NSƯT Hạnh Thúy: "Nếu hạn chế ô nhiễm môi trường, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời để sống"

Cao Thanh Hương |

"Tôi may mắn được nói chuyện với rất nhiều anh chị em bạn bè đi nhiều, hiểu biết hoặc sống ở nước ngoài lâu năm, họ đều bảo, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời để sống, trừ việc ô nhiễm môi trường", NSƯT Hạnh Thúy nói.

NSƯT Hạnh Thúy rất tâm đắc với câu nói "hành vi nhỏ, kết quả lớn". Và đó cũng là phương châm tiêu dùng xanh của chị, nhằm hạn chế những tác hại xấu tới môi trường xung quanh.

Mỗi người đều có thể tự hạn chế dùng bao nilon và rác thải nhựa

Hồi 5-6 tuổi, Hạnh Thúy thường được bà nội giao cho nhiệm vụ "giặt bao nilon", phơi khô rồi cất để dành. Cái nhiệm vụ từ thời thơ bé ấy tưởng vô thưởng vô phạt nhưng lại ăn sâu vào tiềm thức Hạnh Thúy khiến chị hình thành thói quen "để dành bao nilon" trong nhà lúc nào không hay.

Cho tới một ngày, khi Hạnh Thúy được mời tham gia CLB Đại sứ hàng Việt và tham gia chương trình kêu gọi mọi người dùng hàng Việt Nam, tham gia phong trào kêu gọi mọi người sống xanh, tiết kiệm bao nilon, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

Khi tham gia những phong trào này, chị bắt đầu có ý thức về việc bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, thói quen sinh hoạt của mình.

NSƯT Hạnh Thúy:

NSƯT Hạnh Thúy.

"Tôi đã tham gia những chuyến đi tới vùng sâu vùng xa, những nơi thậm chí không nhà không cửa, không người sinh sống… nhưng vẫn thấy rác thải, nilon, chai nhựa rất nhiều ở trên mặt đất, nổi lềnh bềnh trên mặt nước khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tôi nhận ra mình đã dùng quá nhiều bao nilon và quyết định thay đổi. Tôi bắt đầu từ những việc nhỏ và từ chính bản thân mình. Trước hết là hãy hạn chế dùng bao nilon, hạn chế dùng chai nước suối.

Từ 7-8 năm nay, đi đâu tôi cũng mang theo ly đựng nước để không phải dùng ly nhựa hoặc chai nhựa. Mua trà sữa, nước cam, hay bất cứ loại nước gì, tôi cũng đựng vào ly của mình. Uống xong thì rửa sạch và tái sử dụng cho lần sau.

Pha trà cũng được, nước lọc cũng được mà không cần ống hút hay bao nilon đựng. Chỉ cần 1 ngày, mình uống 4 chai nước suối thì đã thải ra 4 chai rác thải nhựa, điều đó cần thay đổi.

Dĩ nhiên, để không dùng đồ nhựa một cách triệt để là rất khó nhưng mỗi người hoàn toàn có thể tự hạn chế", NSƯT Hạnh Thúy nói.

NSƯT Hạnh Thúy:

"Mình cứ làm từ những điều nhỏ nhất"

NSƯT Hạnh Thúy có phương pháp hạn chế dùng bao nilon vô cùng thú vị và hiệu quả mỗi khi đi chợ. Chị kể: "Tôi đi chợ rất gọn và sạch sẽ. Tôi luôn đem theo giỏ và hộp để đựng thực phẩm thay vì dùng bao nilon. Hộp lớn đựng cá, thịt. Hộp nhỏ đựng các loại gia vị. Khi đi chợ như vậy, mình đã phân loại từng đồ ăn thức uống rồi.

Nhiều bà nội trợ thấy tôi làm vậy và cũng làm theo. Thậm chí chính những người bán hàng cũng ảnh hưởng và họ hạn chế dùng bao nilon lại, tất nhiên là ở mức độ nào đó thôi".

Nữ nghệ sĩ cho biết, để kiếm bao nilon trong nhà chị ở thời điểm này khá… vất vả. Bởi chính những người trong gia đình cũng đã dần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng, thói quen sinh hoạt.

Lối sống của Hạnh Thúy ảnh hưởng rõ nhất tới con cái. Các con của chị rất ý thức chuyện không dùng bao nilon, và dĩ nhiên, điều này bắt nguồn từ việc "mẹ không cho dùng".

Khi đi chợ, con gái chị cũng thường mang theo rổ hoặc giỏ y chang mẹ. Để thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen của những người thân cận không hề là điều dễ dàng.

Thậm chí, đã có những cuộc cãi cọ bởi vì chị còn "bắt" cả nhà phải phân loại rác thải. Rác có thể tái chế dùng một thùng riêng. Rác không thể tái chế dùng một thùng riêng.

NSƯT Hạnh Thúy:
NSƯT Hạnh Thúy:

Giỏ đi chợ của NSƯT Hạnh Thúy để hạn chế dùng bao nilon. 

"Ở nhà tôi bây giờ, gần như không có rác hữu cơ vì tất cả rác hữu cơ đều được bón cho cây cối trong vườn. Thời gian đầu, mọi người chưa quen, cứ tư duy thùng rác nào chẳng bỏ rác nên cãi lộn hoài.

Nhưng cứ từ từ, mỗi người ráng một chút sẽ tốt hơn là ai cũng mặc kệ và không cố gắng. Sau những cuộc tranh luận thì mọi người cũng thay đổi dần dần. Bản thân tôi nghĩ, mình cứ làm từ những điều nhỏ nhất, làm gì được thì làm".

Một trong những điều khiến NSƯT Hạnh Thúy tự hào là, luôn cho những thứ xung quanh một một "đời sống thứ hai". Chẳng hạn, rau mua về, phần cuống chị luôn đem trồng lại, vừa tiết kiệm vừa nhận lại niềm vui về thành quả lao động.

Việc hạn chế rác thải nhựa, bao nilon cũng giúp nhà của nữ nghệ sĩ sạch hơn, gọn hơn và góp phần không thải ra môi trường những thứ độc hại. "Xét về mặt cảm xúc hay hình vi thì hiệu quả hay lợi ích mang lại đều rất rõ ràng", Hạnh Thúy khẳng định.

NSƯT Hạnh Thúy:

"Hành vi nhỏ, kết quả lớn"

NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ thêm: "Nhiều người cứ nghĩ, mình vứt một bao nilon, một chai nhựa hay một vỏ bịch snack chắc không sao nhưng ai cũng nghĩ như vậy thì môi trường bị phá hoại nghiêm trọng.

Không tin thì bạn có thể quan sát và thấy, cứ khu du lịch, dã ngoại, cắm trại nào, nơi nào con người đặt chân đến là nơi đó có rác, trừ những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt hoặc có người nhặt rác.

Câu kêu gọi "hãy mang đi những tấm ảnh và để lại những dấu chân" là câu rất thiết thực. Dĩ nhiên, khó có thể triệt để. Ngay như bản thân tôi, lên núi cắm trại, muốn uống sữa thì chẳng lẽ uống xong lại xếp hộp đem về? Đó là điều quá lý tưởng.

Vậy thì, thay đổi thói quen tiêu dùng từ mỗi người là một chuyện nhưng cũng cần thay đổi cả thói quen sản xuất để đáp ứng việc bảo vệ môi trường sống xanh, sạch. Để làm được thì chính quyền, các đơn vị quản lý cũng cần có kế hoạch cụ thể.

NSƯT Hạnh Thúy:

Lúc còn nhỏ, tôi từng được rủ đi tắm, hay đi câu cá ở sông Thị Nghè, sông cầu chữ Y vì nước sạch, trong, có cá nhưng bây giờ, mấy ai dám xuống đó tắm?

Ngay cả sông Sài Gòn lớn như vậy mà những khi nnước ròng đen và bốc mùi vì ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và công nghiệp đổ vào.

Người dân không thể không sử dụng nước nhưng xử lý nước thải thế nào để không phải xả thẳng vào sông ngòi thì đó không còn là việc của người dân nữa mà của chính quyền, vì phải có quy hoạch tổng thể với những chính sách cụ thể.

Cho nên ở đây phải có sự đồng bộ lớn. Tôi may mắn được nói chuyện với rất nhiều anh chị em bạn bè đi nhiều, hiểu biết hoặc sống ở nước ngoài lâu năm, họ đều bảo, Việt Nam là một đất nước tuyệt vời để sống, trừ việc ô nhiễm môi trường.

Việc khắc phụ ô nhiễm môi trường có thể thực hiện bất cứ lúc nào, dù hiện nay đã có thể coi là trễ nhưng nếu không hành động ngay thì có thể đến lúc nào đó, môi trường đã ô nhiễm đến mức nghiêm trọng và việc khắc phục là không thể thì thật sự đáng ân hận".

NSƯT Hạnh Thúy:

Những năm gần đây, phong trào kêu gọi bảo vệ môi trường bằng cách nói không với bao nilon, rác thải nhựa diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên vì là phong trào nên chỉ có tác dụng ở một thời điểm nhất định.

Nói về vấn đề này, NSƯT Hạnh Thúy cho rằng, giáo dục từ gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng. "Bao giờ cũng thế, chuyện đúng khó làm hơn chuyện không đúng. Xả rác dễ hơn là bỏ rác vào thùng rác. Để thay đổi hành vi, thói quen thì chỉ có giáo dục.

Giáo dục từ nhà trường và chính gia đình để bảo vệ môi trường trở thành một thói quen, tập tính là cần thiết. Giáo dục lâu dài và thường xuyên, chứ không phải lâu lâu phát động chương trình ngoại khóa hay phong trào.

Trẻ con rất dễ dạy, rất dễ hình thành thói quen. Và ngay chính mỗi bậc phụ huynh cũng là đầu tàu để dẫn dắt các con", nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Hạnh Thúy tên đầy đủ là Ngô Phạm Hạnh Thúy, sinh năm 1976 tại Bến Tre. Chị được biết đến là một diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn, người dẫn chương trình, giảng viên thỉnh giảng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM.

Trong sự nghiệp của mình, Hạnh Thúy để lại ấn tượng khó quên với khán giả qua hàng loạt các dự án phim ảnh ở vai trò diễn viên như: Sống trong sợ hãi, Tro tàn rực rỡ, Nước mắt loài cỏ dại, Cây táo nở hoa, Vợ quan, Sông dài, Vịt kêu đồng, Mẹ con Đậu đũa, Mùi ngò gai…

Hạnh Thúy từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín về nghề nghiệp và được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 2005, Huân chương lao động vì sự nghiệp Văn hóa Thể thao – Du lịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại