Trong khi những người nổi tiếng như Elon Musk khiến cả thế giới thán phục vì cường độ làm việc cao thì một số danh nhân lại có được thành công nhờ biết cách quản lý thời gian rảnh của mình. Theo họ, việc tạo nên những thói quen hàng ngày để bớt lười biếng là tốt nhưng cũng nên dành một chút thời gian cho bản thân.
Những người như Steve Jobs hay Albert Einstein đều hiểu rõ tầm quan trọng của thời gian rảnh, hay còn gọi là "Non Time" này đến thành công như thế nào.
"Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời cho kẻ khác. Đừng bị mắc kẹt bởi giáo điều, lối sống mà phải lo lắng đến suy nghĩ của người khác. Đừng để những ý kiến ầm ĩ của người khác nhấn chìm tiếng nói bên trong tâm hồn bạn. Và quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn", nhà sáng lập Steve Jobs nói.
Tác dụng của "không làm gì cả"
Theo các nghiên cứu và cả minh chứng thực tế từ những người nổi tiếng như Steve Jobs và Albert Einstein, người thành công là những nhân vật biết quản lý thời gian của mình hơn là cắm đầu vào làm việc. Họ tạo dựng nên những thói quen hàng ngày và dành một chút thời gian thư giãn, không làm gì cả.
Đây là thời điểm để những người nổi tiếng thả lỏng tư duy, phát triển sự sáng tạo để đi đến những thành công mới. Đó có thể là nửa tiếng đi bộ, 15 phút tắm thư giãn, 20 phút ngồi thiền hay 1 tiếng tập Yoga.
Diễn giả Steven Kotler, đồng thời là tác giả của cuốn "The Art of the Impossible" cho biết khoảng thời gian không làm gì cả (Non Time) đơn giản là lúc bạn được ở yên tĩnh một mình, tránh xa khỏi sự ồn ào của cuộc sống để nghĩ cho bản thân.
Với bản thân Kotler, thời gian "Non Time" là khoảng 4h sáng khi ông bắt đầu viết lách cho đến 7h30 khi cả thế giới dậy đi làm.
"Áp lực bài vở trong ngày chưa có vào thời gian này nên bạn sẽ có thời gian xa xỉ cho sự kiên nhẫn. Nếu một câu viết cần đến 2 tiếng đồng hồ để trở nên hoàn hảo thì cũng chẳng phiền ai cả", ông Kotler nói.
Theo diễn giả Kotler, áp lực công việc sẽ ép não bộ tập trung vào nhiều chi tiết, kích hoạt bán cầu não trái và khiến mọi người không có thời gian để hình dung tổng thể bức tranh. Tồi tệ hơn, chúng ta sẽ bị stress và căng thẳng trước sức ép, tạo nên sự không vui vẻ và làm sao nhãng.
"Bị ràng buộc về thời gian là điểm yếu chết người cho sự sáng tạo", Diễn giả Kotler nhận định.
Câu chuyện Steven Jobs lái xe không biển
Nhà khoa học Albert Einstein có lẽ hiểu khá rõ về việc sử dụng "Non Time" nhằm kích thích trí não cũng như sáng tạo trong công việc. Rất nhiều ý tưởng khoa học thiên tài của ông ập đến khi đang chèo thuyền thư giãn và "chẳng làm gì cả". Thứ duy nhất mà Einstein làm lúc đó là tận hưởng khoảng thời gian rảnh cho bản thân, tách biệt khỏi những áp lực của cuộc sống.
Tương tự, Steve Jobs cũng nổi tiếng là người biết quản lý thời gian hiệu quả. Giáo sư Adam Grant của trường đại học Wharton cho biết phần lớn những ý tưởng đột phá của Steven đến vào những lúc ông bỏ qua mọi thứ để dành thời gian riêng cho mình.
Tất nhiên, việc sử dụng "Non Time" không làm gì cả chỉ là một phần giúp các thiên tài thành công. Họ cũng phải bỏ rất nhiều công sức để lao động. Đặc biệt như Steve Jobs, ông biết cách quản lý thời gian hiệu quả của mình nhằm tạo nên những khoảng trống "Non Time" cho bản thân.
Có một giai thoại về việc Steve Jobs từng lái xe không biển trong giai đoạn cuối sự nghiệp. Người thì cho rằng ông muốn chơi trội, người thì nói ông không muốn bị theo dõi. Thế nhưng Cựu chuyên gia bảo mật máy tính Jon Callas từng làm việc cho Apple lại hiểu rõ nguyên nhân.
Theo Callas, nhà sáng lập Apple đã phát hiện ra một lỗ hổng trong luật đăng ký xe ở California. Đó là người dùng xe có khoảng thời gian 6 tháng để lấy biển đăng ký mới, nghĩa là họ có thể lái xe không biển trong 6 tháng.
Vậy là Steve Jobs giao kèo với hãng xe Mercedes để ông đổi xe mới mỗi 6 tháng, lý do là để tiết kiệm thời gian làm thủ tục và chờ đợi. Đổi lại, hãng xe được quảng cáo miễn phí.
Trên thực tế, Steve Jobs đã rất khôn khéo để không cần tốn thời gian vào những thứ vô ích. Ông thiết lập một cơ chế đổi xe để có thời gian làm việc khác thay vì tốn công vào đống thủ tục làm xe mới cùng nhiều giấy tờ hành chính khác.
Hệ thống đổi xe 6 tháng của Steve có thể được xếp vào dạng "Tài sản thời gian" khi một hành động giúp ông tiết kiệm được thời gian trong tương lai. Điều đó cũng tương tự như việc bạn ngồi viết một phương trình để chúng lặp đi lặp lại giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề trong tương lai, tạo khoảng thời gian trống cho việc khác.
Bởi vậy nếu muốn có thời gian để "không làm gì cả", hãy cố gắng tạo thêm nhiều tài sản thời gian và sắp xếp công việc hợp lý. Đôi khi những ý tưởng kỳ diệu nhất lại đến vào lúc bạn chẳng nghĩ gì cả.
*Nguồn: Tổng hợp