Nguyễn Kim sử dụng chiến lược shop-in-shop khi tận dụng diện tích trong các siêu thị Big C; Trần Anh mở các đại siêu thị, diện tích lớn, quy mô hoành tráng; còn Điện Máy Xanh phát triển cả các siêu thị lớn và cả các cửa hàng mini, len lỏi vào sát tầm tay người tiêu dùng. Vậy, trong cuộc chiến điện máy đầy cam go này, ai sẽ là người thành công?
Mô hình như Điện Máy Xanh từng đóng cửa hàng loạt tại Nhật?
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với chúng tôi, ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing Trần Anh cho biết, mô hình cửa hàng tiện lợi như Điện Máy Xanh là mô hình từng xuất hiện nhiều ở Nhật Bản nhưng đều đã phải đóng cửa hàng loạt sau thành công ban đầu.
Đại diện phía Trần Anh cho rằng, Điện Máy Xanh đang thành công bởi người Việt chủ yếu đi xe máy, thuận tiện vào các cửa hàng nhỏ của Điện Máy Xanh. Nhưng trong tương lai, khi ô tô nhiều lên, mô hình như của Trần Anh mới thoả mãn được người tiêu dùng và mới là mô hình thành công.
Nếu lập luận như vậy là đúng, câu hỏi đặt ra là: mất bao nhiêu năm nữa số người đi ô tô mới lấn át được số người đi xe máy? Hay nói cách khác, biết bao giờ mới đến "thời" của Trần Anh?
Ở thời điểm hiện tại, xe máy chắc chắn vẫn là phương tiện đi lại chủ lực của người Việt. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), tổng doanh số xe máy năm 2016 là 3,12 triệu xe, tiếp tục tăng 9,5% so với năm trước. Thị trường xe máy tuy đã bớt nóng nhưng rõ ràng sức tăng trưởng là vẫn còn.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Marketing Mediamart từng nhận định, mô hình phù hợp với thị trường điện máy ở Việt Nam vẫn là "gạt chân chống - thanh toán tiền, và đi". Có nghĩa là khách hàng chỉ cần dựng xe trước cửa hàng, nhân viên buộc dây, khách hàng trả tiền và gạt chân chống đi về. Quy trình rất nhanh gọn. Đây vẫn là thói quen mua sắm của hầu hết người Việt Nam.
Đến khi người Việt dần chuyển sang phương tiện đi lại là ô tô, cần các cửa hàng điện máy rộng rãi, có bãi đỗ rộng rãi, có khu vui chơi cho trẻ em, thì khi đó rất có thể thói quen tiêu dùng cũng đã đến lúc thay đổi, chẳng hạn như mua sắm offline có thể dần bị thay thế bởi online, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ với nhiều tay chơi lớn và có nghề hơn các chuỗi bán lẻ đơn thuần rất nhiều.
Trần Anh đang ngày càng bị bỏ xa trong cuộc đua doanh thu
Áp dụng mô hình từ Nhật Bản, đại diện Trần Anh tự tin khẳng định, mô hình của Trần Anh tuy không đem lại lợi nhuận cao trong 3-5 năm đầu tư ban đầu, nhưng sẽ có lợi thế cạnh tranh và sinh lợi nhuận trong dài hạn.
Thế nhưng, nếu cứ để thị phần rơi vào tay các đối thủ như hiện nay, ngay cả doanh thu của Trần Anh trong 3-5 năm tới cũng sẽ rất khó tăng cao.
Theo báo cáo tài chính của Trần Anh, doanh thu cả năm 2016 đạt 4.116 tỷ đồng. Con số này chưa bằng 1/3 so với doanh thu Điện Máy Xanh trong năm 2016, khoảng hơn 13.700 tỷ đồng. Và nếu chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm, doanh thu Điện Máy Xanh đã lên tới gần 5.000 tỷ, vượt xa doanh thu bán hàng cả năm của Trần Anh.
So sánh doanh thu giữa Trần Anh và Điện Máy Xanh thời gian gần đây, có thể thấy, trong khi Điện Máy Xanh tăng tốc rất nhanh thì Trần Anh gần như đứng yên tại chỗ, khoảng cách doanh thu giữa Điện Máy Xanh và Trần Anh ngày càng xa hơn.
Ông Nguyễn Đức Tài, ông chủ của Điện Máy Xanh từng nhận định, doanh thu toàn thị trường điện máy đạt khoảng 70.000 tỷ đồng năm 2016 và thị phần tương ứng của Điện Máy Xanh khoảng gần 20%.
Ông Tài cho rằng, Điện Máy Xanh đến cuối năm 2017 có thể chiếm tới 30% thị phần. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào tốc độ mở rộng của Điện Máy Xanh và đặc biệt là sau thành công từ cú dội bom quảng cáo được tung ra hồi cuối năm ngoái. Điện Máy Xanh trong năm qua đã mở 187 cửa hàng, nâng số cửa hàng đến cuối năm lên 256 điểm.
Ở thời điểm hiện tại, việc mở hàng trăm điểm bán đem lại hàng nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi tháng, nuốt dần thị phần của đối thủ rõ ràng vẫn mang lại nhiều lợi ích. Còn trong tương lai, có thể xu hướng mua sắm online mới sẽ lấn át các cửa hàng vật lý, có thể quy mô các cửa hàng phải to ra, nhưng từ giờ đến lúc đó, cứ bán thật nhiều hàng trước đã!