NSƯT Phạm Bằng vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 20h ngày 31/10 sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật. Và thế là hành trình tại dương gian của người nghệ sĩ già đã khép lại. Làng hài lại vắng bóng thêm một "cây cao, bóng cả".
Người hâm mộ lại phải nói lời vĩnh biệt với bác "Bằng hói", người đàn ông chuyên chở tiếng cười. Vẫn biết trần gian là cõi tạm nương nhưng ai cũng bàng hoàng khi nghe tin ông mất.
Thôi, khép lại những ngày đớn đau vì bệnh tật, mệt mỏi với thuốc men, NSƯT Phạm Bằng lại tiếp tục hành trình ở một thế giới khác, bên cạnh người vợ thảo hiền mà ông yêu trọn một đời.
Có lẽ, NSƯT Phạm Bằng sẽ không bao giờ phải hối hận vì những năm tháng ông sống trên cuộc đời này với tình yêu thương của gia đình, của bạn bè, đồng nghiệp.
"Người lái đò" chuyên chở những tiếng cười
Nhớ về Phạm Bằng, người ta chợt nghĩ ngay tới hình ảnh người đàn ông hói đầu với khuôn mặt lúc nào cũng sở hữu nụ cười trên môi. Là người Hà Nội gốc, ở NSƯT Phạm Bằng lúc nào cũng toát lên cốt cách thanh lịch, nhã nhặn của người Tràng An.
Phạm Bằng đến với nghiệp diễn ban đầu vì để mưu sinh, để đỡ đần gia đình trong cảnh khốn khó. Nhưng ít ai biết rằng khi biết Phạm Bằng theo nghề kịch, mẹ ông đã cật lực phản đối vì mong con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố.
Có lẽ vì thế nên bà chưa từng một lần xem NSƯT Phạm Bằng diễn.
Và rồi nghiệp diễn không chỉ đơn giản chỉ là công cụ mưu sinh, chẳng hiểu bằng cách nào nó đã ngấm vào máu người nghệ sĩ ấy.
Rồi Phạm Bằng bắt đầu thử sức với thể loại hài. Và cũng từ đó, người ta không thể nào quên hình ảnh người nghệ sĩ với khuôn mặt tưng tửng, mái đầu hói. Với cách diễn tự nhiên, Phạm Bằng tạo nên tiếng cười sâu cay và khó quên với người xem.
Có lẽ vì thế, các khán giả của Gặp nhau cuối tuần không thể nào quên hình ảnh người nghệ sĩ già đáng kính ấy và hóm hỉnh ấy.
Anh em trong giới nghệ sĩ còn hay đùa nhau rằng: "Bác Bằng ‘hói’ xuất hiện ở đâu, tiếng cười lại có ở đó".
Không chỉ hoàn thành tốt sứ mệnh diễn viên của mình, NSƯT Phạm Bằng cũng thường xuyên đau đáu về câu chuyện về nghề diễn hài.
Lúc sinh thời, ông thường chia sẻ những quan điểm về nghề và hi vọng lớp diễn viên trẻ không đánh mất mình trong những xô bồ của cuộc đời.
Với NSƯT Phạm Bằng: "Hài rất gần với Hề. Hài có giá trị châm biếm. Hề- chỉ là sự bôi bác. Nếu không cẩn thận sẽ rẻ tiền". Chính vì thế, ông cật lực phản đối những kịch bản hài kém chất lượng.
Ông từng khẳng định: "Khi đạo diễn, diễn viên làm tốt, vở hài ấy có thể gây tiếng vang, có hiệu quả và mức độ ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Nhưng khi vở hài làm không tới, tác dụng ngược của nó cũng vô cùng tai hại.
Những khán giả có trình độ, họ sẽ đánh giá ngay người diễn viên làm hài, họ sẽ cho rằng, người diễn viên đang làm hề, rỗng tuếch, thậm chí là rẻ tiền… Chính vì vậy, tôi rất sợ và ngại đóng những kịch bản kém chất lượng".
Gần cả cuộc đời làm "người lái đò" chuyên chở những tiếng cười nhưng người nghệ sĩ già ấy chẳng đòi hỏi một điều gì. Bởi với ông "tiếng cười của khán giả luôn là phần thưởng lớn nhất".
NSƯT Phạm Bằng đã không còn cô đơn
Lúc sinh thời, có lần NSƯT Phạm Bằng chia sẻ: "Tôi thường trở về nhà với nỗi cô đơn". Ấy là nỗi cô đơn sau khi người vợ kém ông 8 tuổi ra đi vào năm 2003. Ông từng ngậm ngùi chia sẻ: "Từ khi vợ tôi ra đi, tôi như người đã mất đi tất cả. Tôi chẳng còn lại gì."
Cũng từ đó, người nghệ sĩ già thu nỗi buồn vào trong tim, ngày ngày lặng lẽ nhọc nhằn bước qua những tháng ngày xa người vợ thảo hiền.
Với Phạm Bằng, tất cả thành công mà ông có chủ yếu là do có vợ mà nên.
Sống trong cảnh đơn chiếc, nỗi nhớ về người vợ quá cố vẫn khôn nguôi, ông từng tâm sự: "Cái may mắn lớn nhất trong cuộc đời tôi là tôi đã có được một người vợ tuyệt vời, hết lòng yêu thương chồng con, thậm chí hi sinh bản thân mình. Từ ngày cô ấy mất, tôi lấy niềm vui ở việc đọc sách, đi diễn,… Nhiều lúc cũng thấy lẻ loi lắm, nhưng biết làm sao được".
Và ông luôn lấy nghiệp diễn để khỏa lấp nỗi trống trải trong lòng.
15 năm sau ngày vợ mất, Phạm Bằng vẫn lặng lẽ ở lại ngôi nhà nhỏ nằm ở tầng hai phố Hàng Giầy, Hà Nội. Với ông, từng góc nhà nhỏ, từng thềm cửa vẫn còn vương kỷ niệm về người vợ hiền dịu.
Có lẽ vì thế, Phạm Bằng tự nhận mình là người hoài cổ: "Với tôi, những gì thuộc về ngày xưa đều đẹp đến khắc khoải. Nếu được chọn tôi muốn được sống như ngày xưa, phố phường đẹp, con người đẹp, làm gì cũng hết mình.
Và ngày xưa của tôi còn là một gia đình với đầy đủ thành viên".
Vậy là những ngày cô đơn của người nghệ sĩ già ấy đã không còn. Ông đã được về bên người vợ hiền và để lại nhân gian những tiếng cười.