NSƯT Chí Trung: “Đừng nghĩ diễn viên hài là không làm được giám đốc”

Minh Nhật |

NSƯT Chí Trung chia sẻ, người ta cứ nghĩ nghệ sĩ hài là không nghiêm túc. "Nhưng tôi thì khác với mọi người...", anh nói.

“Chìa khóa” mở trái tim khán giả là ca chứ không phải kịch

Hẹn gặp NSƯT Chí Trung, anh “phủ đầu” ngay lập tức: “Anh không trả lời bất cứ cái gì về Nhà hát Kịch Việt Nam hay Anh Tú, Xuân Bắc đâu nhé. Nếu nói thì điều đó sẽ là “bom nguyên tử”, nhưng anh sẽ không bao giờ nói”. 

Thay vào đó, anh bảo sẽ trả lời bất cứ điều gì liên quan đến nghệ thuật, những công việc anh đang làm để Nhà hát Tuổi trẻ tồn tại và để “còn phát triển thì chúng tôi chưa dám nghĩ tới vào thời điểm này”.

Đồng hành 100 năm âm nhạc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đông Đô show tổ chức đêm nhạc Lam Phương. Sau đêm diễn ngày 25/8 khá thành công, Giám đốc Phạm Chí Trung đã quyết định làm đêm thứ hai tại Nhà hát Tuổi trẻ. “Lẽ ra, đêm nhạc thứ hai này chúng tôi sẽ làm về nhạc Nguyễn Văn Tý. 

Chúng tôi đã vào gặp bác rồi nhưng vì chưa thống nhất được với gia đình, lại vướng những lùm xùm trong gia đình nên chúng tôi tạm gác lại”, “Táo Giao thông” nói lý do chọn tiếp nhạc Lam Phương.

Trái với các chương trình âm nhạc hiện nay, chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ không có nhiều ngôi sao hạng A. Chẳng hạn đêm nhạc Lam Phương 2 này, nghệ sĩ nổi tiếng chỉ có Thanh Thanh Hiền, còn lại đều là “người nhà”. 

Anh bảo, phần vì kinh phí tổ chức không cho phép mời nhiều ngôi sao nổi tiếng, phần vì chủ trương của Nhà hát là để các nghệ sĩ ở đây cọ xát, phát triển bằng nội lực của mình, vì Nhà hát Tuổi trẻ vốn có cả ca và kịch. Những năm 80, Nhà hát từng “làm mưa làm gió” với các đêm diễn ca nhạc. Đến những năm 90 thì đuối dần.

“Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, tôi hiểu điều để “mở khóa trái tim” khán giả là ca chứ không phải kịch. Ngày xưa lấy kịch cõng ca nhạc, bây giờ thì ngược lại. Chúng tôi có ban nhạc riêng, chơi live hoàn toàn chứ không nhép. 

Sân khấu hiện cũng được đầu tư với màn hình led, sàn mika để đáp ứng được chất lượng dàn dựng. Không có nhà hát nào lợi thế như chúng tôi khi có trong tay nội lực là con người, có rạp để không phải đi thuê nên giá vé bán ra gần như là về giá trị thực. 

Còn các chương trình bán vé hiện nay vì trả catse cho nghệ sĩ lên đến cả trăm triệu, phải thuê nhà hát... đã làm cho giá vé bị đẩy lên 3-4 triệu đồng thì rất ít khán giả đi xem được. 

Nhà hát sẽ “nhóm lò” từ những ngọn lửa nhỏ chứ không “đốt đuốc”, cháy xong vẫn là đêm đen mà lại tốn tiền. Vé của Nhà hát ở mức 300.000 – 500.000 – 700.000 đồng để ai cũng có thể thưởng thức chương trình”.

Điểm yếu của Nhà hát Tuổi trẻ hiện nay là không gian tổ chức khá chật chội. Tâm lý của khán giả cũng thường đến thưởng thức âm nhạc ở những địa chỉ thói quen. Nay một nhà hát vốn thiên về kịch được phát triển song song cả mảng ca cũng cần một thời gian để thay đổi thói quen của khán giả. 

Đã nhiều năm, Nhà hát tính đến chuyện xây mới một địa điểm khác nhưng qua nhiều đời lãnh đạo vẫn chưa thể thực hiện. 

Quỹ đất được Bộ VH-TT&DL cấp lên đến 7.000m2 ở phía Tây Thủ đô, với tầm nhìn mở rộng quy mô Nhà hát và phục vụ khán giả khi khu vực này chưa có một nhà hát nào nhưng NSƯT Chí Trung khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ của anh thì dự án này cũng chưa thể hiện thực hóa.

Nghệ sĩ hài là không làm được giám đốc?

Khi được hỏi, tập trung cho âm nhạc như vậy là để làm kinh tế nhiều hơn là hướng đến chất lượng nghệ thuật, NSƯT Chí Trung cho rằng: “Phải xem thì mới hiểu. Rất nhiều người cứ nghĩ nghệ sĩ hài là không nghiêm túc. 

Chẳng hạn như chuyện của NSƯT Xuân Bắc – NSND Anh Tú, hay việc xét duyệt danh hiệu NSND, bao giờ người ta cũng nghĩ nghệ sĩ hài là không nghiêm túc… Xét danh hiệu NSND thì: "Thằng đó diễn hài", "Xuân Bắc là diễn viên hài làm giám đốc sao được"... Nhưng tôi khác mọi người là tôi rất khắc nghiệt trong nghệ thuật. Tôi không bao giờ “chạy” theo tiền và tiếng cười dễ dãi. 

Với thị trường hiện nay, để Nhà hát trụ được và không bị mang tiếng nghệ sĩ hài, chúng tôi vẫn phải diễn ở sân khấu đàng hoàng. Trước khi thành tác phẩm thì phải là sản phẩm đã, nếu không sẽ lỗ thảm hại”.

Cùng với sự sắp xếp lại đường hướng phát triển của nhà hát, trong tương lai, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ hợp hai đoàn kịch thành một đoàn để tập hợp được sức mạnh con người và đầu tư hơn cho vở diễn.

Khi chọn vở dựng cũng sẽ xác định rõ phân khúc thị trường, đối tượng dành cho thanh niên hay khán giả lớn tuổi. “Bán món ăn mà không biết dành cho ai, chỉ làm để thỏa mãn sở thích của mình thì không ổn. Ngay khi xây dựng kịch bản là phải nghĩ đến khán giả thuộc phân khúc nào rồi. 

Vừa rồi, Nhà hát tính dựng vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của Lưu Quang Vũ. Lần đầu tiên chúng tôi cho đấu thầu đạo diễn, ở phạm vi nội bộ thôi. Trước đây thì theo cơ chế phân công, như vậy cũng tốt nhưng không phát huy được tính cạnh tranh. 

Trước đây, tôi đã dựng 3 vở của Lưu Quang Vũ, lần này tôi rút ra và muốn soi ngược lại các bạn, để khắt khe với các bạn. Đưa chủ đề ra, ai thích thì đăng ký rồi dựng kịch bản báo cáo để hội đồng bỏ phiếu. Vừa rồi Lê Khanh và Sỹ Tiến đăng ký, cuối cùng chúng tôi chọn Sỹ Tiến”, NSƯT Chí Trung nói.

Dù tập trung hơn cho ca nhạc nhưng NSƯT Chí Trung không lo ngại rằng ca sẽ lấn át kịch. “Theo xu hướng thì các nhà hát sẽ phải xã hội hóa và hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ. Ca hay kịch thì sẽ do thị trường quy định. Chúng tôi đang cần một nhà hát hoạt động phong phú nhiều màu sắc, nhiều đối tượng khác nhau. 

Có khi chương trình sẽ là nửa ca nửa kịch. Nếu bị cho là tạp kỹ cũng không sao. Quan trọng là sản phẩm mình bán ra như thế nào chứ không phải là vì nó được định danh ra sao. Chúng tôi cũng không ấn định mỗi tháng một chương trình để mướt mải chạy theo, có thể 2-3 tháng mới có vì còn xem có sự tài trợ hay không. 

Nếu không đồng hành với doanh nghiệp thì rất khó làm. Vừa rồi, chúng tôi tổ chức thành công một số chương trình, bán được hết vé nhưng vẫn chưa thể có lãi ngay được”, NSƯT Chí Trung tâm sự.

Dù mở ra rất nhiều đường hướng để tìm đường ra cho nhà hát nhưng NSƯT Chí Trung cũng thừa nhận rằng, còn quá sớm để thay đổi đời sống cho anh em nghệ sĩ. Nhưng trước mắt đã tạo nên sự phấn khởi để các nghệ sĩ gắn bó và nỗ lực hơn nữa với nghề. 

Ngay bản thân anh dù mang tiếng là giám đốc nhưng cũng phải xoay xở “chân trong, chân ngoài” để lo cho gia đình. Ngoài việc gánh trên vai trọng trách một nhà hát với bao nhiêu con người, NSƯT Chí Trung vẫn dành thời gian để tham gia các gameshow, đóng phim... Anh bảo: “Phải tranh thủ thôi, đâu thể trông chờ vào lương ở nhà hát”.

Hỏi về lý do Nhà hát Tuổi trẻ chọn Bolero để tổ chức đêm nhạc có phải vì độ “hót” sau phát ngôn của ca sĩ Tùng Dương, NSƯT Chí Trung thẳng thắn: “Là người bán hàng thì phải tính đến tất cả các phương án, kể cả việc tận dụng các scandal đang có. 

Theo cá nhân tôi dự đoán thì chỉ hết năm nay nữa thôi là Bolero sẽ không còn sức hút nữa. Lúc đó chúng tôi sẽ làm dòng nhạc khác, vì phải theo xu hướng thị trường chứ chúng tôi không định hướng được thị trường”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại