Chia sẻ của ông Lý, một người bố 50 tuổi tại Trung Quốc mới đây đã nhận được sự quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Cụ thể như sau:
Con trai tôi tốt nghiệp trường danh tiếng không giỏi bằng tôi, một nông dân!
Xin chào mọi người, tôi họ Lý, năm nay đã 50 tuổi và làm nghề nông, trồng hoa quả và chăn nuôi gia súc, thuỷ hải sản. Tôi có một con trai, tốt nghiệp trường đại học trọng điểm. Thế nhưng ngày nào con tôi cũng đi ngủ muộn, dậy muộn, chỉ ăn, đi chơi, rồi lại nghịch điện thoại di động.
Nhắc đến con trai, rồi so sánh với những bạn trẻ cùng làng, tôi chợt thấy nhiều cảm xúc.
Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi đã nuôi nấng nó rất cẩn thận. Hồi đó, hầu hết trẻ em trong làng đều lên đi bắt cá, chơi xích đu,... nhưng con tôi rất ít khi ra ngoài mà cơ bản là học bài và làm bài tập ở nhà. Khi lên cấp THCS, nhiều đứa trẻ bỏ học sớm, vào làm việc tại các nhà máy trên thành phố lớn, nhiều năm không quay lại.
Nhưng con trai tôi thì khác. Lúc đó, tôi dự định cho con đi học ở trường tốt, sau đó cố gắng thi vào trường đại học danh giá "985" để cuộc sống về sau dễ dàng hơn. Con trai tôi cũng mong muốn như vậy và cố gắng học.
Để ủng hộ việc học của con, tôi ít khi bắt cháu làm việc nhà, cơ bản là cho cháu nhiều không gian và thời gian để học tập.
May mắn thay, sự chăm chỉ của tôi đã được đền đáp, con trai tôi học hành chăm chỉ suốt 3 năm THPT, tuy không đỗ kỳ thi vào trường thuộc "danh sách 985" nhưng vẫn đỗ vào trường đại học trọng điểm 211 nổi tiếng của tỉnh.
("Dự án 211" là dự án hàng đầu của chính phủ Trung Quốc để xây dựng cho thế kỉ 21, dự án này tập trung vào việc xây dựng khoảng 100 trường đại học hàng đầu. "Dự án 985" hay còn gọi là "Đề án các trường đại học hàng đầu thế giới" là dự án xây dựng các trường đại học trọng điểm trong những trường trọng điểm của Trung Quốc và mang tầm cỡ quốc tế. Hiểu nôm na, các trường được lựa chọn nằm trong "Dự án 985" là các trường có chất lượng hàng đầu, trọng điểm được lựa chọn trong "Dự án 211" mà ra).
Khi đó có chúc mừng, cả làng đã đến và ngợi khen con trai tôi. Bởi mấy năm nay, toàn thị trấn mới chỉ có 2 người trúng tuyển trường 211, trong đó có con trai tôi. Từ đó trở đi, tôi đã nghĩ rằng sau khi con trai tôi tốt nghiệp, trong vài năm tới nó sẽ trở thành cán bộ hoặc giám đốc điều hành cấp cao của một công ty lớn.
Trong 4 năm đại học, tôi đã tiêu rất nhiều tiền vào chi phí sinh hoạt cho con. Con trai tôi nói rằng đi học rất vui. Nó trở thành chủ tịch câu lạc bộ sinh viên và nhận được nhiều học bổng, được đi du lịch đó đây.
Cuối cùng, khi con trai tôi tốt nghiệp, nó nói muốn đến Thâm Quyến và hy vọng tôi có thể cho nó một ít chi phí sinh hoạt. Nó hứa sẽ trả lại cho tôi trong vòng nửa năm. Sau đó tôi đưa cho con trai tôi thêm 10.000 NDT (khoảng 34 triệu đồng).
Trước khi đi, tôi nói với con trai rằng kiếm được tiền hay không, không quan trọng. Điều quan trọng nhất là không đặt quá nhiều áp lực cho bản thân, hãy vui vẻ và sức khỏe tốt quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Nhưng 3 tháng sau, con trai lại hỏi vay tôi 5.000 NDT, nói rằng chi phí sinh hoạt sống cao quá nên không tiết kiệm được. Nó muốn tôi giúp lần nữa.
Tôi nghe con trai kể rằng nó làm việc trong một công ty Internet với mức lương hàng tháng hơn 10.000 NDT. Nghe có vẻ hay nhưng sau khi phân tích kỹ càng, nó cảm thấy cuộc sống của mình vô cùng khó khăn.
Sau khi khấu trừ các khoản bảo hiểm, nó còn hơn 8.000 NDT, cộng thêm tiền thuê nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt, tiền ăn và đi lại, nếu không cẩn thận, có thể một tháng không đủ.
3 năm con trai đi làm, tôi thấy sự vất vả của con. 7h sáng, con tôi thức dậy để chen chúc trên tàu điện ngầm. 8, 9h tối mới tan sở và tiếp tục ngồi mệt mỏi trên tàu. Cả ngày đều trôi qua như vậy. Thỉnh thoảng cuối tuần được nghỉ, con sẽ không đi đâu vì thấy mệt.
Cuối năm ngoái, công ty của con trai tôi sa thải nhân viên và thực hiện cắt giảm lương. Tuy không bị đuổi nhưng thấy lương thấp quá nên con đã chủ động nghỉ. Sau đó, nó ở nhà suốt 3 tháng tiếp theo mà không đi đâu cả. Tôi đề nghị con trai đi tìm việc làm trước, nhưng nó không chịu và chỉ nằm ở nhà ăn uống.
Một trong những điều trái ngược rõ ràng là con trai anh họ tôi, mới tốt nghiệp cấp 2 và đi làm luôn nhưng hiện lại có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau khi học hết cấp 2, mỗi ngày thằng bé đều lên núi trồng cam và kiwi, nuôi cá, nuôi gà. Hai năm trước, con trai anh họ tôi phát sóng trực tiếp tại nhà và thuê một nhóm thanh niên cùng livestream, ship hàng. Không những bán được hoa quả online rất nhiều mà sau đó còn mở cửa hàng trực tuyến.
Năm ngoái thị trường không tốt, nhiều người mua giữ giá rất thấp. Chúng tôi làm việc cật lực suốt một năm nhưng không kiếm được nhiều tiền. Ngược lại, con trai của anh họ tôi dựa vào việc phát trực tiếp và bán hàng trực tuyến lại kiếm được nhiều tiền hơn những năm trước.
Nhìn thấy điều này, tôi khá ghen tị. Thế là tôi nói với con trai, con có núi để sống, có nước để uống, con đã tốt nghiệp đại học và không ngu ngốc, vậy tại sao không noi gương anh họ, bắt đầu phát sóng trực tiếp hoặc mở cửa hàng trực tuyến.
Việc này ban đầu không khó, nghe nói chi phí cũng không cao nhưng con trai tôi luôn cảm thấy làm như vậy không đúng, không có tương lai nên cứ lờ đi. Khi tôi con dự định về tương lai thì con lại im lặng.
Vì vậy, tôi nói với con: Nếu không muốn kinh doanh thì hãy kiếm một công việc ổn định hơn, không cần làm việc ở thành phố lớn mà làm việc ở quê nhà cũng được. Nhưng con trai tôi vẫn cảm thấy những công việc mà tôi gợi ý lương thấp, tầm nhìn lâu dài không phù hợp, dễ mất đi nhiệt huyết nên từ chối.
Sau này tôi hỏi con trai dự định năm mới thế nào thì nó trả lời là muốn học cao học. Sau khi học xong, cuộc sống chắc sẽ suôn sẻ hơn.
Nghe con trai nói vậy, tôi chợt có chút lo lắng. Cho dù con trai tôi có đỗ thì sau khi tốt nghiệp cũng sẽ 27, 28 tuổi, liệu cuộc sống của nó đến lúc đó có thực sự tốt hơn không?
Ở đây tôi không cho rằng việc đọc sách là vô ích, thậm chí trong nhiều trường hợp, tôi vẫn cho rằng đọc sách là lối thoát tốt nhất cho người bình thường.
Chỉ là tôi không còn cảm thấy việc học là lối thoát duy nhất của một người. Nhiều khi tôi cảm thấy dù con trai có lương tháng từ 20.000 đến 30.000 NDT thì có lẽ nó vẫn phải chịu áp lực lớn hơn tôi.
Tôi trồng cam, kiwi, nuôi lợn và nuôi cá. Công việc này vất vả suốt một năm nhưng tôi có thể tiết kiệm được một khoản nhỏ là 100.000 NDT. Con trai tôi sống trong một tòa nhà cao tầng ở Thâm Quyến, làm việc ngày đêm nhưng lại không tiết kiệm được nhiều tiền như tôi trong một năm.
Vì vậy, tôi thường cảm thấy con trai tôi tốt nghiệp trường danh tiếng không giỏi bằng tôi, một nông dân! Với tư cách là một người cha, tôi thực sự cảm thấy có lỗi với con trai mình và mong rằng nó có thể sống một cuộc sống tốt hơn sau khi tốt nghiệp.
Cộng đồng mạng nghĩ sao về câu chuyện này?
Như đã nói ở trên, chia sẻ của ông bố này đã thu hút rất nhiều bình luận của cộng đồng mạng. Thực tế, chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học danh tiếng nhưng thu nhập lại không phải người mới tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 không phải hiếm.
Nhiều ý kiến cho rằng, những người mới tốt nghiệp cấp 2, cấp 3 không có nhiều quyền lựa chọn nghề nghiệp. Miễn là kiếm được tiền, dù là công việc "không cao sang", họ vẫn sẽ lăn xả vào làm. Một số người thậm chí bất chấp làm những công việc nguy hiểm. Trên thực tế, những gì họ kiếm được khi còn trẻ là "tiền năng lượng". Công việc họ làm không có tính cạnh tranh và định hướng phát triển, có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, những người tốt nghiệp đại học danh tiếng lại kén chọn hơn rất nhiều khi tìm việc. Khởi điểm lương ban đầu của họ có thể thấp, nhưng sau khi tích luỹ được kinh nghiệm, họ sẽ dần thăng tiến, sau vài năm sẽ có thu nhập cao hơn nhiều.
Tất nhiên, đây chỉ là xác suất tương đối cao chứ không phải tuyệt đối. Mọi chuyện ra sao vẫn tuỳ thuộc vào chính sự nỗ lực của chính bạn. Cũng có những người đã tốt nghiệp đại học, cao học, thấy không cần phải nâng cao tay nghề, suốt ngày chỉ lảng vảng, cuối cùng cả tay nghề và điều kiện cuộc sống, thu nhấp đều không bằng. những người khác. Họ cũng không chịu tìm tòi, hội nhập với cái mới mà chỉ bo bo giữ suy nghĩ cũ nên lâu dần bị tụt lại phía sau.
Nên nhớ, tấm bằng chỉ là bước đệm để bạn vươn tới càng cao càng tốt chứ không phải là thang cuốn để bạn bám víu và mắc kẹt suốt chặng đường.