NÓI THẲNG: Hết thời cán bộ ngồi nhầm vị trí!

Bài: TUẤN ANH; đồ họa: ANH THANH |

Cháy nhà mới ra mặt chuột, nhũng nhiễu, thiếu tâm, kém tài… là những hệ lụy của việc cán bộ ngồi sai vị trí.

Một phó trưởng ban thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phải làm rõ màn "biểu diễn bán thoát y" giữa phố trong tình trạng hơi men làm chủ.

Hai phó chánh (Phó chánh Văn phòng Sở TN&MT và Phó chánh Thanh tra) tỉnh Hậu Giang vừa bị xử lý khi dẫn nhau vào nhà nghỉ.

Còn tại Đồng Nai, cựu bí thư tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh cùng một loạt cấp dưới mới lãnh án tù vì sai phạm trong đấu thầu…

Những cán bộ vừa kể là vài ví dụ người viết liệt kê ngẫu nhiên về sự "kém tài, thiếu đức".

Họ lẽ ra bị soi chiếu kỹ lưỡng trong bộ máy trước khi kịp thực hiện những hành vi xấu, thế nhưng, vì một số hạn chế của quy trình, quy định hiện hành mà điều không mong đợi cho xã hội vẫn xảy ra.

Đó là những tấm gương tối lộ bản chất một cách bất đắc dĩ, còn thực trạng hiện nay, những người âm thầm hưởng lợi từ việc được " bố trí nhầm " không hiếm. Nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục, hách dịch lúc ứng xử với dân, lúng túng trong nhiệm vụ chuyên môn của chính mình… của một bộ phận cán bộ đang là thực tế khá phũ phàng tại không ít cơ quan, đơn vị.

Việc lọc ra khỏi bộ máy những nhân sự kém chuyên môn, thiếu tư cách hay vì lý do khác được nhà nước tiến hành nhiều năm nay.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, chỉ từ ngày 15-10-2018 đến 31-12-2022, các bộ, ngành, địa phương tinh giản được gần 80.000 người. Trong đó, tỉ lệ tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (hơn 52%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo 15%; dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính 15%; do sức khỏe không đảm bảo 3%.

Còn Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023, Bộ Nội vụ dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư gần 49.000 và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư khoảng 28.000…

Những kết quả (hoặc dự kiến kết quả) ấy là tín hiệu lạc quan thể hiện nỗ lực của nhà nước về xây dựng bộ máy tối ưu. Tuy nhiên, như những ví dụ ở trên, hãy còn đâu đó sự lỏng lẻo, xuê xoa khiến không ít ý kiến hồ nghi cho là "nói miệng", giữa con số và tác dụng còn khoảng cách khá xa...

Nghị định 29/2023 quy định về tinh giản biên chế ra đời khắc phục những hạn chế đó. Văn bản này mở rộng đồng thời chi tiết hóa những trường hợp rời bộ máy, trong đó gồm những trường hợp bị xử lý do vi phạm… được kỳ vọng như miếng vá hoàn hảo bịt chặt những lỗ hổng khiến việc tinh giản trước đây chưa như ý.

Quan điểm đã vững, ý chí đã thông, quyết tâm đã mạnh và công cụ đã bén. Giờ chỉ còn thực thi làm sao để quá trình tinh giản diễn ra trơn tru, nhanh chóng, hiệu quả, công tâm, chính xác.

Và đó không nên chỉ là kỳ vọng. Đó phải là mệnh lệnh trong trái tim những người thực thi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại