Khó khăn nơi ăn chốn ở
Chị Nguyễn Thị L., từ Phú Thọ về Hà Nội làm công việc xây dựng ở một đại công trường ở quận Long Biên, Hà Nội. Công việc của chị cũng giống như những công nhân nam, cũng phải làm việc ở trên tầng cao, chấp nhận nắng gió, nặng nhọc bởi đặc thù của công việc xây dựng.
Chia sẻ với phóng viên, chị L. kể: "Mới đầu làm cũng vất vả nhưng sau dần thì cũng quen. Cái khó khăn nhất mà công nhân nữ gặp phải là sự bất tiện về nơi ăn, chốn ở tại công trường. Chúng tôi làm việc và sinh hoạt theo tổ. Mỗi tổ có từ 25-30 người, sống trong các lán nhà tôn ở công trường, ban ngày thì nóng không thể ở được, chỉ đến đêm mới ngủ được, mà không ngủ thì cũng chả biết ở đâu, nên phải chịu đựng hết".
Nữ công nhân làm việc trên công trường xây dựng đối mặt nhiểu nỗi gian truân
Chị Hà Thị Ng., ở Phù Yên, Sơn La, đang làm công nhân ở công trường xây dựng thuộc quận Hoàng Mai, cho biết: Ở các công trường xây dựng, bất tiện nhất với chị em là khoản tắm rửa, vệ sinh cá nhân. Vì là công trường khá đông đúc, với nam giới thì không sao, nhưng chị em phụ nữ thì rất bất tiện vì nhà tắm rửa vệ sinh tạm bợ nên rất bất tiện.
Khu nhà ở của công nhân xây dựng tại một công trường
Nhiều công trình xây dựng lớn, số lượng công nhân đông, nên dẫn đến tình trạng quá tải, đi tắm rửa vệ sinh thì chị em còn phải xếp hàng đợi nhau.
Những gia đình cặp vợ chồng cùng đi làm, thường được xếp ở cùng giường, và ở cùng với vài cặp vợ chồng khác trong một phòng.
Chị Lý Thị P., ở Lương Sơn, Hòa Bình, cho hay: "Vợ chồng tôi cùng đi làm ở công trình xây dựng dưới Long Biên, lúc mới đến họ cho ở cùng lán với mấy chục người, nên rất bất tiện. Sau tôi phải xin họ sắp xếp cho ở trong khu nhà trọ, thì họ cho ở chung với 2 cặp vợ chồng nữa. Cùng cảnh đi làm công nhân, nên mọi người cũng khá hòa thuận".
Công việc vất vả, đồng lương hạn hẹp
Với những công nhân nữ làm nghề xây dựng, họ được sắp xếp làm việc như nam giới, không có sự phân biệt. Công việc phổ biến nhất là gia công lắp đặt thép, buộc thép, cán bê tông, thu dọn công trường…
Tần suất làm việc luôn chân luôn tay, ở trong không gian bụi bặm, tiếng ồn lớn, nên nhiều chị em rất vất vả. Thế nhưng đồng lương lại khá hạn hẹn so với nhiều ngành nghề khác.
Công việc xây dựng khá nặng nhọc đối với chị em phụ nữ
Chị L. cho biết: "Mới vào làm thì tháng đầu chỉ được 200-250 nghìn đồng/ngày. Sau có thể tăng lên đến 280 nghìn đồng/ngày, đấy là mức lương mà chủ thầu đã bao ăn, bao ở cho mình rồi. Dù lương không cao, nhưng chị em đa phần phải chấp nhận, cái khó nhất là thì thoảng lại bị chậm lương. Vì chủ thầu không bố trí trả lương kịp thời là chúng tôi lại bị chậm.
Đi làm công trình xây dựng như vợ chồng tôi, thì cái khó khăn nhất là con cái ở nhà, phải nhờ ông bà nội trông nom, nên cũng sốt ruột lắm. Việc học hành của các cháu cũng do ông bà cai quản hộ, biết là cũng khó khăn nhưng chẳng còn cách nào khác. Ở quê thiếu việc làm thì mình phải chấp nhận đi làm xa. Có lúc cũng phải xin làm tăng ca đêm để có thêm lương nữa".
Công trình vệ sinh xập xệ ở một công trường xây dựng
Công nhân nữ tuân thủ nội quy lao động tốt hơn
Ông Nguyễn Văn Hưng, quản lý lao động ở một công trường xây dựng ở Long Biên, Hà Nội, cho hay: Công nhân nữ làm xây dựng thì khá vất vả so với các công việc khác. Nhưng đã vào làm thì chị em cũng đều chấp nhận và rồi cũng quen. Đối với nữ giới thì họ còn chấp hành nội quy công trường tốt hơn nam giới, không có việc nhậu nhẹt, cãi cọ nhau, nên anh em quản lý cũng rất yên tâm khi có nhiều công nhân nữ.
"Hàng ngày quản lý công trường luôn tuyên truyền quán triệt các quy định về an toàn lao động. Nếu vi phạm sẽ bị phạt ngay, thậm chí có những người vi phạm nhiều còn bị đuổi việc. Bởi công việc này rất cần sự an toàn trong lao động, nếu xảy ra mất an toàn sẽ nguy hiểm và ảnh hưởng lây sang rất nhiều người khác nữa", ông Hưng cho biết thêm.