Vừa qua, tại chương trình Chuyện đời chuyện nghề, NSƯT Ngọc Huyền đã chia sẻ về chặng đường sự nghiệp của mình.
Vượt qua 5000 thí sinh để lọt top 6
Tôi bắt đầu đi hát từ năm 1984, tính tới năm nay là tròn 39 năm. Trong chặng đường làm nghề, điều khiến tôi nhớ nhất là dịp kỷ niệm 18 năm ca hát, với liveshow cải lương đầu tiên, tổ chức tại sân khấu Hòa Bình.
Sau 21 năm nhìn lại, đó vẫn là liveshow tôi bứt phá nhất. Tôi diễn liên tiếp 3 đêm, với 4 suất diễn, chưa có liveshow nào của tôi sau này phá nổi. Giáo sư Trần Văn Khê sau đó đã khen ngợi đây là liveshow tuyệt vời, bứt phá, đưa hơi thở mới của cải lương đến gần khán giả trẻ. Cải lương vẫn giữ được cốt lõi cổ truyền nhưng làm mới hơn, nhẹ nhàng, gần gũi hơn.
Ngọc Huyền tại chương trình
Tôi đến với nghề bằng đam mê, từ năm 3 tuổi đã biết hát, cứ nghe cải lương là hát rồi múa theo. Tới khi học tiểu học, tôi cũng làm trưởng ban văn nghệ múa, rủ bạn bè múa diễn theo mình.
Tuy nhiên, bước đầu tiên đến với nghề của tôi rất khó khăn. Khi đó, cải lương đang thịnh hành nên để vào được nhà hát Trần Hữu Trang rất khó khăn. Các thầy cô nói rằng, có đến 5000 hồ sơ nộp vào nhưng chỉ chọn 40 người làm học sinh chính thức và tôi may mắn được đứng vào top 6 trong 40 người đó.
Học sinh chính thức khi ấy sẽ được lĩnh lương, được ăn, ở tại trường của nhà hát Trần Hữu Trang. Quy trình đào tạo một diễn viên cải lương tại nhà hát Trần Hữu Trang lúc bấy giờ rất quy mô. Chúng tôi được học cô Phùng Há, bác Ba Vân… Có đến hơn 20 giảng viên, đều là những người nổi tiếng và giỏi trong nghề.
Phải đóng tỳ nữ, đào ba, đào tư
Sau khi ra trường, cô Bạch Mai, em kết nghĩa của mẹ tôi đưa tôi về đoàn Huỳnh Long, nhưng không được hát đào chính. Đôi khi tôi cực lắm, phải làm tỳ nữ bưng mâm, ra đúng một cảnh rồi đi vô, không nói được tiếng nào. Mấy ngày sau, tôi mới được nói một tiếng dạ thưa với đào chính, kép chính, như vậy là mừng lắm rồi. Tới một thời gian sau, tôi mới được cho múa, rồi đóng vai phụ.
Đến một ngày, sư phụ Bạch Mai giao cho tôi vai Tấm trong vở Tấm Cám. Đây là vai chính đầu tiên tôi đảm nhiệm, cũng đúng sinh nhật tôi. Nhưng sau vai đào chính đó, tôi lại phải quay về đóng đào ba, đào tư. Tôi đóng đủ các loại vai, vai nào cũng đóng.
Ngọc Huyền ngày xưa
Lúc đó, tôi chỉ đóng vai nữ hầu đứng cạnh vua thôi, nhưng lại được khán giả, báo chí để ý. Tôi chiếm được tình cảm của mọi người, từ báo chí tới đạo diễn, các cây gạo cội trong nghề… Cậu Thanh Tòng, bác Diệp Lang rồi một loạt báo đều khen tôi.
Sau đó, tôi rời đoàn Huỳnh Long về đoàn Thanh Nga rồi mới được hát đào chính lại. Tiếp đến, tôi đi các đoàn cải lương nhỏ ở tỉnh. Đến khi trở về đoàn Huỳnh Long năm 18 tuổi, tôi chính thức làm đào chính, không phải đóng đào phụ nữa.
Trong thời gian phải đóng đào phụ, tôi không buồn vì quan niệm học trên trường là một chuyện, diễn trên sân khấu là chuyện khác. Ngay từ lúc học ở trường, tôi đã quan sát và ghi nhận mọi thứ. Đến giờ, có những vở cải lương tôi có thể tự làm đạo diễn dù chưa hề học lớp đạo diễn nào. Quá trình làm nghề giúp tôi am hiểu được mọi bối cảnh, sân khấu, thiết kế. Tôi cứ đứng sau cánh gà để học hỏi mọi người rồi tự tích lũy cho mình.
Không phải bỗng dưng mà được làm đào chính. Tôi phải tôi luyện từ cái thấp nhất đến cái cao nhất, có như vậy mới vững vàng trong sự nghiệp, đứng vững trên đỉnh cao.