Toạ đàm "Vốn dân tộc, đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo" là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Đây là cơ hội để mọi người cùng nhìn nhận về những nguồn lực vốn dân tộc còn đang bỏ ngỏ và những cách thức khai thác làm đòn bẩy cho khởi nghiệp sáng tạo.
PGS,TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Tham gia buổi tọa đàm có PGS, TS Đinh Hồng Hải, Trưởng bộ môn Nhân học, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề Lụa đũi Nam Cao Thái Bình, nhà thiết kế (NTK) thời trang Vũ Thảo Giang và ông chủ "vua dép lốp"...
Phát biểu tại tọa đàm, PGS,TS Đinh Hồng Hải cho biết, trên thực tế, có rất nhiều loại vốn như: Vốn kinh tế, vốn con người, vốn văn hóa… Ai cũng cần đến vốn để làm ăn, vốn để khởi nghiệp, vốn để duy trì, vốn để phát triển doanh nghiệp. Vốn là cái tất cả mọi người mưu cầu, một doanh nghiệp có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào duy trì nguồn vốn.
Về phía NTK Vũ Thảo Giang, cô tâm sự về ý tưởng khi đưa chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam lên áo dài như thổ cẩm của người Tày, họa tiết của nghệ thuật khảm sành sứ ở Huế, hay hình ảnh của những di sản được UNESCO ghi danh… Nhờ đó, áo dài không chỉ tôn vinh hình tượng phụ nữ Việt Nam mà còn góp phần quảng bá văn hóa, di sản và du lịch.
NTK Vũ Thảo Giang (áo dài đỏ) và các khách mời.
Là người dân tộc Tày, thành công với thương hiệu áo dài, NTK Vũ Thảo Giang tâm sự: "Với NTK trẻ không có nhiều lợi thế, dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của tôi. Qua quá trình theo đuổi nghề thiết kế thời trang, vốn dân tộc, văn hóa hiện diện trong từng thiết kế. Tôi nhận ra rằng, các bạn trẻ sáng tạo, ứng dụng vốn văn hóa vào khởi nghiệp sẽ dễ thành công hơn nhiều".
"Với NTK trẻ không có nhiều lợi thế, dấu ấn văn hóa là vốn khởi nghiệp lớn nhất của tôi", NTK Vũ Thảo Giang tâm sự.
NTK Vũ Thảo Giang cũng cho rằng, những người trẻ khởi nghiệp bằng vốn văn hóa còn được tiếp sức mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng mong muốn đồng hành với những hình ảnh, biểu tượng xưa và kể câu chuyện văn hóa tới công chúng.
Những dấu ấn mà NTK Vũ Thảo Giang đã ghi trên hành trình khởi nghiệp của mình không thể không kể tới các bộ sưu tập (BST) mà cô đã thực hiện như: BST Gốm khảm "Bát nhã", BST "Qua miền di sản", BST "Việt Nam gấm hoa", BST thổ cẩm "Phố Làng", BST "Sắc hoa"…
Thảo Giang chia sẻ rằng, nguồn "Vốn văn hoá dân tộc" là đòn bẩy khởi nghiệp bền vững. Những sản phẩm mang đậm yếu tố văn hóa dân tộc - không bao giờ cạn ý tưởng bởi khai thác hàm lượng các yếu tố văn hoá của Việt Nam vô cùng đa dạng.
Và việc gìn giữ giá trị truyền thống còn tạo ra mối liên hệ gắn kết sâu sắc giữa nhà thiết kế và những người thuộc một nền văn hóa như nghệ nhân làng nghề góp phần tạo nên sinh kế cho cộng đồng làm nghề truyền thống.
"Vốn văn hoá dân tộc" cũng tạo nên sản phẩm mang tính nghệ thuật tinh hoa có giá trị & trị giá cao. Những sản phẩm này có không chạy theo xu hướng "thời trang nhanh" - đối với thời trang thì đây là hướng phát triển xanh và bền vững.
NTK Vũ Thảo Giang thuộc thế hệ 9x, là gương mặt nhiều năm liền tham gia trình diễn tại các chương trình, sự kiện lớn hàng đầu Việt Nam như: Lễ hội Áo dài TP.HCMh (từ năm 2019 đến 2023); Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam; Lễ hội Áo dài và Du lịch Hà Nội; Festival Huế - lễ hội Sen; Festival Hoa Đà Lạt - Hương trà Sắc tơ...