Nông dân Trung Quốc nếm trái đắng vì nhân giống heo 'siêu to khổng lồ'

Khả Nhân |

Để giải bài bài toán thiếu nguồn cung thịt heo, từ cuối năm ngoái nông dân Trung Quốc bắt đầu nhân giống heo "siêu to khổng lồ". Nông dân chưa được hưởng trái ngọt thì giống heo mới đã khiến giá thịt heo ở đất nước tỷ dân liên tục lao dốc.

Nuôi heo to như gấu Bắc Cực

Từ cuối năm ngoái, nông dân Trung Quốc đã bắt tay vào lai tạo giống heo "siêu to khổng lồ" để tăng gấp đôi trọng lượng của heo với hy vọng tạo ra lợi nhuận cao hơn nếu giá thịt heo phục hồi. Giống heo mới thường có kích thước gần bằng một con hà mã lùn hoặc gấu Bắc Cực cái.

Anh Cao Tao, một thương nhân buôn heo ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), cho biết anh đang mua được nhiều con heo nặng trên 200 kg, trong khi trọng lượng bình thường của chúng chỉ dao động quanh 125 kg.

Cuối năm 2019, Bloomberg từng đưa tin một trại heo ở thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) thậm chí còn lai tạo được giống heo nặng 500 kg. Thời điểm đó, nếu đem đi giết mổ, những con heo này có thể bán với giá tới 10.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 36 triệu đồng).

Chia sẻ với Bloomberg, anh Cao Tao nói: "Một số nông dân đang cố gắng nuôi heo lớn hơn, họ hy vọng giá thịt heo tại Trung Quốc sẽ sớm khởi sắc trở lại".

Nông dân Trung Quốc nếm trái đắng vì nhân giống heo siêu to khổng lồ - Ảnh 1.

Nông dân Trung Quốc cưỡi trên một con heo "siêu to khổng lồ". Giống heo này nặng 200 - 500 kg, tương đương một con hà mã lùn hoặc gấu Bắc Cực cái. (Ảnh: China Daily).

Trái với mong mỏi của người nông dân, giá thịt heo bán buôn tại đất nước tỷ dân lại giảm hơn 40% kể từ giữa tháng 1 năm nay vì do nhu cầu đình trệ, nhập khẩu thịt heo ngoại tăng cao và nông dân hoảng loạn bán tháo đàn heo sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tái bùng phát .

Đầu tuần này, Muyuan Foods - công ty chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc, dự đoán giá thịt heo trong nước sẽ tiếp tục giảm và dự kiến chạm đáy vào năm 2022 hoặc thậm chí là vào năm 2023.

Ông Lin Guofa, chuyên gia phân tích cấp cao tại công ty tư vấn Bric Agriculture Group, cho biết nhiều nông dân cố gắng tăng trọng cho heo vì tin tưởng giá thịt heo sẽ phục hồi. Song, giá thịt heo quay đầu giảm mạnh kể từ tháng 2 năm nay và gây ra tình trạng bán tháo đàn heo, có lẽ chính điều này đang kìm hãm triển vọng phục hồi của giá heo tại Trung Quốc, ông Lin nói tiếp.

Tuy nhiên, vị chuyên gia họ Lin cho biết các trang trại ở khu vực phía nam và tây nam Trung Quốc vẫn đang giữ một lượng lớn heo "to cỡ con bò". Họ có thể bán ra số heo này khi thời tiết ấm hơn, nhờ đó giá thịt heo có thể nhích lên một chút.

Sản lượng và giá thịt heo khả năng phục hồi vào quý III/2021

Đàn heo của Trung Quốc bị dịch ASF tàn phá nghiêm trọng vào năm 2018 và dù sản lượng heo đã dần phục hồi, trong các tháng gần đây Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu thêm thịt heo từ nước ngoài vì dịch đột ngột bùng phát vào đầu năm.

Tháng 4 năm nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc dự đoán đàn heo của đất nước tỷ dân có thể quay trở lại mức trước dịch ASF trong tháng 6 hoặc tháng 7, mặc dù số lượng heo có sẵn để giết thịt có thể mất thêm 4 tháng nữa mới phục hồi.

Tại một hội nghị hồi tuần trước, ông Qiu Huaji - người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm ở heo tại Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân, khẳng định giống heo "siêu khổng lồ" là một nguyên nhân khiến giá thịt heo giảm mạnh.

Cũng theo nhà phân tích Qiu, giá thịt heo dự kiến sẽ phục hồi trong quý III năm nay, khi dịch ASF làm giảm gần một nửa đàn heo ở một số khu vực.

Bà Qian Xiaoyun, một nông dân ở thành phố Thiên Tân (Trung Quốc), cho biết gia đình bà sẽ không nuôi thêm heo "siêu to khổng lồ" sau khi giá heo giảm. Trước đó, bà Qian đã bán hết những con heo nặng hơn 150 kg. "Giá thịt heo giảm và giá ngô quá cao khiến chúng tôi không dư được là bao, vì giống heo khổng lồ này ăn rất nhiều", bà Qian chia sẻ.

Ngoài ra, tác động của giống heo khổng lồ cũng đang trở nên phức tạp hơn bởi chính sách phân vùng đàn heo của Bắc Kinh. Cuối tháng 4, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo từ tháng 5 năm nay, chính phủ sẽ phân chia cả nước thành 5 khu vực và người dân không được vận chuyển heo hơi giữa các lằn ranh mà Bắc Kinh đã vạch ra.

Nông dân Trung Quốc nếm trái đắng vì nhân giống heo siêu to khổng lồ - Ảnh 2.

Theo Bloomberg, vùng đông bắc Trung Quốc là khu vực chăn nuôi heo hàng đầu do có nguồn cung ngô dồi dào và đất đai rộng lớn. Ngoài ra, khu khu vực tây bắc của khu tự trị Tân Cương cũng được xác định là có thể tăng cường sản lượng thịt heo cho đất nước tỷ dân.

Ông Wang Zhong, cố vấn trưởng của công ty tư vấn Systematic, Strategic & Soft Consulting, cho rằng các biện pháp phân vùng mới của Bắc Kinh sẽ giúp kiềm chế giá heo ở khu vực phía bắc và tăng giá thịt heo ở khu vực phía nam trong ngắn hạn.

Nhờ đó, các công ty chăn nuôi heo lớn như Muyuan Foodstuff, New Hope Liuhe và Wens Foodstuff Group sẽ có thêm động lực để xây dựng trang trại ở vùng phía nam cũng như mở thêm cơ sở giết mổ ở khu vực phía đông bắc và tây bắc, ông Wang nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại