Mới đây (31/8), chương trình Kịch và Nghệ đã lên sóng với sự tham gia của NSƯT Thành Lộc và NSND Việt Anh. Tại đây, hai nghệ sĩ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm trong sự nghiệp.
Được biết, nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Việt Anh quen nhau từ thời trẻ, khi cả hai mới đi diễn tại sân khấu kịch 5B, phải chở nhau bằng xe đạp. Thành Lộc nói: "Hồi đó, tôi có mỗi cái xe đạp để đi, vì sợ người ta nhờ mình chở, tã xe nên tôi phải tháo luôn yên sau ra. Lúc ấy, tôi ốm nhắt, chỉ bằng nửa bây giờ.
Thành Lộc
Nhà tôi và anh Việt Anh khi ấy ở gần nhau, lại đang đóng chung vở Lôi Vũ. Anh Việt Anh không có xe đạp nên tôi phải qua đón anh ấy mỗi khi tập hay diễn. Nhưng vì xe không có yên sau nên Việt Anh phải chở tôi, còn tôi ngồi trên sườn xe phía trước.
Hai anh em cứ thế hì hục đạp xe tới sân khấu, mệt lả người nhưng vào vai diễn là đâu ra đấy. Buồn cười nhất là Việt Anh vừa đạp xe hì hục xong đã phải vào vai nhà tư sản giàu có.
Sáng hôm sau, Việt Anh lại phải đi làm bưng bê cho một quán cà phê. Chủ quán cà phê chính là NSƯT Hoa Hạ, thu ngân là NSND Hồng Vân. Có lần tôi đến thấy quán vắng nên uống ủng hộ tận 8 lon bia".
Nghệ sĩ Việt Anh tiếp lời: "Hồi đó chúng tôi tuy vất vả nhưng vui lắm. Có một lần, một cô đi ô tô tới uống cà phê, tôi ra đưa menu. Cô ấy vừa ngẩng mặt lên thấy tôi là giật mình. Người ta không thể ngờ một nghệ sĩ vừa ở sân khấu hôm trước hôm sau đi làm bồi bàn như tôi".
Sau một thời gian gắn bó, nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Việt Anh tách ra diễn riêng. Thành Lộc chia sẻ: "Lúc đó, tôi không diễn cho sân khấu 5B mà về sân khấu kịch Idecaf nên anh em tôi không diễn chung nữa. Lâu lâu chúng tôi có đóng chung phim nhưng sân khấu kịch thì hiếm.
Khoảng thời gian xa cách nhau cũng ngót trên 20 năm. Sau đó, chúng tôi có dịp được diễn lại với nhau vở kịch Dạ cổ hoài lang".
Việt Anh và Thành Lộc trong vở Dạ cổ hoài lang
Về vở kịch kinh điển này, nghệ sĩ Việt Anh xúc động: "Một vở kịch có sức hút đến tận 29 năm qua thì không còn gì để nói ngoài chữ "đẹp". Nó đẹp không phải vì chúng tôi diễn giỏi mà vì tấm lòng công chúng dành cho nó quá lớn.
Bây giờ, tôi nhớ những người đã tạo ra nó, là cố nghệ sĩ Thanh Hoàng tạo dựng kịch bản, rồi các anh lớn trong Hội Sân khấu góp ý kịch bản. Mỗi người bồi đắp một chút thì mới có vở diễn hay cho nghệ sĩ chúng tôi diễn.
Ban đầu, anh Thanh Hoàng viết kịch bản Dạ cổ hoài lang để tham gia Hội diễn Toàn quốc nhưng viết xong không ai dựng được vì khó quá. Sau này chúng tôi mới cùng nhau dựng nó".
Thành Lộc tiếp lời: "Người đầu tiên đưa tôi kịch bản vở này là Công Ninh. Lúc đó, Công Ninh bảo vở này được giải tư Hội diễn Toàn quốc. Tôi nghe xong đồng ý diễn luôn vì thời đó các vở đoạt giải nhất, nhì thường mang tính chính luận cao, không hợp với tôi.
Tôi cần những vở diễn đời và tình hơn, nên nghĩ vở Dạ cổ hoài lang này đoạt giải tư thì chắc sẽ ít chính luận.Nói theo góc nhìn doanh nhân là những vở như vậy thì dễ bán vé hơn. Đến khi đọc kịch bản, tôi thực sự xúc động”.