Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt

Trang Lê |

Trong suốt bao nhiêu năm phụ gia đình trông xe vào các dịp lễ, Tết, cô gái này trải qua không ít những câu chuyện thú vị hay những tình huống "khóc dở mếu dở" do khách hàng tạo nên.

Câu chuyện nhỏ của cô gái làm nghề giữ xe cổng chợ!

"Mình đi học, khi nào được nghỉ thì về nhà hành nghề trông xe ở cổng chợ kiếm tiền tiêu vặt. Mình ở quê, làm nghề này cũng 20 năm rồi.

Lúc đấy ở đây chỉ là cái bãi đất trống. Từ lúc bé thì le ve theo mẹ đi lấy tiền xe. Còn giờ có điều kiện rồi, bố bảo khách hàng là thượng đế, thế là láng sàn xi măng, làm mái tôn, sáng nào có chợ thì quét sạch sẽ.

Nhà mình lấy giá 2 nghìn/xe máy và 1 nghìn/xe đạp. Kể cả Tết thì bố cũng giữ phương châm bình ổn giá.

Giữ xe thì khách vào chào hỏi, đón xe từ ngoài đường, dắt xe vào xếp ngay ngắn. Khách về thì dắt xe ra.

Mình chưa thấy đâu có sự phục vụ tận tình như nhà mình luôn đấy. Ấy thế mà có lúc buồn tủi lắm ạ. Có một số người vô tình cực.

Ví dụ vào gửi xe 10 lần thì tầm 8 lần là bảo thôi hết tiền lẻ rồi cầm 1 nghìn đi nha. Hoặc chẳng đưa tiền luôn phóng xe đi. Bảo hôm sau bác trả bù, nhưng chẳng bao giờ có hôm sau bù nữa.

Mình thì không phải tham lam kẹt xỉ gì đâu, vài nghìn chẳng đáng là mấy, có đầy người ta chẳng lấy tiền, người ta trả thế nào cũng vui vẻ thoải mái".

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 1.

Cô gái làm nghề trông xe khoe thu nhập một ngày.

Trên đây là lời kể của một cô gái trông xe ở cổng chợ. Cô gái có tên là Phạm Hồng Thao, sinh viên ở Hà Nội. Quê Thao ở Nghệ An nên từ khi học Đại học, cô chỉ có thể hành nghề trông xe khi nghỉ Hè, nghỉ lễ, Tết.

"Nhà mình đối diện chợ. Cái chợ đó có tên là chợ Hến. Vạt đất trông xe đối diện ngay bên đường, nó là đất thuê chứ không mua được. Nhà mình thuê được gần 20 năm nay để làm nơi giữ xe.

Lúc còn bé xíu mình đã chạy lon ton ra đó chơi rồi thu tiền vé xe. Nói 20 năm "hành nghề" thì hơi quá nhưng mình cũng phải có đến 17, 18 năm chuyên thu vé xe ở cổng chợ này.

Nhà mình bố là bộ đội về hưu, mẹ là giáo viên. Bình thường bố nuôi gà, hôm nào có chợ lại trông xe thôi. Ở đây 2 ngày mới có một lần họp chợ", Hồng Thao chia sẻ.

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 2.

Ở quê Thao, những người đi chợ cô gần như đều quen mặt cả vì là người làng, người xã. Công việc trông xe khiến cô gần như quen hết xe của mọi người, chẳng khi nào phải ghi vé.

"Khách toàn người quen nên thoải mái vô cùng. Đôi khi người quen quá vào gửi nhờ, mình lấy tiền cũng ngại nhưng người ta cứ dúi bắt cầm. Vé xe chẳng phải dùng nhiều luôn. Trông xe gần 20 năm nhớ hết mặt khách rồi còn đâu. Người ta vào chỉ xe nào là dắt xe ra. Có bao nhiêu người đưa xe gửi rồi để cả khóa đấy, nhờ mình trông xe cầm hộ.

Cũng tự hào là suốt bao nhiêu năm qua chưa khi nào mình lạc hay dắt nhầm xe ra cả".

Với nhà Thao, giá trông xe bình ổn suốt nhiều năm qua. Xe máy 2 nghìn đồng, xe đạp 1 nghìn.

"Giá thì niêm yết đấy nhưng người gửi xe có tiền trả bao nhiêu cũng được. Ai có tiền lẻ thì đưa thôi. Ai đưa tiền chẵn mình có đủ tiền thối thì trả còn không bảo người ta hôm sau gửi tiền xe cũng được. Ai nhớ trả thì trả còn không quên rồi cũng thôi. Mình chả kì kèo gì.

Nhiều người đi chợ vào ra mấy lần gửi xe mình cũng chỉ lấy một lần tiền. Hoặc thậm chí người ta nhờ gửi tí xíu vì quên mua đồ mình cũng vui vẻ thôi.

Mấy ông bà già nhìn hoàn cảnh mình thậm chí chẳng lấy tiền xe nữa. Thấy người ta đi qua mình toàn bảo họ để xe đó rồi vào chợ.

Ngày Tết giá xe vẫn "bình ổn" lắm. Khách lạ đến mua cũng thế, người ta cứ chuẩn bị tư tưởng Tết thì tăng giá nhưng không. Sau đó thanh toán 2 nghìn gửi xe ai cũng cười còn bảo sao không tăng thêm", Hồng Thao hài hước chia sẻ.

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 3.

Cô gái Hồng Thao.

Những câu chuyện ngoài cổng chợ đầy thích thú và các vị khách kém đáng yêu!

Tuy nhiên, đôi khi cô bạn cũng gặp phải những khách hàng khiến bản thân thấy khá bức xúc.

"Có những khách hàng cũng hơi bị vô tâm. Mình đứng trông xe buồn đi vệ sinh hoặc có việc chạy đi chỗ khác chút xíu. Quay về thấy họ tự ý lấy xe ra mất rồi, chẳng chờ hay hỏi han gì cả, "quỵt" tiền gửi là một chuyện, mất an toàn là chuyện khác.

Nhiều khách thậm chí chẳng muốn trả tiền. Cứ cố tình làm mọi cách để mặc cả từ 2 nghìn xuống 1 nghìn luôn. Có nhà kia để xe suốt, xe đẹp lắm, mình dắt ra bở hơi tai nhưng người ta bảo luôn: "Nay hết tiền rồi, hôm sau trả" nhưng hôm sau có bảo gì đâu.

Buồn cười lắm nhưng mình cho qua thôi chứ biết làm sao được", Thao chia sẻ thêm.

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 4.

Khu chợ mà cô gắn bó nhiều năm qua.

Sau khi bố Thao về hưu, ông ý thức hơn trong việc chăm sóc cho những khách hàng yêu quý. Dù sao thì với công việc đã gắn bó đến gần 20 năm, họ cũng có những tình cảm nhất định.

"Ngày xưa nhà mình chưa có điều kiện nên nhà vẫn lợp mái bình thường, nền đất. Hiện tại, nhà để xe đã làm mái tôn và láng nền.

Ngày xưa trông xe cả buổi chỉ được 30 đến 50 nghìn đồng. Ngày xưa xe đạp nhiều lắm, giá là 500 đồng/xe đạp và 1 nghìn đồng/xe máy. Hiện tại xe đạp ít hơn thì cả buổi trông có khi lên được 100 nghìn.

Bình thường một người trông là đủ. Hôm tết khách nhiều lắm, phải ba người trông rồi xếp xe. Hôm nhiều nhất cũng chỉ có 400 nghìn đồng.

Gắn bó với công việc đã lâu, kể cả bây giờ mình vẫn thích mỗi lần trông xe vì được lấy tiền tiêu vặt. Ngày bé thì được lấy chút xíu mua kẹo còn bây giờ là cầm hết, trông xe xong chạy xuống chợ mua đồ linh tinh, vui lắm", Hồng Thao hào hứng kể lại.

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 5.

Buổi tối và ngày không họp chợ thì chỗ đỗ xe được gia đình khác thuê.

Nỗi lòng cô gái giữ xe cổng chợ: Khách mặc cả từ 2 xuống 1 nghìn và hàng loạt lý do để quỵt - Ảnh 6.

Công việc nào cũng là trải nghiệm thú vị.

Công việc trông xe cổng chợ này giúp Hồng Thao gặp những câu chuyện hay. Thực tế đây cũng là một nguồn thu nhập thêm cho gia đình.

"Tranh thủ một tháng được 15 buổi chợ thì có thêm 1,5 triệu đồng chi tiêu. Nhà mình bố mẹ đều đi làm có lương nhưng thêm đồng nào hay đồng đó vì nuôi ba chị em ăn học và cả bà nội già nữa.

Ngồi trông xe vui chứ, các cô bác vào chợ hay cho mình quà vặt. Họ mà đi bán cái gì là bán rẻ cho nhà mình luôn. Dù thấy mình trông xe bao lâu ở đây rồi nhưng khi gặp họ vẫn hỏi: "Cháu học lớp mấy rồi?".

Mình đôi khi ngồi trông thì gặp các khách, nhiều người chờ người nhà vào chợ thì tâm sự đủ điều. Mình học y nên cũng hay chú ý linh tinh, đôi khi tư vấn chút ít nếu họ bệnh hay ốm.

Nói vậy chứ cũng nhiều khi bực mình lắm. Trời nóng bức mệt nhọc, người bé xíu dắt xe chai hết tay. Đôi khi mình còn va vào xe rồi bầm, xước. Ấy vậy nhưng công việc này vẫn là một niềm vui lớn mỗi khi mình về quê vào các kỳ nghỉ", Hồng Thao chia sẻ thêm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại