Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO

Vũ Thanh |

Tuần qua nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: Chiến thắng vang dội của Công đảng trong cuộc bầu cử ở Anh, bầu cử Quốc hội Pháp và khả năng phe cực hữu nắm quyền, chia rẽ trong đảng Dân chủ sau màn tranh luận của Tổng thống Biden, hội nghị thượng đỉnh SCO đạt được một số kết quả quan trọng và triển vọng mới trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO- Ảnh 1.

Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer trong bài phát biểu sau khi kết quả bầu cử được công bố, tại London, ngày 5/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Chiến thắng vang dội của Công đảng trong cuộc bầu cử ở Anh

Theo kênh CNN ngày 6/7, cuộc tổng tuyển cử tại Anh đã chứng kiến ông Keir Starmer trở thủ tướng mới của nước này sau khi chấm dứt 14 năm cầm quyền của Đảng Bảo thủ bằng cách dẫn dắt Công đảng trung tả của mình giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hôm 4/7. Theo kết quả kiểm phiếu, Công đảng do ông Starmer lãnh đạo đã giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội 650 ghế. Ngược lại, đảng Bảo thủ thua đậm, với 119 ghế trong khóa sắp tới.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử phản ánh mong muốn thay đổi của cử tri Anh sau hơn 10 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ với 5 đời thủ tướng khi nước này trải qua thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", tác động tiêu cực của việc Anh rời EU (Brexit), đại dịch COVID-19, cú sốc giá năng lượng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Lãnh đạo Công đảng, ông Starmer tuyên bố sẽ đem lại sự thay đổi cho nước Anh khi đảm nhiệm cương vị thủ tướng. Nhưng có những vấn đề cấp bách cần ông quan tâm. Và khi niềm vui chiến thắng lắng xuống sau cuộc bầu cử, một xu hướng đáng chú ý đã rõ ràng: Đây là chiến thắng vang dội nhưng mong manh của Công đảng.

Chiến thắng của Công đảng đã gây chấn động, gần như chưa từng có. Trước đây, Công đảng chỉ giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử dưới thời ông Tony Blair. Phát biểu trước toàn quốc trước khi bước vào số 10 phố Downing vào chiều 5/7, ông Starmer cam kết quay trở lại với chính trị phục vụ công chúng, thề sẽ chữa lành "sự mệt mỏi trong lòng đất nước" bằng "hành động chứ không phải lời nói". Nhưng chiến thắng của Công đảng cũng rất mong manh: Sự phân chia phiếu bầu cho thấy rõ ràng rằng cuộc bầu cử này liên quan nhiều đến sự tức giận của công chúng đối với đảng Bảo thủ, nếu không muốn nói là chủ yếu, so với sự phấn khích trước lời kêu gọi của Công đảng.

Ngoài ra, đảng của ông Starmer chỉ tăng tỷ lệ phiếu bầu của mình thêm vài phần trăm so với kết quả ảm đạm năm 2019, mặc dù đảng này có thể giành được số ghế gần gấp đôi trong Quốc hội. Ông Starmer giành được tỷ lệ phiếu bầu thấp hơn so với người tiền nhiệm Jeremy Corbyn vào năm 2017, một cuộc bầu cử mà Công đảng cũng đã thua. Đảng này đã được hỗ trợ một phần nhờ vào thành tích mạnh mẽ của đảng Cải cách, những người đã giành được phiếu bầu từ đảng Bảo thủ.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy khả năng mong manh trong chiến thắng áp đảo của Công đảng, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Ước tính tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này là 60% - giảm so với mức 67,3% trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019. Những số liệu thống kê đó nêu bật những thách thức mà tân Thủ tướng Starmer phải đối mặt. Ông sẽ lãnh đạo với đa số phiếu áp đảo trong Quốc hội, nhưng sẽ bị phản đối bởi đảng Bảo thủ, thậm chí cả đảng Cải cách, đảng đã thách thức các ứng cử viên của Công đảng ở một số ghế trên khắp cả nước.

“Chiến thắng trong bầu cử không phải từ trên trời rơi xuống. Chúng là những chiến thắng khó khăn và phải đấu tranh vất vả để giành được”, ông Starmer thừa nhận trong bài phát biểu ngày 5/7. Ông Starmer đã hứa về “một thập kỷ đổi mới quốc gia”, lời cam kết đề cập đến những vấn đề sâu xa trong các dịch vụ công của Anh nhưng cũng là kế hoạch dài hạn mà ông xác định của chính phủ. Việc ông có hoàn thành mục tiêu đó hay không có thể phụ thuộc rất nhiều vào ấn tượng ban đầu mà ông để lại cho công chúng với tư cách là thủ tướng.

Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO- Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời điểm bầu cử Quốc hội ở Le Touquet ngày 30/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Bầu cử Quốc hội Pháp và khả năng phe cực hữu nắm quyền

Một tuần sau vòng bầu cử đầu tiên, cử tri Pháp ngày 7/7 sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội mang tính quyết định để chọn ai sẽ lãnh đạo chính phủ Pháp. Nếu như ở vòng đầu, phe cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) dẫn đầu với hơn 33% phiếu bầu, thì vòng hai của cuộc bầu cử được dự báo có nhiều thay đổi. Các đối thủ của RN, như liên minh cầm quyền Phục hưng (Renaissance) hay liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đã quyết định rút hàng loạt các ứng viên của mình không có nhiều hy vọng thắng ở những đơn vị bầu cử đấu tay ba, để dồn phiếu tạo điều kiện cho ứng viên còn lại đánh bại ứng viên của đảng RN. Kết quả là các cuộc đấu tay 3 tại vòng 2 từ 306 rút xuống còn 89. Thực tế này đang đặt phe cực hữu, hy vọng giành đa số quá bán tại Quốc hội, vào tình thế khó khăn.

Nhưng theo cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu mới nhất do Ifop-Fudicial thực hiện cho tờ Le Figaro, RN có thể giành được từ 210 đến 240 ghế, phe cánh hữu có thể được từ 170 đến 200 ghế và khối liên minh cầm quyền Phục hưng của Tổng thống Macron chỉ giành được từ 95 đến 125 ghế. Trước bối cảnh đó, Tổng thống Macron và Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã kêu gọi cử tri thành lập một mặt trận thống nhất để ngăn chặn phe cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội, đồng thời cảnh báo việc đảng cực hữu của bà Marine Le Pen có khả năng giành được đa số tuyệt đối.

Về mặt lý thuyết, để đạt được đa số tuyệt đối, đảng RN cần có ít nhất 289/577 ghế trong Quốc hội để có thể tự thành lập chính phủ. Theo bà Le Pen, RN sẽ nỗ lực giành hơn 270 ghế trong vòng bầu cử này, đồng thời phản đối những động thái thành lập liên minh chống lại RN.

Giới phân tích nhận định với việc dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, RN có triển vọng thành lập được chính phủ, và ông Jordan Bardella - gương mặt đại diện cho bà Le Pen, sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng trong cuộc “chung sống chính trị” đầy căng thẳng với tổng thống theo trường phái trung dung Macron.

Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO- Ảnh 3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại hội nghị thượng đỉnh SCO. Ảnh: TASS

Bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 24

Ngày 4/7, hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 24 tại Astana, Kazakhstan, đã kết thúc sau những tuyên bố mang tính bước ngoặt và kết nạp thêm thành viên mới, theo hãng thông tấn TASS. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng ca ngợi tại hội nghị về “những thay đổi mang tính kiến tạo trong chính trị toàn cầu” với một thế giới “đa cực".

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo của SCO đã cam kết tăng cường vai trò của tổ chức này trong việc tạo ra một trật tự thế giới mới, công bằng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, độc lập, bình đẳng và toàn vẹn lãnh thổ, theo tuyên bố cuối cùng của sự kiện. Nhân dịp này, các bên cũng đã ký 24 thỏa thuận trên nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau trong SCO.

