Nhiều người nói lấy được chồng giàu thì chả phải lo nghĩ gì, rằng “mỗi tháng anh cứ đập vào mặt em 50 triệu thôi là em phục vụ anh từ A đến Z”. Nhưng sự thật có dễ dàng như thế?
Thanh Loan (kết hôn 5 năm, sống tại Hà Nội) cho biết: “Chồng mình ngoài ném tiền cho vợ thì chẳng làm 1 cái gì, vô tâm, thậm chí là vô cảm. Mà mình tiêu tiền anh ấy đưa cũng chưa bao giờ sung sướng”.
Loan cho biết cô và chồng đã có 2 năm tìm hiểu yêu đương rồi mới tiến đến đám cưới. Hồi yêu, anh ta yêu chiều Loan hết mực, còn chặn trước: “Sau này em không phải làm gì cả, chỉ cần làm vợ hiền của anh”. Nghe ngọt ngào là thế mà đến lúc lấy về thấy tiêu chuẩn "vợ hiền" của anh ta mới kinh khủng làm sao.
“Phải thừa nhận chồng mình biết kiếm tiền nên mấy năm làm vợ mình hầu như không phải lo kinh tế. Đổi lại lúc nào anh ấy cũng chỉ biết tới công việc, không bao giờ chia sẻ việc nhà với vợ. Trong đầu anh ấy luôn ghim một quan điểm, việc của đàn ông là việc lớn, việc của đàn bà là bếp núc, con cái, chăm sóc bố mẹ chồng. Từ ngày lấy nhau, mình không bao giờ thấy chồng động chân động tay vào bếp. Vợ ốm nằm bẹp không nấu được đồ ăn thì chồng vác con ra hàng, cùng lắm là mua cho bát cháo chứ nhất quyết không vào bếp. Việc nhiều mấy cũng không cho thuê giúp việc vì lý do ‘không thích người lạ trong nhà’.
Nhiều lúc mình cũng chán nhưng nghĩ thôi thì ai cũng có mặt này mặt kia, vợ chồng phải nhìn vào mặt tốt của nhau mà sống”, Loan tâm sự.
Quê Loan ở miền Trung, mỗi lần về là phải đi xe giường nằm 1 đêm mới đến nơi. Chưa kể phải thuê xe lên đồi, đường đèo núi hiểm trở mới tới nhà cô. Cũng chính vì thế mà câu cửa miệng của chồng cô mỗi khi nhắc đến bố mẹ vợ là “ Chuyển khoản cho ông bà là được, về làm gì”.
Tết này là 5 năm cưới nhau mà chưa Tết nào Loan được về ngoại đón Tết. Loan tính năm nay ít việc sẽ xin về sớm với bố mẹ rồi đến 29 lại bắt xe ra nhưng chồng cô nói thẳng: “Tết năm nay nhà nhiều việc lắm. Em chủ động sắm sửa bên ông bà thì ở nhà trực khách. Anh mới lên chức, khách khứa sẽ đến nhiều, em ở nhà mà lo cơm nước đón tiếp”.
Nói xong anh ta đưa Loan 50 triệu tiền mặt rồi dặn chuyển khoản cho cậu út để ông bà sắm Tết sớm. Khi thấy cô chạnh lòng tủi thân, so sánh chồng mình với chồng người khác thì anh ta phân tích: “ Xã hội giờ có thực mới vực được đạo em ạ. Nhiều thằng nó còn chả tử tế như anh đâu, không thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì cũng vác mồm về báo nợ. Em xem từ ngày em lấy anh, bố em tự hào với họ hàng thế nào, đồ đạc trong nhà anh sắm, xe máy anh mua, đường vào nhà anh cũng bỏ tiền ra làm, em còn muốn gì nữa. Tiền thay người rồi, bố mẹ em có trách móc anh 1 câu không mà em trách”.
Nghe chồng tuyệt tình như thế mà Loan sốc vô cùng. Anh ta nghĩ tiền là to, tiền quyết định tất cả và bố mẹ Loan cũng “không dám” ý kiến hay đòi hỏi vì nhận của anh ta quá nhiều.
“Mình ném tiền xuống bàn gắt lên: ‘Anh nghĩ bố mẹ tôi cần tiền của anh tới thế à? Nói cho anh nghe, cái bố mẹ tôi cần là tình cảm, là những giây phút được quây quần với các con trong ngày lễ Tết chứ không phải năm nào anh cũng đưa cho họ cọc tiền rồi báo bận không về được. Nếu chỉ có tiền của anh mà không có công chăm sóc của tôi thì ông bà nội sẽ thế nào? Còn anh thấy mấy chục triệu của anh nó to thế thì anh ôm lấy mà sống. Tôi sẽ đưa con về đón Tết với ông bà ngoại'.
Nói xong mình gạt nước mắt quay về phòng. Mình không thể chịu đựng sự nhục nhã này thêm nữa”, Loan kể.
Thế mới biết, phụ nữ cứ nhún nhường quá sẽ dần mất giá trị trong mắt chồng. Hãy để họ thấy tiền quan trọng thật nhưng nó sẽ không đủ để mua 1 cô vợ thảo hiền chấp nhận gác lại tất cả để lui về làm hậu phương cho gia đình. Tiền cũng không thể mua được tình cảm, được những mối quan hệ gắn kết. Đừng để đến lúc nhận ra giá trị thì đã quá muộn