Nhắc tới sân khấu cải lương, không thể không nhớ tới cặp vợ chồng vàng NSƯT Thanh Điền – NSƯT Thanh Kim Huệ. Suốt hơn 40 năm cống hiến với nghề, họ đã để lại cả một di sản lớn cho nền cải lương và kịch nói nước nhà.
Và đáng tự hào hơn cả, dù đã có tuổi, nhưng hai nghệ sĩ vẫn căng tràn nhiệt huyết và sống hạnh phúc như thưở ban đầu cùng nhau.
Tại tập 17 chương trình Sau ánh hào quang vừa lên sóng tối qua (22/1), Thanh Điền và Thanh Kim Huệ đã cùng chia sẻ về quá trình làm nghề và chung sống của họ.
Thanh Điền - Thanh Kim Huệ
Thanh Điền: "Đến giờ phút này, tôi vẫn cám ơn chị Thẩm Thúy Hằng"
Năm nay tôi đã 70 tuổi, nhưng vẫn còn phong độ là nhờ hồi nhỏ chăm tập thể dục thể thao và luyện một chút võ nghệ.
Mẹ tôi là một võ sư, quê ở Bến Tre – nơi nhiều lò võ. Bố tôi thì có tướng tá rất đẹp, là một đờn ca tài tử, nên tôi thừa hưởng nhan sắc từ bố. Ông đờn hay lắm, nhưng không muốn cho các con theo nghề vì lại sợ gian khổ như bố mẹ.
Tôi mê cải lương từ năm 4 tuổi. Hồi đó, tôi nhìn nghệ sĩ nào cũng đẹp, cứ bước ra sân khấu là lộng lẫy, dù có thể ở ngoài họ không đẹp lắm. Tôi đi xem cải lương mà nghẹt thở theo từng vai diễn.
Tôi muốn đi xem hát, nhưng bố mẹ không cho, nên cứ trốn theo người lớn trong xóm để được vào ké. Người ta thấy thương nên cũng cho tôi vào cùng. Riết rồi ông bảo vệ nhớ mặt tôi nên mới hỏi: "Sao mày nhiều bố mẹ quá vậy? Ai mày cũng vào cùng".
Tới lúc bị phát hiện, tôi bị bố rượt theo từ nhà hát về tận nhà rồi đánh đòn roi đau thấu xương và cấm không cho đi xem.
Thế nhưng, tôi vẫn lén học ca đờn. Các lò dạy hát ở quê khi ấy thường tổ chức giao lưu với nhau. Tôi được lò của mình cử đi thi và đoạt quán quân. Năm ấy, tôi mới 15 tuổi.
Ngày xưa, cao như tôi là hơi quá. Hồi đó, nghệ sĩ cải lương chỉ tầm 1m65 thôi.
Vì thế, tôi chuyển sang đóng phim, một phần cũng bởi đam mê điện ảnh. Tôi thấy diễn viên trên phim họ thật hơn, đời thường hơn sự ước lệ của cải lương.
Khi tôi từ cải lương sang điện ảnh, người ta cứ hỏi tôi có bí quyết gì không mà diễn hay thế. Nhưng tôi chẳng có gì cả, chỉ đơn giản là tôi biết quên. Tôi quên được cái ước lệ của cải lương để diễn rất thật ở kịch và phim.
Người phát hiện ra tôi ở mảng điện ảnh chính là chị Thẩm Thúy Hằng. Đến giờ phút này, tôi vẫn cám ơn chị. Còn người luyện cho tôi nhiều nhất là chị Kim Cương.
Thẩm Thúy Hằng
Nhưng người thương tôi nhất lại là má Bảy Nam. Nhiều đêm, má Bảy Nam ngồi trong hậu trường, bắc ghế xem tôi diễn rồi nhắc nhở tôi cái gì được hay chưa được. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ những người ấy đã cho tôi ý thức về nghề.
Lúc diễn trên sân khấu kịch, tôi hay phải đóng vai phản diện và đóng đạt tới mức, thường xuyên bị khán giả chửi. Khán giả ghét nhân vật tôi đóng nên ghét lây sang cả tôi.
Có lần đang diễn cảnh bạo hành chị Lệ Thủy, một khán giả bỗng tức quá mà đứng giữa rạp hát chửi tôi như kẻ thù. Đây là kỉ niệm tôi không thể quên được.
Thanh Kim Huệ: "Thời xưa, tôi khá kiêu căng, thường đi sớm về muộn"
Hồi trẻ mới vào nghề, tôi nhiều tật xấu lắm, hay ganh đua, ganh tị với người khác. Có lần, tôi hát chung với con nhỏ kia, thấy nó đẹp quá, hát hay quá nên mới trù cho nó ra ngoài quên tuồng đi.
Nhưng cuối cùng, nó không quên mà tôi mới là người quên. Từ đó, tôi cố sống với cái tâm thánh thiện, chứ nếu mình nghĩ xấu thì cái xấu đó sẽ vận vào mình.
Tôi không có năng khiếu, tất cả là do rèn luyện mà thành. Từ nhỏ, tôi đã rất đam mê nghề hát nên quyết tâm theo đuổi.
Thời mới bước chân vào nghề hát, tôi ca rất dở, thế là tôi bắt chước hát theo chị Lệ Thủy, Hữu Châu. Nhưng rồi tôi nhận ra không thể bắt chước mãi được, phải có dấu ấn của riêng mình, nên tự tìm tòi được cái mới không ai có.
Chẳng hạn, từ đời chị Lệ Thủy đã có tân cổ giao duyên rồi, nhưng đến lượt mình, tôi tự chế biến thêm những luyến láy riêng.
Là cặp vợ chồng nổi tiếng nên tôi và Thanh Điền khó ở với nhau lắm, nếu không cố gắng vượt qua thì đã tan vỡ từ lâu rồi.
Chúng tôi từng va chạm tới mức suýt li dị, vì những tin đồn không tốt về anh ấy. Là phụ nữ, tôi có nhiều phật lòng, không vừa ý. Nhưng tới lúc sắp tan vỡ, tôi nghĩ tới con mình nên thôi.
Bố mẹ tôi li dị từ khi tôi còn bé, nên tôi thấu hiểu được nỗi đau này và biết con mình sẽ khổ, mất mát không bù đắp được. Với lại, còn nước còn tát, tôi thấy anh có thiện chí thay đổi nên cho anh thêm cơ hội. Hơn nữa, tôi cũng nghĩ tới khán giả của mình sẽ buồn nếu mình chia tay.
Lâu dần, tôi và anh học được cách nhường nhịn lẫn nhau trong cuộc sống, nên ngày càng đậm đà hơn. Sau cơn mưa, trời sẽ trả lại vầng trăng.
Anh Điền rất hiền và dạy cho tôi nhiều cái. Thời xưa, tôi khá kiêu căng, thường đi sớm về muộn. Anh thấy vậy mới nhắc tôi nên giữ đúng giờ giấc.
Anh còn rất thương con. Trong giáo dục con cái, chúng tôi luôn để chúng tự do phát triển. Con chúng tôi có đủ điều kiện, đẹp trai, cao to, được nhiều hãng phim mời. Nhưng nó đam mê nhiếp ảnh nên không muốn theo showbiz.
Lần gặp anh Thanh Điền đầu tiên, tôi rất ghét vì anh đen nhẻm, đầu cạo trọc lốc do mới thất tình với một cô khác. Lúc đó, anh còn tính bỏ nghề về quê chăn vịt, nhưng nhớ nghề nên không dám bỏ. Tôi khi ấy đã là kép chính, còn anh chỉ là hát phụ, nên tôi không thèm ngó ngàng tới anh.
Nhưng anh có vẻ thích tôi nên cứ thấy tôi ngồi làm mặt ở đâu là vác đàn ra đó đánh.
Trong một lần đi diễn xa qua ghe, cả đoàn bị chìm. Cảnh anh ấy vất vả, xông xáo cứu người nọ người kia khiến tôi cảm động. Sau giải phóng, tôi hối anh cưới luôn đi vì nghĩ thôi thì cứ lấy chồng cho rồi. Thế là chúng tôi thành vợ chồng và sống với nhau tới tận bây giờ.