Số ca COVID-19 tăng mạnh do biến thể phụ mới
Hình ảnh minh họa virus SARS-CoV-2 bên ngoài trung tâm khoa học khu vực, ở Oldham, Anh. Ảnh: Reuters
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi là EG.5 đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng ở một số quốc gia trên thế giới, gây ra mối lo ngại lớn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo cho biết trong tháng 7 vừa qua, số ca mắc COVID-19 mới trên toàn thế giới đã tăng tới 80%. Báo cáo được công bố vài ngày sau khi WHO xác định EG.5 - biến thể phụ của Omicron - là rất “đáng quan tâm”.
Theo ước tính của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ, tính đến cuối tuần trước, biến thể EG.5 chiếm khoảng 17% tổng số ca mắc COVID ở Mỹ, khiến nó trở thành chủng bệnh chiếm ưu thế nhất. Con số này tăng so với tỷ lệ khoảng 12% của các ca nhiễm biến thể EG.5 trong số tất cả các chủng theo thống kê vào ngày 22/7.
Theo đánh giá của WHO, biến thể EG.5 dường như dễ lây truyền hơn các biến thể đang lưu hành khác, có thể là do đột biến protein tăng đột biến của biến thể này. WHO cho biết biến thể này cho thấy khả năng trốn tránh miễn dịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây ra các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 và WHO xác định biến thể này có nguy cơ "thấp" đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng vẫn có nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn có thể gây ra sự gia tăng đột ngột về số ca mắc và tử vong.
Hội nghị hoà bình về xung đột Ukraine tại Saudia Arabia
Hội nghị hoà bình Ukraine có sự tham gia của các cố vấn an ninh quốc gia từ 40 nước trên thế giới. Ảnh: Reuters
Ngày 5 - 6/8, hội nghị hoà bình do Saudi Arabia chủ trì bàn về cuộc xung đột ở Ukraine đã diễn ra tại thành phố Jeddah.
Hội nghị kéo dài 2 ngày là một phần trong nỗ lực ngoại giao của Ukraine nhằm xây dựng sự ủng hộ từ các quốc gia Nam Bán cầu hiện vẫn đang do dự về việc đứng về phía nào trong cuộc xung đột. Hội nghị có sự góp mặt của các cố vấn an ninh quốc gia và quan chức cấp cao từ khoảng 40 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Nga không tham dự hội nghị này.
Nội dung của hội nghị tập trung vào các nguyên tắc chính dựa trên Công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất hồi năm 2022, trong đó bao gồm yêu cầu Nga rút quân vô điều kiện, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine theo đường biên giới xác định năm 1991.
Tuy nhiên, phía Nga đã gọi những đề xuất này là “phi thực tế” bác bỏ những điều khoản đó.
Dù được kỳ vọng sẽ mở đường để các nhà lãnh đạo ký kết các nguyên tắc chung để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, song hội nghị đã kết thúc sau cuộc thảo luận kín kéo dài mà không có tuyên bố cuối cùng nào được đưa ra.
Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn nhận định rằng cuộc thảo luận tại Saudi Arabia lần này là “tích cực” và hội nghị đã tập trung vào việc tìm kiếm một giải pháp công bằng để đạt được hòa bình giữa Ukraine và Nga. Công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Zelensky cũng đã được xem xét kỹ lưỡng và các cuộc đàm phán về một trật tự quốc tế công bằng đã diễn ra.
Giới quan sát cho rằng với sự tham dự của các cố vấn an ninh và chính trị từ các quốc gia phương Tây, châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh, hội nghị đã khẳng định nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác thông qua trao đổi quan điểm, phối hợp và thảo luận ở cấp quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine, đồng thời được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho một hội nghị hòa bình Ukraine vào mùa Thu tới.
Kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát
Khu chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi giá tiêu dùng của nước này sụt giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm.
Báo cáo công bố ngày 9/8 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chủ chốt của lạm phát, trong tháng 7/2023 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đi ngang trong tháng 6.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc cũng giảm 4,4% trong cùng giai đoạn, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Giá sản xuất giảm thường đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống.
Chuyên gia kinh tế Andrew Batson của công ty nghiên cứu thị trường Gavekal Dragonomics nhận định những bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản là nguồn gốc chính cho “cú sốc giảm phát” này. Đây vốn là lĩnh vực chiếm tới 25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, các vấn đề kinh tế sẽ càng trầm trọng.
Hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm. Doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm. Việc này sẽ ăn mòn doanh thu và lợi nhuận, buộc các công ty hạn chế đầu tư và tuyển dụng.
Tuy nhiên, Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng CPI giảm do mức nền năm ngoái cao. Họ khẳng định việc này chỉ là tạm thời và nhu cầu tiêu dùng vẫn có cải thiện trong tháng 7. So với tháng trước, CPI tháng 7 tăng 0,2%.
Mỹ cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp cấm một số hoạt động đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực công nghệ cao ở Trung Quốc.
Theo đó, sắc lệnh này cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số “giao dịch nhất định” trong 3 lĩnh vực: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, sắc lệnh nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời duy trì cam kết đầu tư mở lâu dài. Cơ quan này dự kiến miễn trừ một số “giao dịch nhất định, bao gồm những giao dịch tiềm năng trong các công cụ giao dịch công khai và chuyển nhượng nội bộ công ty từ công ty mẹ ở Mỹ sang các công ty con”.
Động thái này được cho là có thể gây căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định các lệnh cấm nhằm giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia “nguy hiểm nhất” và không chia tách hai nền kinh tế vốn phụ thuộc lẫn nhau của hai nước.
Về phần mình Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sắc lệnh này. Bộ cho rằng “điều này vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc trong nền kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng mà Mỹ luôn ủng hộ, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, phá hoại trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, phá vỡ an ninh chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.
Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường và nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng, không cản trở các hoạt động giao lưu - hợp tác kinh tế, không gây trở ngại cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.