Chữ "công" và "chuyện hạ cánh an toàn"

Đào Tuấn |

Một nhà WC làm hết hơn 1 tỉ đồng, công trình chưa khánh thành đã hỏng, công trình mới làm xong lại bỏ hoang. Quan chức mỗi độ cáo lão bỗng ùn ùn xây biệt thự. Còn nợ nần dân chịu.

Một buổi chiều ngắn ngủi bàng bạc trong gió đông bắc đầu mùa, nghị trường nóng bỏng khi mà lặp đi lặp lại từ phát biểu này sang phát biểu kia những từ ngữ chứa đựng chút ít xót xa và rất nhiều bức xúc. Nào là “dàn trải”. Nào là “bỏ hoang”. Nào là “nợ đọng”. Rồi thì “trách nhiệm”. Rồi thì “thất thoát”. “Tham nhũng”. “Lãng phí”.

Chẳng cần giới thiệu gì thêm cũng biết là Quốc hội đang bàn về Luật Đầu tư công.

Chỉ một chữ “công”, trong phân biệt với chữ “tư”, cho ra rất nhiều sự thật mà chúng ta đang phải đương nhiên chấp nhận.

Sự thật đầu tiên là làm cái gì bằng tiền thuế của dân, cũng đắt hơn làm bằng tiền túi của dân. Thì đó, một cái nhà WC “dát vàng” ở thủ đô chưa có thiết kế đã được chủ đầu tư tính toán hết “có 1 tỉ”. Trong khi các nhà thầu sẵn sàng làm với giá 300 triệu.

Sự thật thứ hai là các công trình công, có khi chưa kịp khánh thành đã hỏng hóc.

Sự thật thứ ba là chỉ có các công trình công mới làm xong rồi bỏ hoang. Ở đâu ra ư, ngay “dưới chân” Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh, trong hình hài của những trụ sở, những khu chợ, những mái trường, những bảo tàng, những công viên, mà có người thật nhiều hơn đùa gọi là “công viên nòng nọc” hay “bảo tàng muỗi”. Nhưng rất lạ, cái bỏ hoang cứ bỏ hoang, cái “cần thiết” vẫn được đệ trình để xây mới.

Nhớ hôm thảo luận tổ, Bộ trưởng Vinh dốc gan ruột bảo “cứ để theo cái phong trào như cách đây ba, bốn năm thì không biết hôm nay sẽ vỡ nợ như thế nào. Tôi có thể nói là đất nước này vỡ nợ do xây dựng cơ bản tràn lan”.

Cái phong trào đó, chiều qua đã được ĐBQH Phạm Trọng Nhân thẳng toẹt bằng mấy chữ “tận thu, tận gom trong nhiệm kỳ”. Hay nói như Bộ trưởng Vinh là “cứ vay, cứ làm, rồi tạm ứng kho bạc trước, cứ nói với doanh nghiệp là anh đi vay về làm đi rồi tôi tìm cách trả nhưng không có tiền trả”.

Tư duy nhiệm kỳ một thời từng khiến cả một tỉnh thành đại công trường dang dở. Và tư duy nhiệm kỳ khiến các quan chức mỗi độ cáo lão bỗng ùn ùn xây biệt thự. Còn nợ nần thì dân chịu. Dân chưa trả hết thì con dân trả, cháu dân trả… Không ngẫu nhiên, mười mấy ý kiến phát biểu hội trường, đã 3-4 ý kiến nói nhắc đến nợ nần. Nợ của ngày hôm nay và món nợ mà con cháu phải trả ngày mai. Một món nợ, mà dân gian thời @ đã nói chính xác tuyệt đối, vì “đời cha thằng khác ăn mặn”.

Cũng hôm qua, ĐBQH Lê Thị Nguyệt đã đề xuất một cơ chế gọi là “trách nhiệm đến cùng”. Nói mỹ miều là tránh tư duy nhiệm kỳ, gắn trách nhiệm với người đứng đầu và truy trách nhiệm để “tránh việc cứ ký rồi con cháu trả”.

Nhưng trong ngày QH họp bàn về đầu tư công, thật mỉa mai, báo chí đưa tin một huyện ở ngoại thành Hà Nội đang “xin” được đầu tư 20 cái nhà WC công cộng.

Còn ở Hải Phòng, 3 hôm trước, người ta, không hề đỏ mặt, giải thích lý do không truy cứu trách nhiệm trước sai phạm của một quan chức ngành tòa án là vì ông này đã về hưu.

Đấy, lại là dân gian nói không sai “hạ cánh an toàn”!

97,59% đại biểu Quốc hội đồng tình thông qua Hiến pháp

(Soha.vn) - Sáng nay (28/11), Quốc hội với 488 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% đại biểu tán thành.

Bảo mẫu đạp chết bé 18 tháng bị ảnh hưởng bệnh “khùng” của cha?

(Soha.vn) - Nghe nói có thể Nhờ bị ảnh hưởng bệnh “khùng” của cha mới hành động như vậy, Sơn đã vận động chòm xóm ký vào đơn xin giảm án cho vợ.

"Nói Phan Thị Bích Hằng "hối lộ" là vu khống nghiêm trọng"

(Soha.vn) - Theo luật sư Nguyễn Bích Lan, việc cho rằng bà Phan Thị Bích Hằng mang tiền đi tìm cách "hối lộ" thân nhân liệt sĩ là sai sự thật và vu khống nghiêm trọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại