Vụ hàng trăm học sinh xét nghiệm sán lợn: Thêm 57 trẻ em ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn

Hoàng Đan |

Hôm nay, BV Bệnh nhiệt đới TƯ xác định 44 trường hợp có biểu hiện đã từng nhiễm sán lợn. Đến 18h Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng TƯ cho biết 13 trẻ dương tính với sán lợn.

Chiều 15/3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tổ chức họp báo công bố kết quả xét nghiệm sán lợn đối với hàng trăm trẻ em ở xã Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), thực hiện vào sáng cùng ngày.

Tại buổi họp báo, GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 3 bà mẹ tại Thuận Thành (Bắc Ninh) đến xét nghiệm và phát hiện con nhiễm sán lợn, phải điều trị, do lo lắng đã về đưa kết quả lên mạng xã hội.

Sau đó, do quá lo lắng, cho rằng có rất nhiều bệnh giun sán nên nhiều bậc phụ huynh ở Bắc Ninh đã kéo ồ ạt lên làm xét nghiệm.

"Trong sáng 15/3, đã tiếp nhận 230 cháu đến Bệnh viện tiến hành xét nghiệm sán lợn với độ tuổi từ 1 - 10. 

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện đã chạy xong 173 mẫu và qua kiểm nghiệm, xét nghiệm huyết thanh, bệnh viện xác định 44 trường hợp có biểu hiện đã từng nhiễm sán lợn (chiếm 25%)", bác sỹ Kính thông tin.

Vụ hàng trăm học sinh xét nghiệm sán lợn: Thêm 57 trẻ em ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo.

Theo bác sỹ Kính, hiện bệnh viện đang tiếp tục kiểm tra lại đối với các ca dương tính sán lợn, bởi phản ứng chéo rất phổ biến.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, danh sách các cháu bị nhiễm sán lợn bệnh viện đã có và sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình để điều trị cho các cháu. 

Ông nói, việc điều trị có thể ngoại trú và với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết.

Về nguồn lây bệnh, theo bác sỹ Kính giải thích, ký sinh trùng sán lợn có nằm trong đất, trong nước, thực phẩm nếu thực phẩm không được nấu chín.

Trả lời câu hỏi về việc các trẻ bị nhiễm sán lợn có liên quan đến việc ăn thịt lợn bị nghi "bẩn" ở Bắc Ninh mà báo chí đã phản ánh không, bác sỹ Kính cho rằng, nguyên nhân cụ thể sẽ phải do các đơn vị chức năng xuống địa phương kiểm tra cụ thể. 

Tuy nhiên, với thực phẩm nhiễm ký sinh trùng nếu không được nấu chín có thể khiến người ăn nhiễm sán lợn.

Lãnh đạo Bệnh viện cho hay, trước mắt các phụ huynh hoàn toàn bình tĩnh và đây không phải vấn đề cấp tính hay ảnh hưởng đến tính mạng. Nếu nghi các con bị nhiễm giun sán có thể đến bệnh viện tiến hành xét nghiệm và điều trị.

"Chúng tôi sẽ thông báo cho Cục Y tế dự phòng và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống địa phương điều tra về dịch tễ học còn chúng tôi sẽ tìm căn nguyên, điều trị dứt điểm", bác sỹ Kính nêu rõ.

Đến 18h, Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho biết, có 13/135 trẻ ở Bắc Ninh đến xét nghiệm trong sáng nay dương tính với sán lợn. Như vậy, tính chung cả hai cơ sở gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương trong ngày hôm nay đã 57 trường hợp dương tính với sán lợn.

Trước đó, vào ngày 12/3, đã có 5 ca dương tính với sán lợn (3 ca phát hiện tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và 2 ca tại Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng Trung ương). Tính tổng từ ngày 12/3 đến nay đã có 62 ca dương tính với sán lợn.

Trước đó, GS. TS Nguyễn Văn Kính thông tin, ký sinh trùng có chu kỳ phát triển gồm 2 giai đoạn. Cụ thể, một giai đoạn sống trong người và giai đoạn ra ngoài môi trường (đất, nước).

Khi ở trong nước, các sinh vật như cá, tôm có thể ăn phải ký sinh trùng hoặc ký sinh trùng dính vào rau thủy sinh. Giai đoạn này được gọi là ấu trùng.

Nếu người ăn sống các loại thực phẩm nhiễm ký sinh trùng thì chúng chui vào ruột, phát triển thành sán trưởng thành.

Hậu quả giun sán sẽ hút chất dinh dưỡng, bởi chúng thường nằm ở ống tiêu hoá là nơi thu nhận thức ăn, tiêu hóa của con người…

Đối với những người mắc bệnh giun sán, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho hay, sẽ dẫn đến hậu quả bị rối loạn tiêu hóa, thi thoảng bị tiêu chảy một vài ngày, chậm phát triển thể lực.

Ngoài ra, các ấu trùng đi lạc chỗ sẽ chui lung tung, khắp nơi. Khi ăn thực phẩm không được rửa sạch vào cổ họng, một số con ấu trùng sẽ không vào ống tiêu hóa mà có thể chui vào khí quản, chui vào phổi hoặc trong quá trình di chuyển đường bạch huyết lên phổi gọi là hội chứng giống di ứng.

Khi đó, bệnh nhân sẽ ho, đau tức ngực, xét nghiệm hồng cầu tăng, chụp lên có vẻ viêm phổi không điển hình. Thậm chí, một số ấu trùng chui lạc chỗ có thể nổi lên dưới da gọi là ấu trùng sán lợn và nếu các con này chui được lên não thành ấu trùng trên não, làm bệnh nhân bị động kinh.

Đọc tin tức mới và tin nóng nhất tại Soha. Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Trí Thức Trẻ
    Công ty Cổ phần VCCorp

    © Copyright 2010 - 2023 – Công ty Cổ phần VCCorp

    Tầng 17,19,20,21 Toà nhà Center Building - Hapulico Complex,
    Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
    Email: btv@soha.vn
    Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 2411/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 31 tháng 07 năm 2015.
    Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Thế Tân
    Điện thoại: 024 7309 5555

    Liên hệ quảng cáo:
    Hotline: 0794.46.33.33 - 0961.98.43.88
    Email: giaitrixahoi@admicro.vn
    Hỗ trợ & CSKH:
    Tầng 20, tòa nhà Center Building, Hapulico Complex,
    số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
    Tel: (84 24) 7307 7979
    Fax: (84 24) 7307 7980
    Chính sách bảo mật

    Chat với tư vấn viên