Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn "bỏ rơi"

Hoàng Linh |

Rất nhiều người lớn lao vào chỉ trích các em nhỏ bởi những hành vi sai trái trên mạng xã hội song ít người nhận ra, chính chúng ta đã góp phần tạo nên điều đó.

Từ một cá nhân nhiều âm mưu, lắm trò...

Sau nhiều lần hăm đốt xe SH nhưng không thực hiện và bị dân mạng ném đá, mới đây tài khoản cá nhân mang tên HXH đã quay clip đốt xe tay ga kèm theo những phát biểu gây choáng về độ ngông cuồng.

"...Mấy xe này chỉ phù hợp những con người tầm thường. Cao sang như H. đi xe bạc tỉ. Nhà H. nhiều lắm, thích thì qua xin H. sẽ cho chứ không cũng đốt từ xe số đến xe SH".

Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn bỏ rơi - Ảnh 1.

Cô gái và màn đốt xe gây bức xúc trong dư luận.

Hầu hết những người xem qua clip đều tỏ thái độ không đồng tình, các bạn trẻ am hiểu mạng xã hội thì bóc phốt luôn: "Xe hư cũ bạn này đốt bỏ mà có gì mà tự khoe..."

"Em này lại chơi trò câu like, và em nghĩ là thấy những clip này mình cho qua không xem đỡ mất công phải chửi. Chúng tạo hiện tượng để nổi lấy like thôi, những kiểu như này bác đưa bài cho mọi người xem và like bằng biểu cảm gì nó cũng thành công rồi ạ".

Không phải lần đầu tài khoản cá nhân này chơi trội, câu view bằng những trò không bình thường như vậy, cô cũng từng tắm với tiền, thường xuyên khoe thân, phát biểu thô tục để câu view, câu like như cách phân tích trên.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh bình luận đây không chỉ là trò chơi ngông mà còn có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn bỏ rơi - Ảnh 2.

...đến một bộ phận bạn trẻ… lạc trôi

Những người có tâm huyết với giới trẻ thì đặt câu hỏi phải chăng có vấn đề về giáo dục, phải chăng chúng ta đang đối mặt với những người trẻ lạc lối, lạc trôi không định hướng tương lai dẫn tới những hành vi lệch chuẩn.

Năm ngoái và năm trước nữa thông tin về việc "Việt Nam nói là làm": Nữ sinh đốt trường hay một học sinh ở Yên Bái bị làm nhục bằng bạo hành và tung clip lên mạng xã hội đã treo cổ tự tử làm rúng động dư luận. 

Nhiều câu hỏi tự vấn đặt ra về trách nhiệm của người lớn, của người dùng mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều bạn trẻ nói mình muốn được xã hội công nhận mà giao tiếp trên mạng là con đường nhanh nhất. Các bạn đã thể hiện bằng nhiều cách như chứng minh "con ngoan trò giỏi", công dân gương mẫu, làm từ thiện… nhưng xã hội thờ ơ, quay lưng với số like quá ít ỏi.

Nhưng chỉ cần một hành động khác thường là đám đông trên mạng like mỏi tay, tăng vọt. Mà hành động đốt trường, tẩm xăng nhảy cầu... với hàng trăm ngàn like với sự phấn khích, thúc đẩy của đám đông trên mạng xã hội là một minh chứng hùng hồn.

Những cú nhấn like đầy quyền lực trên mạng xã hội với sự lựa chọn kỳ lạ đã kích thích con người lao vào chuyện điên rồ thay vì là những điều tốt đẹp. Những cú nhấn like trên mạng là ảo song nó tạo ra những sản phẩm rất thật.

Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn bỏ rơi - Ảnh 3.

Những cú nhấn like không hề ảo mà nó tạo ra những sản phẩm rất thật.

Rồi tôi cũng liên lạc được với những bạn trẻ thích chơi trội trên mạng, đa số các em đều có hoàn cảnh gia đình bình thường, chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đi học.

Có vẻ như các em đã làm tốt nhiệm vụ con ngoan trò giỏi nhưng còn hơn thế nữa. Các em muốn thoát sự bình thường đó trở thành cá nhân nổi trội, mà ở đây là có thật nhiều like, nhiều lượt chia sẻ.

Tôi chọn đối tượng là học sinh vì đây là số đông, có ảnh hưởng đến tương lai đất nước và các em không câu view vì những yếu tố thương mại như  bán hàng online giống đa số các trường hợp ngông cuồng trên mạng của người đã trưởng thành.

Đa số các em đều phát biểu: "Có sao đâu, em có làm hại ai đâu!"

Một bạn trẻ nước Anh - Cô Torz Reynolds đã tự chặt đi ngón tay út và đăng tải hình ảnh lên trang cá nhân khoe khoang "thành tích". Khi được hỏi lí do, Torz Reynolds nói: "Đơn giản vì mình thích như vậy, và điều này giúp bàn tay mình trông đẹp hơn".

