NSƯT Chí Trung: "Vợ giận từ khi tôi lên chức Giám đốc"

Ngọc Tường |

Nhận chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã hơn 1 tháng, nhưng NSƯT Chí Trung khẳng định anh 'trở thành giám đốc như một sự đương nhiên' và 'không thấy xa lạ gì'.

NSƯT Chí Trung: 'Thời đại nào cũng sợ sự giả dối' NSƯT Chí Trung: Đạo diễn không thể túm tóc mình nâng lên… NSƯT Chí Trung: 'Đã ra khỏi nhà là phải chắc thắng!'

Bởi, như lời Chí Trung trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), giám đốc chỉ là "giám sát và đốc thúc", chứ không có gì... oai cả.

* Trước hết, cũng như nhiều khán giả, tôi vẫn muốn gọi anh bằng cái tên "Táo giao thông"...

- Chắc các bạn xem Táo quân hàng năm nên thấy tôi có một số thành công nhất định ở những vai "Táo giao thông", hoặc năm vừa rồi là "Táo công chức". Thành công này do mọi người quá bức xúc với tình hình giao thông, với cơ chế hiện hành, do đó chúng ta nghĩ vai diễn này thành công thôi...

* Nhưng, vai diễn đó hẳn cũng có tác động ít nhiều tới hành trang nghệ thuật của anh chứ?

- Tôi không dám chắc nhiều về nghệ thuật. Nhưng trên hành trình đi dọc đất nước, thì có lẽ tôi là người duy nhất dám đứng lại nói chuyện với cảnh sát giao thông. 

Tôi chủ động đứng lại chào các bạn ấy và hỏi:“Làm gì thế em?”/“Em đang làm nhiệm vụ”/“Thế anh có lỗi gì không?/Không, anh không có lỗi gì cả”. Thỉnh thoảng tôi cứ xuống xe hỏi các bạn cảnh sát giao thông như thế…

* Nhân nói về nghệ thuật, tôi muốn hỏi anh đã đến với nghề diễn như thế nào?Bởi tôi được biết anh từng có 4 năm học violin?

- Hồi bé nhà tôi, bố tôi thích các con học đàn. Chị tôi, 2 em tôi đều học piano, và bố tôi cho tôi học violin. Nhưng nói ra thì đây là một trong những sai lầm lớn nhất của ông. Có lần, ông vào phòng thấy tay tôi đang đàn rất say sưa, nhưng đầu tôi lại gục đầu vào tường ngủ.

Tôi tốt nghiệp lớp 10 năm 1978, do học không giỏi nên không đỗ đại học. Tôi chọn con đường nghệ thuật đúng lúc Nhà hát Tuổi trẻ thi tuyển sinh và lọt vào mắt xanh của hội đồng. Con đường nghệ thuật bắt đầu từ sự ngẫu nhiên như thế, chứ tôi không chủ động, dù gia đình tôi là gia đình nghệ thuật.

Nghề đã chọn tôi và đến bây giờ tôi có thể tự hào nói rằng đây là may mắn của mình. Cũng như may mắn gặp được Ngọc Huyền, bạn cùng đoàn và là bạn đời bây giờ.  

* Mới đây anh mới chính thức đảm nhận cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Khi nhận quyết định, ý nghĩ đầu tiên của anh là gì?

- Trong những thời kỳ vất vả của đất nước những năm 80, tôi là con buôn ra đường kiếm sống nuôi vợ và con gái mới sinh. Vợ tôi không có sữa, nên con phải nuôi bộ, gia đình rất vất vả. Tôi phải ra đường đến chợ giời, buôn xe, buôn đài, buôn đồ điện tử, đồ cổ. Trong tôi hun đúc nhiều suy nghĩ về thị trường.

Bởi thế, tôi thấy nền nghệ thuật của chúng ta có đóng góp nhất định cho đất nước, nhưng nếu chúng ta không chuyển mình thay đổi theo cơ chế và không hiểu được khán giả cần gì, không coi văn hóa như một sản phẩm cần để bán, thì sẽ muôn đời đứng cạnh đường nhìn dòng chảy xã hội trôi qua. Để rồi thỉnh thoảng gào lên: “Tôi đang biểu diễn đây…”

Tôi cảm giác được những điều này, do vậy, 39 năm ở Nhà hát Tuổi trẻ, trưởng thành và thành công, tôi nghĩ việc tôi trở thành Giám đốc như một sự đương nhiên. 

Có thể nhiều người không thích cách nói này nhưng tôi thấy nó bình thường vì tất cả những khát vọng, mong mỏi của 6 đời giám đốc trước của nhà hát tôi đều chung một khát vọng nền nghệ thuật dành cho thanh niên và thiếu nhi.

* Có bao giờ anh cảm thấy nuối tiếc vì hai con mình không theo con đường nghệ thuật  như bố mẹ không?

- Nếu kiếp sau nghề có chọn tôi lần nữa thì tôi cũng làm đơn xin phép chỉ đi chơi 1 lần thế thôi. Thời mà nghệ thuật chưa được chăm bẵm, tôi may mắn đã vượt qua, nhưng không dám chơi lại một lần nữa. Tôi vô cùng cảm ơn các con đã biết nhìn nghề và đã không theo nghề của bố mẹ.

Kể vui một chút, Ngọc Huyền vợ tôi là nghệ sĩ và luôn chia sẻ công việc với chồng. Nhưng từ khi tôi lên chức giám đốc đến giờ, vợ tôi đang giận tôi, vì tôi có lỗi, tôi làm việc suốt từ 6h sáng đến 11h đêm, có những đau đầu nhất định trong công việc, không quan tâm đến gia đình...

* Xin cảm ơn NSƯT Chí Trung về cuộc trò chuyện.

Mỗi lần tôi có vở diễn, các con tôi đi xem mà còn ở lại đợi bố thì tôi biết mình thành công. Nhưng khi vở diễn còn chưa kết thúc mà chúng cắm đầu đi về thẳng, thì tôi chắc chắn rằng mình đã thất bại, dù các con không nói thành lời...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại