NSND Tường Vi: Tiếng hát hiếm có và sự sáng tạo kinh điển với Cô gái vót chông

Long Phạm |

(Tổ Quốc) - Phần thể hiện Cô gái vót chông của NSND Tường Vi đã trở thành khuôn mẫu kinh điển cho mọi thế hệ ca sĩ sau này. Kể từ khi bản thu của bà ra đời, mọi ca sĩ sau đó đều phải thực hiện staccato khi hát Cô gái vót chông. Trong đó có cả cố NSND Lê Dung.

Nữ nghệ sĩ nhân dân giỏi chuyên môn, giàu lòng bao dung

NSND Tường Vi tên thật là Trương Tường Vi, sinh năm 1938 trong một gia đình gia giáo, nhưng không có ai theo nghệ thuật. Tuy vậy, từ nhỏ Tường Vi đã bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát.

Năm 16 tuổi, sau cú sốc bà ngoại mất vì bom đạn, cô gái Tường Vi xin nhập ngũ rồi trở thành y tá tại Viện quân y 108 để được chữa trị cho các chiến sĩ. Năm 1956, bà chuyển sang đoàn ca múa Tổng cục chính trị và bắt đầu được học thanh nhạc. Tại đây, bà bộc lộ rõ chất giọng nữ cao vang sáng lanh lảnh như chim hót của mình.

NSND Tường Vi: Tiếng hát hiếm có và sự sáng tạo kinh điển với Cô gái vót chông - Ảnh 1.

NSND Tường Vi thời trẻ

Năm 1962, nữ nghệ sĩ thi đỗ vào Khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1967. Tới năm 1974, bà theo học 4 năm tại nhạc viện Sofia, Bulgaria. Nhờ đó, NSND Tường Vi được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nắm vững các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển phức tạp.

Trong những năm chiến tranh, nữ ca sĩ theo đoàn văn công đi biểu diễn nhiều nơi trên các chiến trường, dùng tiếng hát át tiếng bom. Bà cũng thu âm nhiều và nổi tiếng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam với nhiều ca khúc bất hủ như Tiếng đàn Ta Lư, Cô gái vót chông, Em là hoa Pơ Lang, Người con gái sông La, Cánh chim báo tin vui, Người lái đò trên sông Pô Cô, Bóng cây Kơ-nia, Suối Lenin… Tiếng hát của nữ nghệ sĩ đa dạng, thể hiện được nhiều dòng nhạc, từ bán cổ điển, cách mạng tới dân ca.

Với tiếng hát trời phú và điêu luyện, bà còn được chọn đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới như như Liên Xô, Ba Lan, Chile, Cuba... Bà cũng là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biển diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ca hát, NSND Tường Vi cũng một nhạc sĩ. Bà sáng tác nhiều ca khúc như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển cả, Em lắng nghe tiếng đời... Ngoài nhạc cách mạng, bà còn sáng tác cả nhạc thiếu nhi như Đời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi đừng buồn, Ước mơ của bé là hoà bình...

NSND Tường Vi: Tiếng hát hiếm có và sự sáng tạo kinh điển với Cô gái vót chông - Ảnh 3.

NSND Tường Vi cùng các em nhỏ đón đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm.

Không chỉ giỏi chuyên môn, NSND Tường Vi còn có trái tim bao dung. Năm 1992, bà mở lớp dạy nhạc cho trẻ em mồ côi, sau đó lập nên Trung tâm Nghệ thuật tình thương, mục đích nuôi dưỡng và đào tạo nghệ thuật cho trẻ em bị khuyết tật, mồ côi. Trung tâm Nghệ thuật tình thương của NSND Tường Vi cũng là nơi vinh dự đón những chuyến viếng thăm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông còn sống.

Với những cống hiến trong nghệ thuật, nữ nghệ sĩ sớm được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú vào năm 1984 và Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1993. Bà cũng vinh dự là nghệ sĩ hiếm hoi được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, xuất bản năm 1996.

Sự sáng tạo kinh điển và tầm ảnh hưởng qua ca khúc Cô gái vót chông

Trong sự nghiệp của mình, NSND Tường Vi hát nhiều ca khúc nhưng kinh điển và gắn bó với tên tuổi bà nhất là Cô gái vót chông.

Nhắc đến Cô gái vót chông, ai cũng nhớ tới NSND Tường Vi. Dù không phải người đầu tiên thể hiện ca khúc nhưng chính NSND Tường Vi đã dùng tiếng hát của mình đưa Cô gái vót chông lên một đỉnh cao mới, tạo tiếng vang lớn với cả giới chuyên môn lẫn công chúng.

NSND Tường Vi: Tiếng hát hiếm có và sự sáng tạo kinh điển với Cô gái vót chông - Ảnh 4.

Nhờ đó, Cô gái vót chông đã trở thành ca khúc bất hủ và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả qua suốt hơn nửa thế kỷ. Đây cũng là bài hit gắn liền với tên tuổi NSND Tường Vi.

Tường Vi bẩm sinh sở hữu giọng nữ cao màu sắc trữ tình (lirico coloratura soprano), một loại giọng xuất hiện không nhiều tại Việt Nam, khác hoàn toàn với những giọng nữ nhạc cách mạng khác (đa số đều là nữ cao trữ tình – lirico soprano).

Đây là loại giọng sáng mảnh, âm vực rộng, linh hoạt, có thể hát với tốc độ nhanh và lên những nốt cao vút ngoài quãng giọng nữ thông thường.

Nhờ được học hành thanh nhạc bài bản, NSND Tường Vi đã phát huy được chất giọng nữ cao màu sắc hiếm có của mình. Từ đó, bà áp dụng những kiến thức học được vào nhạc cách mạng.

Ngay khi đọc phần ca từ của Cô gái vót chông, NSND Tường Vi đã mường tượng ra cảnh núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn muông thú, cỏ cây. Từ đó, bà tự sáng tạo bằng cách thêm một đoạn chạy nốt staccato head voice giả tiếng chim hót, đậm chất màu sắc vào bài hát, khiến nó trở nên tươi mới, đầy sức sống và tràn ngập nhạc tính.

Staccato vốn là kỹ thuật quen thuộc trong Opera và nhạc cổ điển phương Tây. Nó thường được các nữ cao màu sắc như Joan Sutherland, Beverly Sills, Lily Pons, Edda Moser… thể hiện, nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ lại hoàn toàn lạ lẫm.

Và NSND Tường Vi sau nhiều năm học tập đã mang staccato từ nhạc cổ điển phương Tây về áp dụng vào nhạc đại chúng Việt Nam rất thành công, gây tiếng vang lớn.

NSND Tường Vi: Tiếng hát hiếm có và sự sáng tạo kinh điển với Cô gái vót chông - Ảnh 5.

Điều đáng nói là đoạn staccato của Tường Vi đã chạm tới nốt Eb6, một nốt nhạc rất cao của nữ cao màu sắc. Đó cũng là nốt nhạc cao nhất mà một ca sĩ Việt Nam chạm tới trong một tác phẩm vào thời điểm bấy giờ.

Theo một số thông tin, trong một lần trình diễn, NSND Tường Vi thậm chí đã chạm tới F6, một nốt nhạc cực kỳ cao khi thực hiện staccato. Tuy nhiên, trong các bản thu có được vẫn là Eb6.

Phần thể hiện Cô gái vót chông của NSND Tường Vi đã trở thành khuôn mẫu kinh điển cho mọi thế hệ ca sĩ sau này. Kể từ khi bản thu của bà ra đời, mọi ca sĩ sau đó đều phải thực hiện staccato khi hát Cô gái vót chông. Trong đó có cả cố NSND Lê Dung.

Cho đến nay, Cô gái vót chông vẫn được nhiều thế hệ sinh viên thanh nhạc chọn để thi thố, phô diễn giọng hát. Đó là giá trị học thuật mà NSND Tường Vi đã đem lại cho ca khúc, ảnh hưởng tới mãi về sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại