NSND Lệ Thuỷ, nàng “Tô Ánh Nguyệt” của sân khấu cải lương giờ ra sao?

Quốc Tiệp |

Tuy đã ở tuổi 70 nhưng NSND Lệ Thủy vẫn miệt mài cống hiến góp phần “níu giữ” nghệ thuật cải lương đang dần mai một, đồng thời mang đến cho khán giả những tiết mục vượt thời gian.

Ở tuổi 70, NSND Lệ Thuỷ hiện vẫn là một giọng ca vàng của làng cải lương Việt Nam. Bà vẫn miệt mài đi tới mọi vùng đất để cất tiếng hát cho mọi người.

NSND Lệ Thuỷ, nàng “Tô Ánh Nguyệt” của sân khấu cải lương giờ ra sao? - Ảnh 1.

NSND Lệ Thuỷ.

Lệ Thủy tên thật là Dương Thị Lệ Thủy về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy. Lệ Thủy sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Là con cả trong gia đình có 8 chị em, vì vậy ngay từ nhỏ, cô gái này đã phải học cách sống tự lập.

Trong một lần, một người trong xóm đã tình cờ nghe Lệ Thuỷ hát và giới thiệu bà tới học tại một người thầy.

Một thời gian sau, thấy Lệ Thuỷ sáng dạ và cũng do hoàn cảnh gia đình Lệ Thuỷ quá nghèo nên thầy đã giới thiệu Lệ Thuỷ đi hát tại gánh hát Trâm Vàng ở Biên Hoà để có tiền phụ giúp gia đình.

Trên sân khấu Trâm Vàng, Lệ Thuỷ chỉ phù hợp đóng vai kép nhí, và lần đầu tiên khi Lệ Thuỷ ca bài Cô bán hoa đèn giấy đã gây ấn tượng cho khán giả bởi chất giọng lạ. Năm đó Lệ Thuỷ chỉ mới 13 tuổi.

Một thời gian sau, Lệ Thủy rời Trâm Vàng để về Công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có 7 đoàn hát.

Tại sân khấu này, bà đã được soạn giả Ngọc Văn nhận làm con nuôi, ông viết nhiều kịch bản đưa Lệ Thủy vào đóng từ vai phụ cho đến vai chính, với vở Bẽ bàng duyên mới diễn chung với nghệ sĩ Thanh Hải đã đưa Lệ Thủy trở thành cô đào hát chính sáng giá ở tuổi 15.

Sau đó, Lệ Thủy hát ở đoàn Kim Chung 5, tại đây Lệ Thủy đóng cặp với Minh Phụng tạo thành cặp đào - kép ăn ý, được báo chí thời đó phong tặng là cặp "bão biển" vì mang lại doanh thu cao cho đoàn qua các vở Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau…

Năm 16 tuổi, Lệ Thủy đã giành được huy chương Vàng giải Thanh Tâm.

NSND Lệ Thuỷ, nàng “Tô Ánh Nguyệt” của sân khấu cải lương giờ ra sao? - Ảnh 2.

NSND Lệ Thuỷ.

Sau năm 1975, Lệ Thuỷ gia nhập đoàn Văn công Tp.HCM và trở thành diễn viên chính trong nhiều vở diễn như Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại…

Không chỉ thế, Lệ Thủy còn là giọng ca được khán giả yêu thích qua những bài ca cổ trên sóng phát thanh.

Đã có khán giả ví "Lệ Thủy là cô đào có nhiều kép nhất bởi chị đã từng ca với rất nhiều giọng Nam nổi tiếng trong làng cải lương như Diệp Lang, Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Chí Tâm, Thành Được, Minh Vương, Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Thanh Sang.... cùng hàng trăm bài ca cổ được yêu thích. Lệ Thủy cũng luôn nằm trong top của nhiều giải thưởng như Mai Vàng, Truyền hình HTV Awards...

Tháng 2/1984, Lệ Thuỷ vinh dự được mời tham gia đoàn nghệ sỹ cải lương đi lưu diễn châu Âu. Đây là một sự kiện lớn đầu tiên sau năm 1975, khi một đoàn nghệ sỹ cải lương bao gồm những tên tuổi như Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương, Bảo Quốc, Thành Được… cùng tham gia.

Chuyến đi đã thành công rực rỡ khi đi đến đâu, khán giả Việt kiều cũng nhiệt tình ủng hộ cho các vở diễn của đoàn.

Từ thành công đó, khi về nước các nghệ sỹ đã thành lập đoàn hát 2-84 và trở thành đoàn hát ăn khách nhất trong những ngày đó khi các vở diễn như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Áo cưới trước cổng chùa, Trắng hoa mai, Kiếp chồng chung, Lôi Vũ...

NSND Lệ Thủy cho biết, vở Tô Ánh Nguyệt diễn nhân dịp khai trương đoàn 2-84 do bà và các nghệ sĩ Diệp Lang, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương… thành lập là vai diễn tâm đắc nhất bởi đã lột tả được số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Khi cải lương xuống dốc, đoàn 2-84 giải thể, tuy nhiên Lệ Thủy vẫn là cái tên ăn khách. Cùng với Minh Vương, Lệ Thủy luôn được chọn tham gia khi các show cải lương được tổ chức.

Lệ Thủy đã cùng với Diệp Lang, Minh Vương xây dựng chương trình Những dấu ấn không phai để quy tụ nhiều nghệ sỹ trình diễn lại nhưng vở diễn kinh điển.

Bên cạnh đó, Lệ Thủy cũng mở chương trình Sân khấu Vàng để quyên góp tiền, giúp đỡ các nghệ sỹ nghèo. Năm 2012, Lệ Thủy đã vinh dự nhận danh hiệu NSND cho những đóng góp của mình.

NSND Lệ Thuỷ, nàng “Tô Ánh Nguyệt” của sân khấu cải lương giờ ra sao? - Ảnh 3.

Lệ Thủy- Minh Vương

Một điều khá độc đáo là năm nay đã bước vào tuổi 70 nhưng giọng ca của NSND Lệ Thủy vẫn ngọt ngào, vang rền và không hề bị phai nhạt theo thời gian.

Nhiều nghệ sỹ đã phải giải nghệ nhưng với Lệ Thủy, bà vẫn miệt mài đi tới mọi vùng đất để cất tiếng hát cho mọi người.

Đã có lần Lệ Thủy bảo: "Tôi chỉ có giọng hát để trao tặng cho khán giả nên khi còn hát được, tôi sẽ hát. Đó là sự tri ân của tôi với khán giả đã yêu mến tôi, đặt niềm tin nơi tôi".

NSND Lệ Thuỷ, nàng “Tô Ánh Nguyệt” của sân khấu cải lương giờ ra sao? - Ảnh 4.

NSND Lệ Thủy và chồng.

Soạn giả Viễn Châu đã từng nói: "Lệ Thuỷ có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn phong tặng Giọng ca chuông ngân".

Trong khi đó, nghệ sĩ Diệp Lang cũng khẳng định Lệ Thủy là "Cô đào ngoại hạng" của sân khấu cải lương.

Vào tháng 12 tới đây khán giả sẽ lại được thưởng thức giọng ca của NSND Lệ Thủy trong liveshow Yêu đời - yêu người để kỷ niệm 35 năm vào nghề của nghệ sĩ Ngọc Huyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại