Theo Live Science, LTT9770 b phản chiếu tới 80% ánh sáng từ ngôi sao mẹ, là độ phản chiếu lớn nhất từng được ghi nhận và vượt xa các hành tinh khác. Để so sánh, Trái Đất của chúng ta chỉ phản chiếu 30% ánh sáng Mặt Trời.
Hành tinh gương soi LTT9770 b - Ảnh: NASA/ESA
Hành tinh kỳ lạ được phát hiện lần đầu vào năm 2020 bởi các nhà nghiên cứu thuộc dự án TESS của NASA. TESS là chiến binh săn ngoại hành tinh hàng đầu của cơ quan này, với hơn 5.000 ngoại hành tinh đã được nó tìm thấy.
Phát hiện ban đầu này cho thấy đây là một hành tinh khí khổng lồ - tức dạng giống Sao Mộc - nằm cách Trái Đất khoảng 260 năm ánh sáng và nặng hơn khoảng 5 lần, quay quanh sao mẹ sau mỗi 19 giờ.
Trong nghiên cứu mới vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy and Astrophysics, nhóm khoa học gia từ nhiều viện, trường ở Pháp, Chile, Ý, Anh, Mỹ và Thụy Sĩ đã sử dụng Cheops, một tàu vũ trụ dạng vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) để tìm hiểu kỹ hơn về LTT9770 b.
Họ đã sốc nặng khi phát hiện sự thật về hành tinh này, một thế giới nóng bỏng đến nỗi có những đám mây gần như bằng kim loại và thủy tinh, đổ mưa titan xuống mặt đất. Các tính chất lạ lùng khiến nó trở thành hành tinh sáng nhất từng được phát hiện và phá vỡ nhiều lý thuyết thiên văn lâu đời.
Các đám mây kim loại của hành tinh có thể giải thích cho sự tồn tại kỳ lạ này, thay vì cả bầu khí quyển bị thổi bay với khoảng cách quá gần sao mẹ.