Nghệ sĩ Quốc Anh là gương mặt quen thuộc của hài Tết miền Bắc.
“Giữ mình” trước mạng xã hội được ngày nào hay ngày đó
Thị trường hài Tết từ mấy năm nay bị đánh giá bão hòa, lượng nhiều nhưng không chất. Là diễn viên tham gia nhiều năm, anh cảm thấy thế nào?
- Khi khán giả đã phản ánh nghĩa là có rồi. Bão hòa hay phản cảm là đúng. Chẳng cần lấy ví dụ cụ thể, chỉ nhìn mặt bằng chung cũng thấy phim hài bây giờ chủ yếu khai thác hình ảnh người phụ nữ với sự châm biếm, chân ngắn chân dài, hở hang...
Những phim như thế tôi không tham gia, kể cả có trả đống tiền tôi cũng không. Tôi khẳng định thế.
Năm nay tôi cũng nhận được lời mời của nhiều hãng nhưng tôi lựa chọn vai phù hợp: Hợp chất, hợp vai và tham gia duy nhất 3 phim: “Tết ơi là Tết”, “Tết lo phết”, “Phim và đời”.
Phim khai thác chủ yếu công việc gia đình, thuần phong mỹ tục, những mặt trái xã hội cần lên án, châm biếm nhẹ nhàng, dí dỏm và tế nhị. Đặc biệt khai thác sự nhạy cảm là tôi không làm.
Vậy nhắc lại với câu chuyện ồn ào giữa anh và “hot girl chân ngắn” Trương Phương, có phải giữ quan điểm đó mà anh đã từ chối tham gia gameshow cùng cô ấy?
- Không. Quả thực trong cuộc sống cũng như công việc, tôi không bao giờ nói xấu ai. Còn chuyện cũ với Trương Phương là cô ấy hoàn toàn hiểu nhầm. Tôi không quan tâm đến đời tư tai tiếng, cũng không có ý coi thường hay chèn ép gì diễn viên trẻ. Tôi cũng từ người trẻ đi lên mà.
Ở góc độ diễn viên, tôi hiểu những yêu cầu của vai diễn. Tôi không kỳ thị. Tôi chỉ nhấn mạnh rằng tôi chững tuổi rồi, ngót nghét gần 60, muốn bạn chơi cùng lứa như mình, “đầm” tuổi chơi mới hợp, mới ăn ý từ tư duy đến phản ứng sân khấu.
Cứ hình dung cùng đội chơi mà hai người hai thế hệ thì “tung hứng” sao được?
Hiểu nhầm hay không thì không biết nhưng sau phản ứng rõ rệt của anh khán giả lại rất đồng tình vì cho rằng với vai trò giám đốc Nhà hát và NSND, anh đang làm tốt việc giữ hình ảnh?
- Nguyên tắc sống của tôi là không dùng facebook hay bất cứ mạng xã hội nào khác, mọi thứ làm việc qua email nên tôi cũng không rõ dư luận phản ứng ra sao. Tôi cứ cố gắng làm đúng vai trò của mình thôi.
Có vẻ anh đang “ác cảm” với mạng xã hội?
- Nhiều người “xui” tôi dùng facebook để kiếm tiền nhưng không, nguyên tắc sống của tôi không phải thế. Điều đó không cần thiết vì cái gì cũng có mặt trái.
Dùng mạng xã hội cần hết sức cẩn thận vì tầm tuổi tôi không thể nói “giá như”, sảy một li đi một dặm. Không cho phép điều đó nên tôi nói không với facebook.
Câu chuyện này gợi lại trường hợp nhà báo Lại Văn Sâm buộc phải lập facebook chính chủ để đập tan một loạt “face fake”. Anh không lường trường hợp này sao?
- Hiện tại cũng có nhiều face Quốc Anh giả đấy chứ. Nhưng kệ nó. Khi nào face đó gây ảnh hưởng đến uy tín của tôi thì lúc đó tôi buộc phải chứng minh bằng facebook chính chủ.
Còn bây giờ chưa ảnh hưởng gì thì cứ kệ đi. Tôi biết trước sau gì cũng phải dùng mạng xã hội thôi, nhưng “giữ mình” được đến ngày nào hay ngày đó (cười).
Phim giải trí cần cân đo đong đếm điểm dừng
Nghệ sĩ Quốc Anh với hài Tết.
Khoảng 20 năm gắn bó với hài Tết, anh nhận định thế nào về sự thay đổi của dòng phim ở thời điểm này?
- Tôi có cảm giác hài Tết bây giờ xô bồ như không ngăn lại được. Chương trình hài cách đây 15-20 năm, ít nhưng chất. Còn những năm gần đây như kiểu cạnh tranh số lượng chứ không phải chất lượng. Ai cũng có thể làm hài, công ty nào cũng sản xuất được.
Có điều, bắt đầu từ 2009 đến đây trình độ dân trí tiến bộ, nâng tầm nhận thức của khán giả khiến thước đo giải trí ngày càng chuẩn và khắt khe hơn. Nhưng phản cảm trước kia từng bị lờ đi nhưng giờ thì “được” săm soi rất kỹ và sẵn sàng tẩy chay nếu không “vừa mắt”.
Những chương trình hài câu khách bằng thủ pháp “gây cười” hở hang, hay châm chọc, khán giả có thể cười nhưng tiếng cười không đọng lại tính nhân văn, niềm suy tư.
Đó chỉ là tiếng cười sinh lý thôi. Những phim hài xưa, trong hài luôn phải có bi. Cười đấy, nhưng là cười ra nước mắt. Cười thâm thúy. Đó mới là sâu sắc của sân khấu hài. Điều này thì hài Tết hiện nay không mấy phim làm được. Chỉ là cái cười hời hợt.
Anh nghĩ sao khi nghệ sĩ Giang “còi” chia sẻ: Hài Tết là món giải trí chứ không phải nghệ thuật chính thống?
- Hài Tết vẫn có những phim là nghệ thuật đấy chứ. Nghệ thuật giải trí và nghệ thuật đích thực không quá xa vời, đừng phân biệt. Vẫn có những nghệ thuật giải trí mang tính nhân văn, đọng lại trong lòng công chúng nhiều trăn trở, suy tư.
Còn nghệ thuật thuần thì hợp với các cuộc thi thố. Đem dự thi tại các Liên hoan phim hay gì đó thì cực kỳ uy tín, được đánh giá cao, nhưng mang ra công chiếu chưa chắc đã “ăn”. Vì còn phụ thuộc vào sự tiếp nhận của khán giả.
Còn Giang Còi nói là đại đa số phim hài Tết mang tính giải trí thì tôi đồng ý. Ngày xuân ngày Tết tính giải trí bao giờ cũng cần, tính nghệ thuật sẽ ít đi.
Nhưng cũng cần phải cân đo đong đếm điểm dừng cho hợp lý để không quá sa đà thành phản cảm. Cái gì quá đều không tốt. Dừng đúng lúc ở góc độ nào đấy thì giải trí vẫn rất nghệ thuật.
Cũng vì phim Tết mang tính thời vụ nên các nhà sản xuất quan tâm đến tính thương mại, không quan tâm khán giả là ai, tiếp nhận thế nào. Còn anh thì đang đi hướng an toàn trong hài Tết?
Cũng tùy tư duy của từng nghệ sĩ. Lựa chọn của tôi là thế. Tính toán của các nhà sản xuất hiện đại đang bị động theo các nhà tài trợ. Đôi khi nhà tài trợ cũng đầu tư theo view, đó là bài toán sai lầm.
Ví dụ một phim hài view 10-20 triệu nhưng chưa chắc đã hay bằng phim 2-3 triệu view. Và tất nhiên tài trợ sẽ đổ nhiều vào phim mấy chục triệu view. Nhưng họ có nghĩ phim view cao mà phản cảm thì dấu ấn tài trợ trong đó tốt hay xấu?
Lại là câu chuyện quảng cáo lấn chiếm phim hài Tết từ nhiều năm nay. Đó là sự “đánh chiếm” lộ liễu bằng hình ảnh, bối cảnh, lời thoại… của quảng cáo khiến khán giả ức chế. Là diễn viên, bị rơi vào trường hợp “buộc” phải thoại như thế, anh thấy thế nào?
- Những phim tôi đóng cũng có quảng cáo nhưng đều ở mức vừa phải. Thực tế, khán giả cũng phải thông cảm cho các nhà sản suất phim, không có tài trợ thì không thể nào có phim cho khán giả xem.
Nhà tài trợ bỏ tiền đầu tư tất nhiên mong muốn tần suất xuất hiện của sản phẩm càng nhiều càng tốt. Ngược lại, khán giả chỉ muốn xem phim, mà phim lại ép khán giả xem quảng cáo. Một bài toán khó. Nên hai bên phải cân đối chiều lòng lẫn nhau.
Khán giả cần dễ tính hơn với nhà sản suất và ngược lại, nhà sản suất cũng như nhà tài trợ phải nắm kỹ kịch bản, biết là lúc nào hình ảnh quảng cáo đưa ra là hợp lý, vừa đủ độ và có ý nghĩa, liên quan đến nội dung phim để khán giả thấy nhẹ nhàng xem và tiếp nhận.
Như thế giá trị tài trợ mới cao. Còn cứ ào ào quảng cáo chắc chắn sẽ bị phản ứng ngược.
Sau 20 năm, nghệ sĩ Quốc Anh trong mắt khán giả vẫn hình ảnh áo the khăn xếp. Anh không định thay đổi hình ảnh sao?
- Tôi cũng thay đổi rồi đấy chứ, nhưng không thể vượt qua được những hình ảnh cũ. Tôi bị “đóng đinh” rồi.
Cảm ơn chia sẻ của anh!