Ngày 26/12, NSND Tự Long chia sẻ ảnh chụp cùng NSƯT Xuân Bắc cùng câu hỏi về chương trình Táo quân năm nay. Khỏi phải nói, dòng trạng thái của nam nghệ sĩ nhanh chóng nhận được tương tác “khủng” từ người hâm mộ bởi với nhiều khán giả Việt Táo Quân được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Câu hỏi “Liệu Táo Quân năm nay có gì hay?” của NSND Tự Long vừa gây tò mò xen lẫn háo hức, chờ đợi. Đáng chú ý, một tài khoản Facebook để lại bình luận: “Không diễn có khi hay hơn”.
Đáp lại, NSND Tự Long gợi ý: “Tắt tivi khỏi phải xem”. Màn đối đáp của NSND Tự Long khiến khán giả nhớ tới phát ngôn của MC Trấn Thành vào năm 2017.
Khi được hỏi về thực trạng những game show nhảm nhí đang tràn ngập sóng truyền hình, Trấn Thành chia sẻ: "Bây giờ, ai cũng có tivi, vậy chúng ta nên chọn lọc mà xem. Nếu quý vị cảm thấy chương trình nào nhảm nhí, hãy tắt tivi. Còn các chương trình nào đầu tư về kịch mục, hãy đón nhận”.
Phát ngôn của Trấn Thành thổi bùng cơn giận dữ của dư luận. Anh bị ném đá, chỉ trích nặng nề vì ngạo mạn, thách thức dư luận. Thậm chí có thông tin đài THVL hạn chế sự xuất hiện của Trấn Thành vì hình ảnh không thích hợp.
Phản ứng của Tự Long là thích đáng nếu anh không phải nghệ sĩ
Chia sẻ với Tiền Phong , chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng khi chúng ta so sánh câu nói “tắt tivi khỏi phải xem” của NSND Tự Long và “nếu thấy hài nhảm, hãy tắt tivi” của Trấn Thành cần lưu ý tới bối cảnh hai phát ngôn này. Bởi Trấn Thành trả lời trực tiếp truyền thông, báo chí còn NSND Tự Long phản hồi bình luận trên Facebook.
Khi đặt vào bối cảnh cụ thể thì mỗi phát ngôn có sắc thái, hàm ý, nội dung nhất định. Theo chuyên gia, hai câu nói trên khác nhau về mặt ngữ cảnh. Cụ thể, NSND Tự Long đáp trả bình luận có ý chỉ trích. Tất nhiên, phản ứng của Tự Long nói “tắt tivi khỏi phải xem” được cho là khá tương đồng và thích đáng với bình luận “không diễn có khi hay hơn”.
Thế nhưng, nó chỉ thích đáng nếu đó là hai người bình thường phản ứng với nhau. Còn Tự Long là nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ nhân dân nên khán giả mong chờ cách phản ứng văn minh, khéo léo hơn.
“Cá nhân tôi cho rằng việc nghệ sĩ đôi co với khán giả đôi khi chỉ là cách họ tương tác trên các nền tảng xã hội. Trong một số trường hợp nó khá tích cực vì có thể làm rõ quan điểm, thể hiện tính cách và bảo vệ công việc của người nghệ sĩ. Nhưng quan trọng là cần duy trì sự tôn trọng lẫn nhau, tránh làm tổn thương và xúc phạm người khác.
Vì vậy, trong trường hợp gặp bình luận xúc phạm mình, người nghệ sĩ cần xử lý một cách chín chắn và chuyên nghiệp. Họ có thể chọn cách không phản hồi hoặc báo cáo nếu bình luận đó bắt nạt, xúc phạm, thậm chí xoá đi nếu nó vi phạm chính sách của nền tảng mạng xã hội mà họ đang sử dụng”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.
Chuyên gia đưa ra lời khuyên nếu nghệ sĩ chọn cách đáp trả những bình luận thiếu tế nhị hoặc có nội dung xấu xí trên mạng xã hội cần lịch sự để vừa làm rõ quan điểm cá nhân vừa bảo vệ mình. Họ cần tránh việc để xảy ra những xung đột cũng như đôi co qua lại với khán giả. Khi chúng ta tìm hiểu và giải quyết vấn đề một cách tích cực, có thể biến tình huống tiêu cực thành cơ hội để thể hiện bản thân cũng như xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với khán giả.
Sức nóng dư luận là phép thử văn hoá ứng xử của nghệ sĩ
Theo chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn - từ Hãng Quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) - việc Tự Long phản ứng với khán giả được xem là bình thường khi xét ở góc độ cá nhân. Nhìn nhận ở khía cạnh anh là người nổi tiếng thì việc đáp trả như vậy thể hiện cách ứng xử thiếu kiềm chế, dễ bị dư luận đánh giá trịch thượng và bất cần khán giả.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn nói đây không phải câu chuyện hiếm gặp trong giới showbiz. Chúng ta từng thấy Trấn Thành phát ngôn “nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi” hay NSƯT Xuân Bắc kể câu chuyện để bóng gió khán giả “ăn cháo đá bát” và giờ là Tự Long đáp trả “tắt tivi khỏi phải xem”. Những câu chuyện này phản ánh thực tế phông nền văn hoá ứng xử của giới nghệ sĩ và bộc lộ rõ trình độ, kiến thức của một số cá nhân cụ thể.
“Nếu sức nóng dư luận là phép thử văn hóa ứng xử của nghệ sĩ thì rõ ràng lối hành xử của Tự Long hay Trấn Thành có vấn đề vì xem thường khán giả. Xét ở góc độ họ làm hình ảnh trước công chúng thì cũng khá thiếu chuyên nghiệp”, chuyên gia cho hay.
Theo đánh giá của chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhiều nghệ sĩ khi chưa có tên tuổi, chưa được công chúng biết tới rộng rãi thường có xu hướng o bế, chiều chuộng khán giả, thậm chí cả bộ phận khán giả có thị hiếu tầm thường. Tuy nhiên, khi họ có danh hiệu NSND, NSƯT hay có tên tuổi, địa vị thì bất cần. Vậy câu hỏi đặt ra có phải chính nghệ sĩ là những người “qua cầu rút ván”, thay vì chỉ trích khán giả “ăn cháo đá bát”?
“Tôi nghĩ nên tẩy chay những nghệ sĩ có thái độ coi thường, bất cần khán giả. Rõ ràng khán giả có quyền đưa ra bình luận, góp ý của mình về bất cứ chương trình, tác phẩm nghệ thuật nào. Ngay với chương trình Táo Quân, người xem có quyền thích hoặc không thích, hài lòng hoặc không hài lòng về chất lượng kịch bản, diễn xuất của diễn viên”, chuyên gia nhấn mạnh.
Trấn Thành kêu oan
Năm 2021, Trấn Thành lần đầu lên tiếng kêu oan về phát ngôn "nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi". Trong một buổi livestream với khán giả, Trấn Thành bày tỏ sự bức xúc về việc những chia sẻ của mình bị cắt xén khiến anh hứng chịu nhiều hậu quả.
Trấn Thành cho biết, câu nói chính xác của anh thời điểm đó là: "Trên đời này có nhiều loại game show. Có game show hay, có ý nghĩa và có gameshow nhảm nhí. Nếu thấy gameshow nào nhảm nhí, khán giả hãy đừng chỉ không xem mà tắt tivi đi. Như thế, gameshow sẽ bị giảm rating, giảm lượng người xem và sẽ bị đào thải".giải
Trấn Thành cho rằng chia sẻ của mình bị cắt xén khiến anh bị chỉ trích ngạo mạn, thách thức khán giả. "Tôi bị hàm oan như vậy và cả sự nghiệp của tôi lúc đó bị mọi người tấn công. Tôi đâu nói như vậy? Tôi nói điều rất đúng đắn rằng nếu những game show nhảm mà mọi người vẫn xem thì người ta vẫn làm được. Nếu cho là nhảm nhí thì tắt tivi đi, đừng xem nữa vì còn xem là còn dung dưỡng nó. Tôi nói đàng hoàng mà cuối cùng lại thành ngạo mạn và trịch thượng", Trấn Thành giải thích.