Novaland (NVL) đã giải phóng được bao nhiêu tiền bị phong tỏa tại ngân hàng trong năm 2023?

Ngọc Điệp |

Ông Bùi Thành Nhơn từng cho biết hồi tháng 2/2023 về việc Novaland còn 25.000 tỷ đồng bị phong toả tại các NHTM. Theo số liệu BCTC, số tiền này khoảng 5.500 tỷ đồng, đến cuối năm 2023 giải toả được gần 4.700 tỷ.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2/2023, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - mã CK: NVL) cho biết Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại.

Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, con số trên Báo cáo tài chính kiểm toán của Novaland cho biết, tại thời điểm 31/12/2023, doanh nghiệp này có 853 tỷ đồng bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay, giảm 4.684 tỷ đồng so với số cuối năm 2022. Số tiền này sẽ được giải phóng nếu được sử dụng đúng mục đích của các dự án do ngân hàng quản lý, do đó việc sử dụng được nguồn tiền này phụ thuộc vào phê duyệt của ngân hàng.

Tính đến ngày lập báo cáo tài chính, Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải phóng 419 tỷ đồng, và tin rằng sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán này, kiểm toán PwC không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng lưu ý về áp lực thanh khoản trong ngắn hạn. Cùng với việc vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến khả năng hoạt động liên tục của Novaland.

Giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh.

Theo Novaland, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng là một trong 9 giả định chính để có thể hoạt động liên tục.

photo-1712159888301

Về kết quả kinh doanh, Novaland ghi nhận gần 4.769 tỷ đồng doanh thu, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm 55,5% còn 4.102 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp gần 486 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với số liệu được công bố tại báo cáo tự lập.

Novaland cho biết, nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu là do đơn vị kiểm toán thực hiện trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của công ty đạt 241.486 tỷ đồng, giảm hơn 16.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Novaland vẫn đứng thứ hai trong số các công ty bất động sản trên sàn chứng khoán về giá trị tài sản, sau Vinhomes (mã chứng khoán: VHM).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại