Thu tiền tỷ từ trồng dưa lưới
Hiện nay, trên thị trường, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng quan tâm chú trọng. Việc triển khai, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao đang được người nông dân trên địa bàn huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) quan tâm hưởng ứng.
Trong đó, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được nhiều nông dân ấp Trảng Táo (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) quan tâm. Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định, năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao.
Anh Nguyễn Tiến Hùng (ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành) chia sẻ với Người Đưa Tin, đầu năm 2024, qua tìm hiểu, anh bắt đầu và áp dụng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích 1200m2. Nước và phân bón được tưới qua hệ thống nhỏ giọt nên vườn dưa lưới của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt.
Chỉ sau 70 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trọng lượng từ 1,2 - 2 ký mỗi trái, với giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Vụ dưa lưới đầu tiên đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập trên 80 triệu đồng/vụ (sau khi trừ chi phí đầu tư).
Đến nay, anh Hùng đã đầu tư mở rộng diện tích trồng dưa lưới lên 3500m2. Anh Hùng trồng 4 vụ/năm và hiệu quả đến thời điểm này đạt trên 300 triệu đồng/sào/năm. Mô hình trồng dưa lưới kỹ thuật cao này đã đem đến cho người dân trong ấp Trảng Táo nguồn thu nhập khá ổn định.
Mô hình nông sản sạch
Chia sẻ về chọn lựa trồng dưa trong nhà màng, anh Hùng cho biết, khi trồng trong nhà màng sẽ hạn chế được sâu bệnh gây hại.
Nếu canh tác theo kiểu truyền thống thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi.
Tuy nhiên, khi canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì chủ động được thời tiết, không quá lệ thuộc vào tự nhiên. Do đó, đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ như lối canh tác truyền thống.
Theo nông dân trồng dưa lưới tại ấp Trảng Táo, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, áp dụng hệ thống nhà màng, mặc dù chi phí ban đầu cao nhưng tính bền vững của hệ thống nhà màng rất tốt.
Bên cạnh đó, dưa lưới trong nhà màng không phụ thuộc vào thời tiết, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có thể canh tác 3 đến 4 vụ mỗi năm.
Từ những kết quả tích cực mà mô hình đạt được, đến nay, nông dân trên địa bàn xã Xuân Thành đã triển khai, nhân rộng diện tích trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao lên 27ha.
Trao đổi với PV, anh Đỗ Tiến Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thành cho biết, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân huyện Xuân Lộc và các phòng ban chuyên môn của huyện thường xuyên tổ chức tập huấn cho bà con nông dân về khoa học kỹ thuật, phòng trừ bệnh trên cây dưa lưới.
"Năm 2023, chúng tôi đã thành lập được Tổ hợp canh tác cây dưa lưới ấp Trảng Táo, xã Xuân Thành. Hiện tại, chúng tôi đang xúc tiến hướng dẫn để thành lập Hợp tác xã để bà con nông dân sản xuất dưa lưới ngày càng khoa học, bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng để cạnh tranh trên thị trường", anh Phương nói.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch. Đồng thời, gắn với nhu cầu thị trường, mở ra hướng đi tích cực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (vựa thu mua dưa lưới trên địa bàn huyện Xuân Lộc) cho biết, dưa lưới là loại trái cây thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng nên được người tiêu dùng hay sử dụng. Thị trường tiêu thụ lớn nên gần như cháy hàng. Dưa quả lớn được vựa phân phối tại các chợ đầu mối tại các tỉnh: Đồng Nai, Tp.HCM, Bình Dương... Ngoài ra, nhiều hộ dân ở Đồng Nai còn ký bao tiêu với các công ty Nhật Bản để xuất khẩu dưa lưới.