Tuyên bố Astana trên cũng tái khẳng định rằng cốt lõi của SCO là các quốc gia Trung Á. Trọng tâm chính của tuyên bố là vấn đề an ninh toàn cầu, khi những người tham gia hội nghị thượng đỉnh cam kết tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuyên bố cũng đề cập đến cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông giữa Israel và Hamas - các nước SCO kêu gọi chấm dứt sớm các hành động thù địch và cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận tự do vào vùng đất này.

Tại sự kiện, những người tham gia cũng đã hoàn tất thủ tục kết nạp Belarus vào tổ chức với việc Minsk trở thành thành viên thứ 10 của SCO.

Theo Oleg Barabanov, Giám đốc Chương trình của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai, tuyên bố SCO được thông qua mở ra một kỷ nguyên mới, vì các văn bản như thế này chưa từng được xây dựng trước đây. Mặc dù SCO chưa bao gồm toàn bộ khu vực Á-Âu, nhưng tổ chức này có tiềm năng lớn để mở rộng hơn nữa và thiết lập một hệ thống an ninh mới.

SCO được Trung Quốc, Nga và các nước Liên Xô cũ ở Trung Á thành lập năm 2001, xúc tiến nhiều cách tiếp cận chung để đối phó với những mối đe dọa an ninh từ bên trong và bên ngoài mà các nước thành viên phải đối mặt.

Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO- Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Washington ngày 14/5/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bất đồng trong đảng Dân chủ sau màn tranh luận của Tổng thống Biden

Theo tờ Wall Street Journal ngày 5/7, lập luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông là ứng cử viên tốt nhất để đánh bại đối thủ cạnh tranh Donald Trump đang sụp đổ, khi có bằng chứng cho thấy ông đã không hoàn thành được hai nhiệm vụ cơ bản trong chiến dịch tranh cử: củng cố sự ủng hộ từ đảng của mình và tạo ra sự tương phản có lợi trước đối thủ.

Thống nhất đảng là nhiệm vụ số 1 đối với bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào, nhưng ông Biden đang mất dần sự ủng hộ của đảng Dân chủ trong cuộc thăm dò mới nhất, được tiến hành sau cuộc tranh luận của ông với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước. Ông Biden hiện có số phiếu ủng hộ của 86% đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu thử nghiệm để đối đầu với Trump, cuộc thăm dò mới cho thấy, thấp hơn tỷ lệ 93% của ông vào tháng 2 năm nay và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 93% số người trong đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ ủng hộ ông Trump.

Đồng thời, cuộc thăm dò mới của Wall Street Journal còn cho thấy, cho đến nay ông Biden vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ mà hầu hết các nhà phân tích cho là rất quan trọng: Thuyết phục cử tri rằng cuộc bầu cử này không phải là cuộc trưng cầu dân ý về khả năng lãnh đạo của ông mà là sự lựa chọn xem ông Trump có phải là mối nguy hiểm đối với nền dân chủ và nền kinh tế Mỹ hay không.

Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều nghị sĩ trong đảng Dân chủ hối thúc ông Biden rời khỏi cuộc đua. Nghị sĩ bang Texas Lloyd Doggett, thành viên Dân chủ đầu tiên tại Quốc hội Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua năm 2024 vào đầu tuần này, nói với CNN hôm 5/7 rằng "nhu cầu (ông Biden) từ chức cấp bách hơn vào thời điểm này so với khi tôi lần đầu kêu gọi điều đó".

Các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Mike Quigley của bang Illinois và Seth Moulton của bang Massachusetts cũng kêu gọi ông Biden rút lui vào đầu ngày 5/7. Thống đốc Massachusetts Maura Healey hối thúc Tổng thống Biden "cẩn thận" đánh giá liệu ông có còn là hy vọng tốt nhất của đảng Dân chủ để đánh bại ông Trump hay không. Theo tờ Washington Post, Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner của bang Virginia đang nỗ lực tập hợp một nhóm các thượng nghị sĩ Dân chủ khác để yêu cầu ông Biden rút khỏi cuộc đua bầu cử.

Tuy nhiên, một số thành viên Dân chủ khác đã bảo vệ ông Biden trước những chỉ trích sau màn tranh luận. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Fetterman của bang Pennsylvania tin rằng Tổng thống Biden là "người phù hợp" trong cuộc đua này. Thượng nghị sĩ John Fetterman cũng cho rằng đảng Dân chủ cần phải “mạnh mẽ hơn” và ủng hộ ông Biden.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ chỉ từ chức nếu được "Chúa" chỉ thị. Trước đó, Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên rằng ông đã từng đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump trước đây và đã "làm được nhiều việc hơn bất kỳ tổng thống nào", vì vậy ông " hoàn toàn loại trừ" việc rút khỏi cuộc đua năm 2024.

Nóng trong tuần: Chiến thắng chấn động trong cuộc bầu cử ở Anh; bước ngoặt tại hội nghị thượng đỉnh SCO- Ảnh 5.

Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea, tới dự một sự kiện ở Tel Aviv, ngày 16/1/2023. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Triển vọng mới trong đàm phán ngừng bắn ở Gaza

Theo hãng tin AFP, Israel ngày 5/7 cho biết vẫn còn "khoảng cách" với Hamas về đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza và vấn đề thả con tin nhưng Israel sẽ cử một phái đoàn đến đàm phán với các nhà hòa giải Qatar vào tuần tới.

Người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra tuyên bố trên sau khi phái đoàn do Giám đốc Cơ quan tình báo Mossad của Israel David Barnea dẫn đầu, đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên với các nhà hòa giải ở Doha trước đó cùng ngày. Người phát ngôn này nêu rõ: “Tuần tới các nhà đàm phán của Israel sẽ tới Doha để tiếp tục các cuộc đàm phán. Vẫn còn những khoảng cách giữa các bên”.

Về phần mình, tờ The National News (UAE) ngày 4/7 dẫn các nguồn tin cho biết, Hamas đã giảm nhẹ các điều kiện để chấp nhận lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 9 tháng ở Dải Gaza, đồng thời gửi các đề xuất mới tới các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar.

Các nguồn tin cho hay, theo các đề xuất mới của Hamas, nhóm này từ bỏ yêu cầu đối với cam kết bằng văn bản của Israel về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn khi kết thúc giai đoạn 45 ngày ban đầu của kế hoạch gồm ba giai đoạn. Bên cạnh đó, Hamas sẽ chấp nhận các đảm bảo quốc tế rằng các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn hoặc "sự bình tĩnh lâu dài" sẽ bắt đầu vào đầu giai đoạn đầu tiên và kết thúc vào cuối giai đoạn này. Hamas cũng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận việc Israel rút dần khỏi Gaza, từ bỏ yêu cầu "việc rút quân phải được hoàn thành vào cuối giai đoạn đầu".

Cũng theo các nguồn tin trên, việc phóng thích các con tin của Hamas sẽ phụ thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và việc Israel rút khỏi Gaza. Trước đó ngày 3/7, Israel đã nhận được phản hồi của Hamas đối với các đề xuất sửa đổi được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lần đầu tiên vào ngày 31/5 về lệnh ngừng bắn ở Gaza và thả khoảng 120 con tin bị giam giữ ở dải đất ven Địa Trung Hải này.

Các nhà hòa giải từ Ai Cập, Mỹ và Qatar đã nỗ lực trong nhiều tháng nhưng không thành công trong việc làm trung gian một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Lệnh ngừng bắn duy nhất, cũng do các nhà hòa giải này làm trung gian, chỉ kéo dài một tuần và kết thúc vào ngày 1/12, sau khi Hamas thả khoảng 100 con tin Israel để đổi lấy các tù nhân Palestine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại