Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 200 nghìn trẻ em mắc chứng tự kỷ. "Let me be the one", với thông điệp "Hãy yêu con như con là, hãy tôn trọng cá tính khác biệt của con" được thai nghén từ một thực tế như vậy.
Mong muốn đem lại một cái nhìn yêu thương hơn, chia sẻ hơn của các bậc phụ huynh và xã hội đối với trẻ em mắc chứng tự kỉ, thương hiệu thời trang trẻ em Ellie Vũ cùng trung tâm Hy Vọng tạo ra một chuỗi sự kiện thú vị, bao gồm các workshop song hành cả nghệ thuật và giải trí, truyền thống và hiện đại dành cho trẻ tự kỷ.
Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện là đêm Gala fashion show Let me the one để gây quỹ. Toàn bộ số tiền thu được về sẽ được dùng để khám sức khỏe tổng quát cho trẻ tự kỷ, xây lại trường và sửa sang cơ sở vật chất cho trung tâm trẻ tự kỷ Hy Vọng.
Nhà sáng lập thượng hiệu Ellie Vũ – NTK Anh Triệu – đã có những chia sẻ về dự án này cũng như những hoạt động thường niên mà chị thực hiện nhằm "tách" trẻ khỏi thế giới công nghệ và hòa mình vào sự giao lưu và sáng tạo.
- Dự án hỗ trợ trẻ em tự kỷ của chị bắt nguồn từ đâu?
- Có một câu chuyện cứ làm tôi nhớ mãi không thôi khi còn ở Mỹ, đó là khi ngồi ăn trong siêu thị, nơi có rất đông người, tôi thấy một người mẹ chăm sóc đứa con trai mắc chứng tự kỷ của bà. Thằng bé ngồi trên xe lăn và hai tay gần như là không thể hoạt động.
Bà ấy phải chăm sóc con hoàn toàn nhưng tôi nhìn thấy ở người mẹ này một ánh mắt ánh lên tình yêu và sự tự hào rất lớn. Tự nhiên lúc ấy, tình mẫu tử đó đã chạm đến trái tim tôi.
Có một thực tế là nếu việc chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó thì chăm sóc một đứa trẻ không may mắc chứng tự kỉ còn khó khăn hơn rất nhiều. Song song với đó, bố mẹ của các em thường suy nghĩ và có mặc cảm nhất định. Trong khi điều quan trọng nhất là thái độ của bậc phụ huynh khi nhìn nhận vấn đề đó ra sao.
Nếu như họ thấy là không có vấn đề gì hết, tôi vẫn yêu con tôi, nó là duy nhất, tôi tự hào về những gì nó có thì việc chăm sóc con của người làm cha mẹ sẽ không có một chút gánh nặng nào. Còn nếu mà cảm thấy là không may, cảm thấy là bất hạnh, khổ quá thì đó lại là một gánh nặng.
Khi chia sẻ câu chuyện này với các phụ huynh không may có con mắc chứng tự kỷ, tôi mong mỏi một điều rằng các con sẽ nhận được một sự quan tâm lớn nhất chính là từ chính bố mẹ. Trung tâm chỉ là một phần, hỗ trợ từ xã hội cũng chỉ là một phần.
Và muốn có được điều đó thì mỗi phụ huynh nên tự hào bởi vì con đã đến với mình và hãy yêu con như những gì con có. Đừng đòi hỏi, cũng đừng cảm thấy mặc cảm, tự ti. Vì càng làm thế càng khiến cho con thu mình lại ở trong một thế giới. Và cũng từ đó, dự án "Let me be the one" được hình thành.
- Sau khi thai nghén ý tưởng về một dự án dành cho trẻ tự kỷ, chị đã thực hiện các bước thế nào?
- Chúng tôi đồng hành với trung tâm Hy Vọng, nơi có 100 trẻ tự kỉ. Đầu tiên là có các buổi đến trung tâm trẻ tự kỉ Hi Vọng để cùng với cô giáo nói chuyện với phụ huynh.
Cha mẹ của các bé tự kỉ nhạy cảm hơn cả con, để thuyết phục họ tham gia một chương trình như này là rất khó. Đạo diễn chương trình đã rất tâm huyết và thuyết phục các bậc phụ huynh.
Sau khi có sự tham gia của trẻ và phụ huynh, chúng tôi có các buổi workshop để tiếp cận với các con. Workshop đầu tiên làm một việc hữu ích, cụ thể là sửa lại phòng học cho các con, còn các con được vẽ tranh tường.
Tiếp đó, chúng tôi tổ chức workshop cùng các con nhuộm vải, chất liệu tự nhiên là lụa Nha Xá, nhuộm từ các chất liệu thực phẩm như là lá cây, cây, hoa… Sau đó, các con sẽ cùng với ekip Ellie Vũ vẽ lên những chiếc khăn để làm nên một sản phẩm khăn lụa cho các bé.
Điều quan trọng trong những hoạt động này là tôi muốn các con được chơi, được vận động, được phát huy hết sức sáng tạo và nhạy bén của mình. Sau đó là buổi đêm gala để gây quỹ cho các con.
Sự đóng góp của mọi người sẽ được dùng vào vấn đề mà tôi đã trao đổi với giám đốc trung tâm Hy Vọng trước đó. Đầu tiên, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi thăm khám cho các con. Tôi đã liên hệ và làm việc với một đơn vị y tế rất có uy tín, họ sẽ thăm khám cho 100 bé tự kỉ về bốn chuyên khoa.
Tiếp đó là việc xây sửa lại toàn bộ trường học cho các con. Tôi muốn cho các con có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.
- Khi thực hiện các chương trình cho trẻ tự kỷ, chị còn thấy những điều gì khác?
Tôi thấy hiện nay, trẻ con sống trong thế giới công nghệ và thường xuyên dán mắt vào máy tính, tivi, ipad. Đi ra ngoài chơi cũng lại vào trong các trung tâm để chơi trò chơi. Việc này không chỉ khiến trẻ thụ động, hại mắt, ảnh hưởng sức khỏe mà còn là một trong những tác nhân dẫn tới hội chứng tự kỷ.
Xuất phát từ việc nhìn nhận này, tôi muốn tạo ra các hoạt động có thể thay đổi được các con, hướng các con khám phá thế giới xung quanh và thỏa sức sáng tạo. Và Ngày hội may vá là một hoạt động như vậy.
Ở đó, các bé gái được hướng dẫn các hoạt động may vá như ngày xưa chúng ta hay đi học thủ công. Bên cạnh đó, khi các con thực hiện những công việc này, các con cũng rèn được sự tỉ mỉ, kiên trì – vốn là những đức tính rất cần thiết.
Tôi lấy ý tưởng Ngày hội may vá từ việc một bé 5 tuổi, con của người chị, cháu rất hay lấy những thứ đồ cũ rồi cắt may và làm túi. Bé cũng sáng tạo may đồ cho cún con. Hay như con gái tôi cũng rất thích được ngồi may quần may áo cho búp bê.
Điều quan trọng nhất là trẻ con từ bé dám có ước mơ, dám có sự sáng tạo thì cuộc sống sẽ thú vị hơn và nhiệm vụ của người lớn chúng ta là tạo nên những sân chơi bổ ích như vậy để trẻ được vẫy vùng.