Đạo diễn tài danh
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi qua đời là nỗi mất mát lớn đối với điện ảnh Việt Nam. Lễ tang NSND Nguyễn Khắc Lợi diễn ra sáng 7/8 tại Nhà tang lễ bệnh viện 354 (Ba Đình, Hà Nội).
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà nhận định những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi mà đặc biệt là phim Tướng về hưu đóng góp vào gia tài điện ảnh Việt.
NSƯT Đặng Thái Huyền - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân - xúc động: "NSND Nguyễn Khắc Lợi cả đời cống hiến cho điện ảnh nước nhà. Ông là đạo diễn tài danh, một nhân cách lớn".
Những tháng cuối đời dù ốm mệt nhưng lúc nào ông cũng đau đáu muốn được làm phim. Ông là người truyền lửa cho nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh, truyền hình.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ với Tiền Phong rằng khi nhận tin NSND Nguyễn Khắc Lợi qua đời, anh cùng gia đình ở miền Trung nhưng lập tức thay đổi lịch trình để ra Hà Nội tiễn đưa người thầy đáng kính.
"Có rất nhiều kỷ niệm giữa hai thầy trò từ lúc tôi còn đi học tới khi bắt tay vào làm nghề. Tôi và NSND Nguyễn Khắc Lợi thuộc hai thế hệ đạo diễn cách nhau 40 năm nhưng lại làm cùng cơ quan là Hãng phim truyện Việt Nam . Khi tôi về hãng làm việc, thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn gắn bó với điện ảnh. Hai thầy trò đều có phim cùng đề tài chiếu trong một liên hoan phim. Đó là phim Đường thư và Tiếng cồng định mệnh ", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng kể.
Anh nhớ lại hai thầy trò vô tư chê phim của nhau một cách hài hước. Sau này, khi đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong , học trò của ông cũng làm phim Thầu Chín ở Xiêm.
"Tôi ham học hỏi và tập trung cao nên thường chẳng bao giờ ghi chép ngay trong buổi học mà chỉ nghe, cố gắng hiểu sâu sắc nhất có thể. Sau đó về tôi ghi lại vào một cuốn sổ những gì cần ghi nhớ. Làm điện ảnh cần ứng dụng và thực hành. Thầy thường dàn cảnh động, nhiều lớp, dù đó chỉ là tiểu cảnh để tạo ra sự sinh động và chân thật trong mỗi cảnh quay. Tuy nhiên thầy không cố áp đặt tôi làm theo cách của thầy", đạo diễn Bùi Tuấn Dũng kể.
Năm 2017, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được chụp tấm ảnh kỷ niệm cuối cùng với NSND Nguyễn Khắc Lợi, nhân chuyến công tác thỉnh giảng tại ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Nhiều diễn viên làm việc cùng đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đều quý trọng ông bởi đức tính giản dị, tôn trọng đồng nghiệp.
'Trong hoàn cảnh nào cũng làm nghề với cái tâm sáng'
Đạo diễn, NSND Nguyễn Khắc Lợi sinh năm 1932 tại huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), trong một gia đình thuần nông có truyền thống cách mạng.
Năm 17 tuổi khi đang học trường cấp 3 Hùng Vương, ông được tuyển chọn vào lớp đào tạo tạo nguồn cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền văn hóa trong kháng chiến. Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và nhiều bạn học được thử nghiệm công việc chiếu bóng.
Năm 1953 ông tham gia hoạt động điện ảnh ở chiến khu Việt Bắc, đứng vào hàng ngũ cán bộ nòng cốt. Năm 1957 đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi cùng một số nhà làm phim của điện ảnh Việt Nam được cử sang Liên Xô cũ, học tại Đại học Điện ảnh quốc gia Mátxcơva. Năm 1963 đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi về nước, bắt tay thực hiện những bộ phim gây tiếng vang.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - nhấn mạnh các bộ phim mang âm hưởng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đem tới cho khán giả cảm hứng sâu lắng và niềm lạc quan cách mạng bay bổng.
"Một số phim như Hai bà mẹ, Lá cờ chuẩn, Cơn lốc biển, Bức tường không xây, Tướng về hưu, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Tiếng cồng định mệnh, Mùa xuân toàn thắng... nhận được giải thưởng của nhiều liên hoan phim và có chỗ đứng trong lòng các thế hệ khán giả ngày ấy, bây giờ", đạo diễn Đỗ Thanh Hải bày tỏ.
Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi là người thầy đáng kính của nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Học trò đều ghi nhớ lời dặn dò của ông: "Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải làm nghề với cái tâm sáng và đóng góp hết sức cho nền điện ảnh Việt Nam phát triển".
NSND Nguyễn Khắc Lợi có cuộc sống giản dị, hạnh phúc bên gia đình. Ông có hai người con đều làm việc lâu năm trong ngành điện ảnh.