Sâm nam núi Dành là loại sâm có dược tính cao, giá trị kinh tế lớn, từng được ghi trong sách “Đại nam nhất thống chí". Năm 2018, ông Vũ Trung Kiên (Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang) cùng cộng sự đã nghiên cứu, tìm ra phương pháp nhân giống và chuyển giao cho nhân dân trồng rộng rãi từ năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có khoảng 100 ha sâm nam núi Dành.
Hàng năm, sâm nam núi Dành ra hoa, tạo hạt vào khoảng cuối tháng 8 đến tháng 10. Hoa sâm tươi được sấy khô làm trà. Ngoài ra, hoa sâm có thể ăn sống, nấu chín thành những món ăn rất bổ dưỡng.
Mỗi ha sâm 2 tuổi trở lên sẽ cho 3-4 tấn hoa tươi với giá bán 50 triệu đồng/tấn, thu nhập 150-200 triệu đồng/năm. Hoa sấy khô làm trà có giá khoảng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg.
Củ sâm lớn rất chậm. Thông thường, cây sâm trồng khoảng 4 đến 5 năm sẽ cho thu hoạch. Củ Sâm nam núi Dành tươi có giá khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg.
Theo kết quả đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” năm 2018 của tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc - trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thuộc viện Di truyền Nông nghiệp thì hàm lượng saponin trong sâm nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh. Các dược liệu quý trong sâm núi Dành được người dân dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp; chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein của tế bào mới, gia tăng sự phục hồi các chức năng trong cơ thể. Sách đỏ Việt Nam hiện xếp hạng sâm nam núi Dành ở mức độ nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển.
Được sự tư vấn của trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Nghĩa (Yên Thế, Bắc Giang) đã quyết định bỏ vườn cây ăn quả, lấy đất trồng sâm nam núi Dành. Sau 2 năm, ông Nghĩa thu hoạch lứa đầu được khoảng 3,5 tạ hoa sâm tươi, lãi 160 triệu đồng từ diện tích 1 ha. Thấy được hiệu quả kinh tế, ông Nghĩa tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm thêm 1 ha nữa.
Ông Đỗ Duy Đông (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sâm Việt Nam) bày tỏ: Các chủ hộ, trang trại phải trồng quy mô lớn mới thấy rõ hiệu quả kinh tế của sâm nam núi Dành. Điều này cần sự hỗ trợ đầu tư của các cấp, sự liên kết của các doanh nghiệp, nhà máy trong việc thu mua tiêu thụ sản phẩm. Khâu quảng bá cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa để lan tỏa giá trị của thương hiệu sâm Bắc Giang. Dự kiến, công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên 100-120 ha.
Về đặc tính sinh học, sâm nam núi Dành là cây leo như khoai lang. Vì sâm nhân giống bằng hạt rất khó nên thường được trồng bằng dây sâm đã có rễ. Trong ảnh là cây con được nuôi cấy tại Trung tâm giống cây trồng Bắc Giang.
Cây sâm nam núi Dành bò trên dàn lưới, được bón bằng phân hữu cơ. Vườn sâm trang bị hệ thống tưới nước tự động. Núi Dành, xưa là núi Chung Sơn, thuộc xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Khu vực này có nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,9 - 26,5 độ C, lượng mưa trung bình năm từ 1.400 - 1.700 mm. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tạo điều kiện cho cây sâm sinh trưởng. Sâm nam núi Dành còn được gọi là sâm tiến vua.