“Nóng” cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm giữa Nga và Mỹ

Thu Hoài |

Các tuyên bố mới nhất của Mỹ và Nga về những bước tiến vượt bậc trong phát triển vũ khí siêu vượt âm đã hâm nóng cuộc đua giữa các cường quốc nhằm làm chủ công nghệ vũ khí tiên tiến này.

Với tốc độ bay nhanh gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh và thậm chí còn hơn thế, tên lửa siêu vượt âm có thể dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường và là loại vũ khí mà bất kỳ quốc gia nào có nền quân sự phát triển cũng đều muốn sở hữu.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa về một loại vũ khí siêu vượt âm. Ảnh: Navalpost.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua (21/12) một lần nữa khẳng định những ưu thế vượt trội của tên lửa siêu vượt âm Oreshnik. Theo ông đây là thế hệ tên lửa tiên tiến hơn so với tất cả các loại vũ khí hiện có dù không phải là vũ khí hạt nhân.

Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik được Nga lần đầu sử dụng cuộc xung đột với Ukraine hôm 21/11. Động thái nhằm đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Trước đó, tại cuộc họp báo tổng kết năm 2024 cũng diễn ra trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Oreshnik có thể di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh và bất kỳ hệ thống phòng không tiên tiến nào của phương Tây cũng không thể đánh chặn: “Nếu các chuyên gia phương Tây tin rằng Oreshnik có thể bị bắn hạ, họ có thể đề xuất với các nhà lãnh đạo ở phương Tây và Mỹ tiến hành một cuộc thử nghiệm công nghệ…Chúng ta đã sẵn sàng cho một cuộc thử nghiệm như vậy và không biết phía họ đã sẵn sàng chưa?”.

Trước đó chỉ vài ngày, quân đội Mỹ tuyên bố đã phóng thử thành công nguyên mẫu của tên lửa siêu vượt âm tầm trung mới với tên gọi Dark Eagle. Hệ thống vũ khí tấn công mới này có tốc độ bay tối đa gấp 17 lần tốc độ âm thanh. Sự phát triển này nằm trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm từ các nhiệm vụ chống nổi loạn ở Trung Đông sang việc đối phó với các thách thức từ Nga và Trung Quốc. Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth và Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khả năng hỏa lực chính xác tầm xa.

Như vậy, kể từ khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) vào tháng 8/2019, Mỹ đã có bước tiến quan trọng trong việc khởi động phát triển các loại tên lửa tầm xa để chuyển sang châu Âu trong vài năm tới.

Đánh giá về cuộc đua công nghệ mới này giữa Nga và phương Tây, chuyên gia Alexander Graef tại Viện nghiên cứu hoà bình và chính sách an ninh ở Hamburg, Đức cho rằng: “Chúng ta đang ở trong một tình huống rất khó khăn. Những điều đã xảy ra là không thể tưởng tượng được cách đây hai năm hoặc ba năm ở châu Âu. Vì vậy, chắc chắn có lý do để lo lắng.. Nhưng vấn đề thực tế là cả hai bên, Nga và phương Tây, chỉ đơn giản là có những lợi ích mâu thuẫn rất khác nhau. Và vì vậy, chúng ta phải đi trên một ranh giới mỏng manh giữa một mặt đảm bảo Ukraine được hỗ trợ và mặt khác, không mạo hiểm một cuộc chiến có khả năng thảm khốc giữa NATO và Nga”.

Với tốc độ bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, không đi theo quỹ đạo hình cung và không cần phải lập trình trước đích đến, vũ khí siêu vượt âm được cho là có thể dễ dàng qua mặt các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường. Tầm bắn cũng là một ưu thế lớn khác của tên lửa siêu thanh khi có thể lên tới 2.000km. Đây cũng là lý do mà các cường quốc không ngần ngại dành những khoản ngân sách khổng lồ đề sở hữu công nghệ vũ khí tiên tiến này.

Theo chuyên gia kiểm soát vũ khí Cameron Tracy tại Đại học Stanford, công nghệ siêu âm và siêu thanh là một công nghệ mang tính tiến hóa của nhân loại. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm trầm trọng hơn cuộc xung đột tại Ukraine và những nơi khác trên thế giới. Vì thế, để tránh cho cuộc đua này khiến thế giới rơi vào trạng thái bất ổn, cần phải có những động thái can thiệp càng nhanh càng tốt, như đưa vũ khí siêu thanh vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại