vẫn có thể khiến một cuộc sống bình thường nở hoa rực rỡ.
Sự tinh tế, sang chảnh thật sự trước giờ đều tiềm ẩn ở nơi mà người ta không nhìn thấy.