Với những lo ngại về khí hậu của con người càng gia tăng, hai thuật ngữ có liên quan đã trở nên phổ biến: 'nóng lên toàn cầu' và 'biến đổi khí hậu'. Chúng tưởng chừng như cùng nói về cùng một hiện tượng, nhưng thực chất có ý nghĩa khác nhau.
Khí hậu và thời tiết
Trước khi đi sâu vào vấn đề nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, cần làm rõ một số khái niệm: ‘khí hậu' và ‘thời tiết'. Thời tiết là tập hợp các trạng thái ngắn hạn của các yếu tố khí tượng ở một vị trí cụ thể trên thế giới. Độ ẩm, nhiệt độ, tốc độ gió, áp suất khí quyển và tầm nhìn là tất cả những yếu tố tạo ra thời tiết tại một vị trí trong một thời điểm cụ thể.
Nói một cách khác, thời tiết không kéo dài quá lâu. Nó xảy ra có thể là trong một vài ngày, giờ hay thậm chí là vài phút. Chúng biến đổi liên tục và rất khó lường trước, vì vậy chúng ta cần thiết phải cập nhật tình hình thời tiết liên tục và thường xuyên.
So với thời tiết, khí hậu là khái niệm mang tầm vĩ mô hơn. Về cơ bản, khí hậu phản ánh thời tiết trung bình lâu dài của một khu vực và xu hướng thay đổi dài hạn, chúng trái ngược với thời tiết về mặt thời gian, do thời tiết chỉ đề cập đến sự thay đổi trong hiện tại hoặc tương lai gần.
Thời gian trung bình chuẩn để xét thường là 10-30 năm, nhưng có thể khác tùy theo mục đích sử dụng. Bởi sự khác biệt lớn về quy mô, nên có thể nói khí hậu thay đổi chậm hơn nhiều so với thời tiết.
Thời gian thay đổi
Sau khi đã phân biệt rõ ràng khí hậu và thời tiết, tiếp theo, cần biết chính xác 'biến đổi khí hậu' nghĩa là gì. Với định nghĩa rộng nhất, biến đổi khí hậu bao gồm tất cả những biến động mang tính dài hạn của một hoặc một số yếu tố liên quan đến khí hậu – chẳng hạn như lượng mưa trung bình – trong cùng một vị trí đang xét.
Định nghĩa này áp dụng cho cả khí hậu khu vực và khí hậu toàn cầu. Giả sử, khu vực Bắc Âu đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của mưa bão và có xu hướng tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới. Đây là một ví dụ về biến đổi khí hậu khu vực, bất kể điều gì xảy ra ở nơi khác trên thế giới.
Mặt khác, ấm lên toàn cầu là một hiện tượng – tất nhiên – là mang yếu tố toàn cầu. Hơn nữa, thuật ngữ này đề cập đến sự gia tăng nhiệt độ bề mặt trung bình của một hành tinh. Và ở đây trên Trái Đất, thông số này đang có xu hướng tăng ngày một cao.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA) báo cáo rằng từ những năm 1880 đến 2016, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất đã tăng đến 0,95 độ C.
0,95 độ không phải là một con số nhỏ, nếu không muốn nói là quá lớn. Sự thay đổi nhiệt độ trên toàn hành tinh chỉ vài độ C có thể có sự phân nhánh rất rộng. 15 ngàn năm trước, trong kỷ băng hà, thế giới của chúng ta chỉ mát hơn hiện tại khoảng 5 độ C so với ngày nay. Tuy nhiên, lượng nhiệt đó đủ để giữ gần 1/3 bề mặt hành tinh ở trạng thái đóng băng.
Trở lại vấn đề chính, nóng lên toàn cầu là một dạng biến đổi khí hậu (yếu tố biến đổi nhiệt độ) – tuy nhiên biến đổi khí hậu không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Vấn đề lớn chưa từng có
Tưởng chừng không hợp lý, những dấu hiệu nóng lên gần đây do khí thải nhà kính của chúng ta có thể là nguyên nhân gây ra những gia tăng cả về lũ lụt và hạn hán. Trong khi một số khu vực nhất định trên Trái Đất đang ghi nhận lượng mưa tăng đột biến, thì ở một vài nơi khác đang ngày càng trở nên khô hạn.
Tiến sĩ Nathan Steiger, nhà khoa học khí quyển tại Đại học Columbia, chuyên nghiên cứu những tác động mà biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến nền văn minh của loài người, cho biết:
"Trong lịch sử, các xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiều loại sự kiện khí hậu gây xáo trộn xảy ra tương tự ngày nay: cực kỳ nóng và lạnh, hạn hán và lũ lụt. Thường thì những thay đổi khí hậu trong quá khứ chỉ xảy ra với con người bởi nguyên nhân thuộc về tự nhiên. Tuy nhiên đôi khi các biến đổi khí hậu sẽ biến chuyển tệ hơn bởi sự quản lý sai lầm của con người đối với môi trường của họ."
Ông ấy lấy dẫn chứng về tình trạng xói mòn đất do nông nghiệp:"Các khu vực đất đã mất đi độ dày, độ màu mỡ sẽ dễ có khả năng bị khô hơn trong thời gian hạn hán, khiến nạn hạn hán thậm chí còn tồi tệ hơn so với trước đây".
Năm 2019, Steiger là đồng tác giả của một cuộc nghiên cứu toàn diện trên tạp chí Nature. Bằng việc phân tích lõi băng, mẫu san hô, ghi chép lịch sử và các bằng chứng khác, nhóm của ông đã xem xét nhiều quá trình thay đổi khí hậu – lớn và nhỏ - xảy ra trong hơn hai thiên nhiên kỷ qua.
Trong khoảng thời gian đó, có một số thời kỳ khác thường, bao gồm cả "thời kỳ ấm Trung Cổ" kéo dài từ những năm 800 đến 1200 sau công nguyên. Hầu hết các sự kiện này đều chỉ giới hạn ở một số khu vực nhất định chứ không phải là hiện tượng toàn cầu như các nhà khoa học đã giả định trước đây.
Tuy nhiên Steiger và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, thời kỳ nóng nhất trong suốt 2000 năm qua, ảnh hưởng đến 98% Trái Đất, là vào cuối thế kỷ thứ 20, khi nhiệt độ toàn cầu bỗng nhiên tăng vọt.
Có thể nói, trải qua hơn 20 thế kỷ lịch sử loài người, các bậc tiền bối của chúng ta chưa bao giờ phải chịu đựng bất kỳ hiện tượng nào liên quan đến khí hậu gây ảnh hưởng toàn cầu – đáng báo động – như những biến đổi khí hậu thời hiện đại.