Theo FED, động thái này là cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế kéo dài kỷ lục của nước Mỹ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng để ngỏ một lần cắt giảm lãi suất khác từ nay tới cuối năm.
Quyết định giảm lãi suất được FED đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày. Chỉ 2 trong số các quan chức hàng đầu của FED không đồng ý với kế hoạch này.
Việc FED cắt giảm 25 điểm cơ bản của lãi suất là điều đã được hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán. Dẫu vậy, con số này có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump thất vọng bởi ông muốn cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
"Trước những tác động của triển vọng kinh tế toàn cầu cũng như áp lực lạm phát, ủy ban đã quyết định hạ lãi suất", Ủy ban Thị trường mở Liên bang, dẫn đầu bởi Chủ tịch FED Jerome Powell, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Washington. Bản thông báo cũng lưu ý sự không chắc chắn của triển vọng kinh tế vẫn đang tồn tại.
Cùng với đó, FED cũng ngừng thu hẹp bảng cân đối kế toán vào ngày 1/8, kết thúc một quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài nhiều năm. Nó sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch được đưa ra trước đó.
Các nhà hoạch định chính sách để ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa, sớm nhất là vào cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, tất cả các lựa chọn đều "nằm sẵn trên bàn" chứ không chỉ có phương án cắt giảm lãi suất.
Hai người bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm lãi suất là Chủ tịch FED thành phố Kansas Esther George và Eric Rosengren của Boston. Họ ủng hộ việc giữ nguyên mức lãi suất hiện tại với lập luận kinh tế Mỹ đang rất tốt và cần phải chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tiềm năng có thể diễn ra trong tương lai.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi ông Powell trở thành chủ tịch FED tháng 2/2018 mà có 2 nhà hoạch định chính sách không đồng ý với những người còn lại.
Các nhà đầu tư đã đặt cược vào khả năng FED cắt giảm lãi suất trong năm nay và có thể giảm thêm một lần nữa vào tháng 1/2020. Điều này đã giúp chứng khoán Mỹ xác lập kỷ lục mới trong tuần trước trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc 2 năm đã giảm tới 2% kể từ tháng 5.
Quyết định hạ lãi suất được FED đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh. Tuy nhiên, sự bất ổn định trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung cùng sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu khiến FED mạnh tay nhằm duy trì đà tăng trưởng kỷ lục của kinh tế Mỹ.
Chiến tranh thương mại cũng được cho là nguyên nhân khiến sản xuất chậm lại và đầu tư kinh doanh sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Chủ tịch Fed Powell cũng nhiều lần khẳng định mục tiêu bao trùm của cơ quan này là cải thiện tốc độ tăng trưởng. Việc cắt giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi được cho là động thái đi trước nhằm chống lại bất cứ cú sụt giảm tiềm năng nào trong tương lai.
Dù FED đã giảm lãi suất nhưng chắc chắn Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không hài lòng. Ông chủ Nhà Trắng coi kinh tế là trung tâm của chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
Thậm chí, ông Trump còn phá vỡ quy tắc và đe dọa tới sự độc lập của FED thông qua việc gây áp lực để cơ quan này nới lỏng chiến sách tiền tệ. Thậm chí, ông Trump còn công khai nói tới quyền sa thải Chủ tịch FED.
Trong khi ông Trump và các nhà đầu tư muốn FED giảm lãi suất nhiều hơn, pham vi của cắt giảm lãi suất rõ ràng có giới hạn. Thị trường chứng khoán liên tiếp xác lập đỉnh mới, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỷ và người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiền là những rào chắn ngăn FED hạ lãi suất mạnh.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008, FED tiến hành giảm lãi suất. Thời điểm đó, lãi suất được đưa về 0 nhằm chống lại những tác động của suy thoái kinh tế và giúp đất nước vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tháng 12/2015, FED lần đầu tiên tăng lãi suất trở lại và tiến hành thêm 8 lần tăng lãi suất khác cũng như để ngỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đã hoãn lại khi thị trường tài chính tỏ ra lo ngại chính sách tiền tệ của FED quá chặt chẽ.
Việc FED cắt giảm lãi suất có thể tạo ra một làn sóng tương tự trên quy mô toàn cầu. Các Ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Nam Phi và Australia là một trong những nơi giảm lãi suất trong năm 2019. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng cho biết họ sẽ có động thái tương tự vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, điều này lại làm các nhà hoạch định chính sách cảm thấy lo lắng. Việc giảm lãi suất sẽ khiến họ có ít "đạn dược" hơn để chống lại các cuộc suy thoái nghiêm trong. Nó cũng đồng nghĩa với việc các chính phủ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều khi nền kinh tế của họ gặp khó khăn.