Trở lại truyền hình trong phim đề tài phòng cháy "Lửa ấm", NSND Trọng Trinh vào bác sĩ Văn - trưởng phòng cấp cứu luôn đề cao nguyên tắc, cứng nhắc. Chính điều này đã khiến nhân vật mắc sai lầm và chịu cú sốc lớn. \
Chia sẻ về vai diễn, nam nghệ sĩ cho biết, đây là vai hay mà ngắn. Anh hài hước nói: "Lần đầu tiên phải lên bàn thờ sớm như vậy nhưng trước khi chết tôi phải xin đạo diễn giẫy thêm mấy phân đoạn".
Nghệ sĩ Trọng Trinh cũng bật mí thêm, từ khi đọc kịch bản anh đã chủ động đề nghị đạo diễn bổ sung thêm một số phân đoạn để bác sĩ Văn có chiều sâu hơn, như khi nhân vật gặp trầm cảm sẽ có biểu hiện gì, nội tâm ra sao... Nam nghệ sĩ nhấn mạnh dù không nhiều nhưng cá nhân anh có nét tương đồng với nhân vật này. Đó chính là đều gặp trầm cảm.
NSND Trọng Trinh trong vai bác sĩ Văn
"Tôi là con người tự do, thoải mái, làm việc với tôi phải vui vẻ, đầy tiếng cười. Nhưng cách đây hơn 10 năm, tôi gần như không biết đi đâu về đâu. Nếu khủng hoảng kinh tế thì còn có thể "hồi" được, chứ khủng hoảng tinh thần để lại trong mình vết sẹo rất lớn", nghệ sĩ Trọng Trinh tiết lộ.
Nam nghệ sĩ sinh năm 1957 cho biết anh u uẩn mãi trong những suy tư như thế cho đến một ngày nhận được cuộc điện thoại của con trai - lúc ấy đang đi du học.
"Con khóc, gọi điện xin bố gửi tiền đóng học phí, tiền ăn. Lúc này tôi sực tỉnh và nhận ra rằng, nếu mình buông bỏ hay chán nản thì con cái sẽ bị ảnh hưởng. Suy nghĩ này đã thức tỉnh, kéo tôi thực sự trở lại với công việc.
Mặc dù trước đó vẫn đi làm nhưng tôi không tập trung, không để tâm. Tối lại không ngủ được. Tôi quyết xốc lại tinh thần, là chỗ dựa cho các con. Thế nên tôi mới nói, để vượt qua trầm cảm, phải có gì đó trong sâu thẳm mới đủ sức kéo họ lên được", Trọng Trinh tâm sự.
Nhắc đến sự trở lại với công việc, nhiều người cho rằng sau khi về nghỉ hưu, anh còn bận rộn hơn trước. NSND Trọng Trinh thừa nhận trước khi nghỉ hưu, anh dành nhiều thời gian cho vai trò đạo diễn. Còn hiện tại, anh quen thuộc hơn với hình ảnh một diễn viên.
"Thú thực, khi quay lại với nghiệp diễn viên tôi có rất nhiều thay đổi. Tôi có thêm nhiều trải nghiệm để làm đầy đặn và phong phú hơn quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Quan trọng là khi được sống với đam mê, tôi cảm thấy thoải mái và hứng khởi hơn", nam nghệ sĩ bày tỏ.
Đạo diễn, NSNDTrọng Trinh trong hậu trường phim
Anh kể, hồi mới vào nghề diễn, anh không ít lần rơi vào cảnh nợ nần vì tiền cát-sê trả chậm, không đủ cho sinh hoạt hằng ngày khác hoàn toàn với đạo diễn. Vì thế có thể nói, làm đạo diễn sướng hơn diễn viên về mặt tài chính.
Tuy nhiên, đạo diễn Trọng Trinh phân tích: "Nếu diễn viên chỉ cần lo diễn xuất tốt thì đạo diễn lại phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trong một bộ phim, bao gồm cả kinh phí lẫn chất lượng phim. Bên cạnh đó, phải ngồi "casting" chọn từng diễn viên, rồi phải quản lý số lượng đó trong suốt quá trình quay phim mấy tháng liền. Sau đó tiếp tục xử lý hậu kỳ, lồng tiếng… 45 phút/tập phát sóng truyền hình khán giả có thể xem trong chốc lát, nhưng đó là cả một quá trình hoạt động nghệ thuật của anh em đoàn phim. Khá vất vả!".