Hành động dại dột của cô gái trẻ đã nhận phản ứng gay gắt từ mọi người xung quanh. Những từ ngữ như: "dại dột", "thiếu suy nghĩ", "ngu xuẩn"… được ném vào cô gái cùng bức ảnh bàn tay thiếu mất ngón út. 

Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn bỏ rơi - Ảnh 4.

Một cô gái từng tự chặt ngón tay của mình để thu hút sự chú ý. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, điều này không làm lung lay suy nghĩ của Torz: "Việc cắt ngón tay chẳng làm đau ai cả và mình đăng tải trên mạng xã hội cũng chỉ muốn lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ này thôi".

Một số hành động lệch chuẩn lại có nguồn gốc từ nhà trường khi mà bệnh thành tích đã làm cho cá nhân không cố gắng gì cả hoặc chỉ cố gắng vừa phải cũng được đánh giá cao. Ở lớp học đầu tiên, tất cả đều đạt danh hiệu "Học sinh giỏi", "Học sinh tiên tiến" và liên tục nhận được những lời khen vô trách nhiệm.

Các bạn trẻ dường như cảm thấy nhàm chán với cuộc sống đều đều hàng ngày vẫn diễn ra, cần những thứ để có thể khẳng định mình. Và từ đây chia thành hai phần chênh lệch.

Một số không nhiều khẳng định mình bằng trí tuệ, tài năng, năng khiếu, học tập, nghiên cứu, chăm chỉ, chuyên cần để đạt thành tích cao trong học tập.

Số còn lại tìm cách khẳng định thông qua mạng xã hội bằng những trò chơi trội, lệch chuẩn với suy nghĩ "Tôi có làm đau ai đâu?".

Đừng vội trách, đừng vội lên án, ai lại không trải qua những ngày tuổi trẻ, non dại với những trò đùa dại dột. Với sự tương tác cực nhanh của mạng xã hội những hành động thiếu suy nghĩ dễ bị tác động của đám đông và nếu đám đông vô cảm, thích đùa dai, nghịch ác thì bi kịch dễ xảy ra.

Mới đây, với sự tương tác tiêu cực của mạng xã hội, hai đứa trẻ đã tự kết thúc cho cuộc đời vì cảm giác xấu hổ. Một em học sinh quyết định bỏ học khi bị buộc quay về học lớp một sau sáu năm đi học. 

Một em treo cổ tự tử sau khi bị làm nhục công khai mà không có một ai bảo vệ. Đó là những đứa trẻ bị bỏ rơi, theo các cách thức khác nhau, nhưng đều tàn nhẫn.

Cậu học sinh ở Yên Bái bị những người lớn đánh đập, làm nhục, sau một va chạm với bạn học. Mạng xã hội tung lên clip em phải quỳ gối giữa đường, cô đơn trước sự hung ác của người lớn, và tuyệt vọng khi không một ai ngăn cản những hình ảnh đó của em được chia sẻ trên mạng.

Em học sinh chết bởi sự vô tình đến tàn nhẫn, thậm chí của chính những người đang nghĩ mình làm điều tốt, khi chia sẻ những hình ảnh nhằm lên án cái ác. Học sinh ấy đã chết bởi danh dự bị tổn thương, bởi những lời bình luận độc ác trên mạng.

Năm ngoái, ở Sóc Trăng một em học sinh ở lớp Sáu, sau 6 năm học đã bị nhà trường trả lại lớp một để học vì chưa biết chữ.

Nổi loạn trên mạng và chuyện về những đứa trẻ bị người lớn bỏ rơi - Ảnh 5.

Học sinh cấp 2 bị trả về lớp 1 vì không biết đọc, biết viết ở Sóc Trăng. (Ảnh minh họa)

Em học sinh ở Sóc Trăng đã chọn cách giải quyết là bỏ học. Dù quyết định bỏ học cũng là một lựa chọn tuyệt vọng khi bị bỏ rơi, song về bản chất, câu chuyện của em học sinh ở Sóc Trăng là một bi kịch lớn, không chỉ đối với em, mà với số phận của hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ khác. 

Sáu năm đi học, không biết một chữ nào, em bị buộc trở về học lại từ đầu, từ lớp một. Một nỗi cô đơn đến tận cùng khi bị bỏ rơi. Không phải bây giờ mà ngay từ khi bước vào trường học cách đây nhiều năm, thầy cô bỏ mặc em để chạy theo thành tích, cho em những số điểm rất đẹp nhưng dối trá để em được lên lớp, bảo vệ thành tích chung.

Những người lớn chúng ta đã bỏ mặc bao nhiêu số phận như vậy, chúng ta không biết. Và bao nhiêu số phận đó đã nổi loạn trên mạng xã hội bằng những trò lệch chuẩn?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại