Vụ tai nạn kinh hoàng trên chiếc máy bay Boeing 737 Max để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình các nạn nhân. Boeing đã nhận tội lừa đảo, song mức phạt được cho là quá nhẹ so với tổn thất mà hãng đã gây ra.
Hành vi gian dối của Boeing trong quá trình xin cấp phép vận hành dòng máy bay 737 Max cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã bị phanh phui. Cụ thể, hãng cố tình che giấu thông tin về lỗi thiết kế hệ thống lái tự động - nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hai vụ tai nạn thảm khốc. Vụ việc đầu tiên xảy ra vào năm 2018 với chiếc máy bay của hãng hàng không Lion Air, tiếp đó là vụ tai nạn của hãng Ethiopian Air vào năm 2019.
Boeing đã thừa nhận trách nhiệm, song bản án dành cho hãng bay này lại khiến dư luận phẫn nộ. Theo thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing sẽ nhận tội danh âm mưu lừa đảo và đối mặt với mức phạt tối đa 487 triệu USD. Con số được cho là quá nhỏ so với 24,8 tỷ USD mà gia đình các nạn nhân mong muốn.
Luật sư Paul Cassell - người đại diện cho nhiều gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn của Lion Air và Ethiopian Air - đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này. Ông cho rằng: "Thỏa thuận dễ dãi này không hề đoái hoài đến mạng sống của 346 con người đã ra đi. Giao kèo mờ ám và hào phóng này rõ ràng không vì lợi ích cộng đồng".
Gia đình các nạn nhân kiên quyết yêu cầu một phiên tòa công khai để đòi lại công bằng.
Bên cạnh khoản tiền phạt, Boeing sẽ phải hoạt động dưới sự giám sát của một bên độc lập do chính phủ chỉ định trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, cả 2 hình phạt này đều không thể xoa dịu nỗi đau và sự phẫn nộ. Vụ việc là đòn giáng mạnh vào danh tiếng của Boeing - công ty từng được biết đến với chất lượng và sự an toàn của các dòng máy bay thương mại.
Uy tín của hãng tiếp tục bị hoen ố bởi hàng loạt nghi vấn về độ an toàn và chất lượng máy bay. Đơn cử như sự cố vào tháng 1 vừa qua, một chiếc Boeing 737 Max của hãng Alaska Air đã bị bung nắp cửa trong lúc đang bay.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing đã đạt được thỏa thuận hoãn truy tố hình sự. Theo đó, trong thời gian thử thách 3 năm, Boeing phải cải thiện các vấn đề về chất lượng và minh bạch thông tin với chính phủ. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước khi kết thúc giai đoạn thử thách, sự cố của hãng Alaska Air đã xảy ra, mở đường cho Bộ Tư pháp Mỹ có những hành động cứng rắn hơn.