NSND Ngọc Giàu là một trong những huyền thoại sống của làng cải lương và vọng cổ Nam Bộ. Bà luôn được các lớp nghệ sĩ trẻ tôn kính và ngưỡng mộ, xem như người mẹ trong nghề.
Tối qua (6/11), trong tập 6 chương trình Sau ánh hào quang. NSND Ngọc Giàu đã chia sẻ về cuộc đời cũng như quá trình phấn đấu của mình và yêu cầu các thế hệ nghệ sĩ trẻ phải nghiêm túc với nghề.
Dấn thân giang hồ từ năm 10 tuổi
Từ 10 tuổi ông trời đã cho tôi giọng hát rồi. Lúc đó, tôi còn nhỏ quá nên chẳng biết mình hát hay hay không, nhưng có ông anh đi qua khen hay rồi dẫn đi hát. Từ đó, tôi bắt đầu dấn thân giang hồ, đi theo ổng, tối ngày học múa hát.
Đi tận ba bốn năm liền, nhớ ba má quá, tôi mới xin về, nhưng ổng cũng không cho về, còn nói: "Khi nào mày nổi tiếng tao mới cho mày về".
NSND Ngọc Giàu
Suốt thời gian theo đoàn, tôi chỉ ngồi hai bên cánh gà sân khấu để bắt chước các anh chị lớn diễn. Sau đó, tôi còn cầu cho họ bệnh để được lên thay thế. May quá, một lần nọ tôi được thế vai và hát hay hơn cả người diễn chính. Cho nên, mới 13, 14 tuổi mà tôi đã được làm đờn chính rồi.
Đầu tiên, tôi được diễn vở Romeo và Juliet với nghệ sĩ Hùng Cường, mà ngực thì chưa có. Diễn tới cảnh dưới mồ thì Hùng Cường nói: "Mai anh mua cho em xu chiêng và đôi giày nha". Thế là một ông anh khác lao vào định đánh Hùng Cường. Đây cũng là kỉ niệm của tôi với Hùng Cường.
16 tuổi đã kí được hợp đồng 33 cây vàng
Thế nhưng, tôi không nổi tiếng nhờ đi hát mà nhờ thu đĩa. Hồi xưa, tôi chỉ thu vài ba bài thôi là được nổi tiếng rồi. Lúc đó, vàng có một ngàn rưỡi một lượng mà tôi đã kí được hợp đồng 50 ngàn, tương đương hơn 33 cây vàng.
Nếu tính theo thời giá bây giờ là 1 tỷ 2. Tôi liền gửi ngay tiền về cho ông bà ngoại sửa nhà.
Bức hình Ngọc Giàu nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm
Thậm chí, năm 16 tuổi, tôi đang diễn ở Bạc Liêu thì nhận được huy chương vàng tại giải Thanh Tâm, vinh dự lắm.
Qua 16 tuổi là tôi bắt đầu nổi tiếng. Hồi đó ít nghệ sĩ lắm, nên mình tôi phải diễn nhiều vai cùng lúc luôn. Việc ca hay, cảm xúc là xuất phát từ trái tim tôi. Tôi tự cảm vai diễn theo tâm hồn mình.
Đi làm kiếm tiền thì dù nhỏ mấy cũng có kẻ ganh tị, nhưng ngày xưa nghệ sĩ chúng tôi sống khác. Hồi ấy đi hát làm gì có phòng riêng, cả đoàn cứ trải chiếu mỗi người một góc để ngủ dưới sân khấu, nên dù ghét nhau cũng phải chạm mặt nhau, rồi khóc cười cùng nhau theo vở diễn, phải coi nhau như gia đình mới ở được.
Bây giờ thì con người ta mới ghê, đặt điều đủ kiểu cho nhau.
Tôi theo nghề này 60 năm rồi, danh dự có, tiếng tăm có, nhưng tôi vẫn làm nghề tới giờ. Chỉ cần ai bảo tôi ca một câu vọng cổ là tôi ca liền.
Bị đục thủy tinh thể vì khóc nhiều cho vai diễn
Đóng bi kịch cũng có cái hại. Vì khóc nhiều quá khi diễn nên 30 tuổi tôi đã bị đục thủy tinh thể. Tôi đi khám thì bác sĩ kêu không được khóc như thế nữa, nên tôi đành chuyển qua diễn hề. Có lẽ do thiên phú nên tôi vừa diễn hề một cái đã thành công với vở Bảy cán vá.
Tôi ít chơi với đồng nghiệp nữ vì hợp với tính cách đàn ông hơn. Ngày xưa, tôi kiếm được bao tiền cũng mời bạn bè ra quán nhậu hết sạch. Hồi ấy, tôi như một người đàn ông, gan đầy mình, học cả võ và vũ, ra sân khấu làm cái gì cũng được hết.
NSND Ngọc Giàu diễn lại vở Bảy cán vá
Tôi cứ nghĩ, con gái chơi với mình thì nhiều chuyện, còn con trai không nói này nói kia nên thích chơi cùng con trai hơn. Tôi ghét những ai tính xạo xạo.
Nhân tiện, tôi cũng tiết lộ rằng, trong giới nghệ sĩ có một kẻ chuyên nhái giọng các nghệ sĩ lớn để lừa đảo, mà nhái rất giống. Có lần, tôi đang đi trên cao tốc thì số lạ gọi đến xưng là Trấn Thành, bảo tôi nạp 500 ngàn vào điện thoại. Hắn nhái giọng quá giống nên tôi nạp 4 lần liền vào số của hắn.
Hắn còn giả Trấn Thành bảo tôi rằng: "Mẹ con mình nên tránh mặt nhau để người khác khỏi tưởng mình thân thiết". Điều này khiến tôi tránh mặt Tuấn Thành suốt một thời gian.
17 tuổi cưới chồng 49 tuổi
Tôi là con thứ 5 trong một gia đình đông anh em. Gia đình tôi trước đây nghèo lắm, nên bố mẹ đặt tên là Ngọc Giàu với mong muốn thay đổi cuộc đời.
Hồi nhỏ, nhà tôi nghèo tới mức phải vớt lá năng dưới ruộng lên chấm mắm ăn. Tôi thích đi hát lắm mà không biết chữ, mới xin mẹ cho đi học thì mẹ nói: "Tiền mua gạo tao còn không có, lấy gì cho mày học?".
Nhiều lúc, tôi đói tới muốn xỉu mà không có gì ăn, phải ăn cục cơm nhét ở cửa nhà người ta. Vì thế, tôi mới ước ao làm gì đó có thật nhiều tiền. Nhưng trong các nghề, tôi chỉ thích nhất nghề hát.
Bố tôi hồi đó còn lấy một củ sắn trắng về mài lấy nước để cúng tổ nghiệp cho tôi được đi hát kiếm tiền. Cúng xong, bố tôi gọi tôi ra uống hết bát nước đó để hát hay hơn.
Ngày ấy, giữa lúc tôi đang đi hát thì bố gọi về để lấy chồng, còn xem trước ngày giờ cho tôi. Lúc đó, tôi khóc và nói: "Con không biết người đó là ai, ba làm như vậy thì con biết làm sao?". Tôi còn chẳng biết làm duyên làm dáng là gì, chứ đừng nói tới việc lấy chồng.
Bố tôi chỉ trả lời rằng: "Người ta lo cho gia đình mình thì con làm ơn giúp ba trả cái ơn này cho họ". Hóa ra, người này đã làm thân với gia đình tôi từ trước, chứ không thèm làm quen với tôi. Suốt ngày họ qua nhà tôi sửa nhà, sửa cửa này nọ.
Tôi cưới chồng năm 17 tuổi, mà chồng tôi khi ấy đã 49 tuổi, hơn tôi những 32 tuổi.
Ngày đầu về nhà chồng, tôi chẳng có cảm giác gì, còn không có định nghĩa về chồng, cứ sống như vậy chứ chẳng thấy hạnh phúc.
Sau đó, tôi ra điều kiện phải cho tôi đi hát lại sớm, vì tôi nhớ sân khấu. May mắn là chồng tôi cũng đồng ý, ổng còn theo tôi ra tận đoàn diễn, xin một chân cầm vé để trông chừng tôi.
Có một điều thú vị là chồng tôi lấy tôi về cũng không động vô tôi, càng không tỏ ra là chồng. Mãi tới 2 năm sau, ổng mới nói: "Anh là chồng em nè". Tôi bèn bảo lại: "Biết rồi, nhưng khoan đã, chưa động được".
Con gái mất từ năm lớp 7 vì ung thư máu
Tới năm 19 tuổi, tôi mới chấp nhận ổng là chồng, nhưng vẫn cảm thấy khó ở vì không có tình yêu. Vì tình nghĩa, tôi đành ở với ổng 19 năm, có một đứa con gái, nhưng rồi li hôn.
Con gái tôi nếu còn sống thì đến giờ cũng 47, 48 tuổi, nhưng nó đã mất vì ung thư máu rồi. Từ lúc biết nó bị bệnh tới lúc nó mất có đúng một tuần, khi ấy nó đang học lớp 7.
Tôi nhớ, nó đang ngồi học trên lớp thì xỉu, đem về được ít hôm là mất. Trước khi đi, nó nói với tôi: "Mẹ đừng buồn. Mẹ buồn là con đi không đành".
Nó còn hỏi, hôm nay là ngày bao nhiêu. Khi tôi trả lời là ngày mùng 7 tháng Chạp thì nó khẳng định: "Thế thì ngày mùng 8 con đi".
NSND Ngọc Giàu kể về con gái
Từ lúc con bé mất, tôi mới nhận ra cuộc đời này là vô thường. Nó là máu là thịt của mình đấy, mà cũng không giữ được. Mình làm ra tiền, mua nhà mua xe đấy, nhưng rồi cũng sẽ tan biến, sụp đổ hết mà thôi.
Cứ nghĩ như thế nên tôi vị tha hơn, tôi ra đi hai bàn tay trắng và để lại hết nhà cửa cho chồng.
Được nhiều người theo đuổi, nhưng chỉ ở với một người
Sau khi li dị, rất nhiều người tìm đến theo đuổi tôi, từ kĩ sĩ tới bác sĩ. Họ cưng chiều tôi lắm, đưa ăn về còn trèo lên cây mận hái quả cho. Hồi đó không phải như bây giờ nên dù nổi tiếng cũng không sợ người ta nói ra nói vào.
Tôi với người chồng hiện tại ở với nhau được 36 năm rồi. Mối tình này vốn dĩ không được suôn sẻ lắm.
Ổng là một nhạc sĩ ở miền Bắc. Tôi thì vốn không để ý tới ổng. Tuy nhiên, lần nào tôi đi thăm mộ con gái, ổng cũng đều tới trước để lau dọn sạch sẽ. Tôi có hỏi vì sao ổng làm vậy, nhưng ổng không nói.
Ổng làm tôi xúc động vì tình thương của ổng dành cho hai mẹ con tôi. Nhưng cứ khi nào tôi tỏ ra thương ổng thì ổng trốn mất. Ổng nói là không muốn, chỉ muốn đi làm gặp nhau là đủ rồi. Với lại, ổng ngại ở ngoài Bắc biết chuyện.
Thấy ổng nói vậy, tôi tỏ ra dứt khoát: "Như thế không được. Nếu anh thương tôi thì hai đứa mình về gặp cha mẹ rồi làm vài ba mâm ra mắt bạn bè. Một là tới, hai là thôi". Thế rồi ổng mới đồng ý tới luôn, mặc kệ mọi thứ.
Ban đầu đến với nhau cũng gặp khó khăn từ hai bên gia đình, nhưng thời gian trôi qua thì cũng ổn.
Trong 36 năm ở với nhau, cũng có nhiều thăng trầm. Ổng thì hay đi làm ngoài Hà Nội, còn tôi ở trong này một mình. Gián đoạn những 3 năm liền. Nhưng đó là vì gia đình chứ ổng vẫn thương tôi lắm. Thế nên, tôi mới bảo ổng vào lại trong này đi, tôi cho hết. Tôi chả cần gì cả, không làm vợ chồng cũng được, miễn sao ở bên nhau.
Ổng lo cho tôi dữ lắm, từng tí một. Ổng cũng là người thấy tôi bao nhiêu năm, từ lúc tôi còn nhảy múa hát ca tới bây giờ già rồi, nhưng vẫn ở bên tôi. Trong tim tôi thương ổng nhiều lắm.
Yêu cầu ca sĩ trẻ hát nghiêm túc, bớt giỡn
Mình còn gặp lại ngày nào thì mình mừng vì được gặp nhau, chứ ngày mai chẳng biết rồi mình sẽ ra sao. Giờ tôi ít đi diễn, nhưng vẫn nhớ khán giả vì được thương yêu. Nhiều khi tôi nghĩ, không biết mình có còn đi lại được như tụi trẻ hay không. Liệu chuyến lưu diễn này có phải chuyến cuối cùng của mình không?
Lớn tuổi rồi nên lúc bệnh cái nọ, bệnh cái kia, nhưng tôi biết các con bận nên cũng chẳng dám kêu. Chỉ cần được phục vụ khán giả là tôi vui rồi.
Nhân tiện, tôi cũng muốn nhắc, nếu muốn theo nghề này, các bạn phải học, học tới lúc nào mình già, mình không còn học được nữa thì mới thôi. Như tôi, tới tận bây giờ, nếu đưa cho tôi một câu vọng cổ thì tôi vẫn phải tập.
Thậm chí, tôi còn phải học từ chính lớp trẻ theo sau mình. Nếu không học , tôi sẽ bị rớt ra ngoài ngay.
Sân khấu là một thiên đàng, nó thiêng liêng lắm, nên tôi yêu cầu ca sĩ trẻ ra sân khấu thì nhân vật nào vào đúng nhân vật đó, hát nghiêm túc. Đừng có giỡn giùm tôi. Không thì tôi buồn lắm.