Nỗi đau trong gia đình cán bộ CSGT tử vong khi làm nhiệm vụ

Xuân Mai |

Tiếng nhạc chương trình dự báo thời tiết vang lên, chị Nguyễn Hồng Vân - vợ Trung tá Trần Tuấn Dung, cán bộ CSGT vừa tử nạn ngày 3-7 trong khi đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Phú Thọ - không cầm được lòng mình bật khóc. Chị khóc, hai cậu con trai cũng không ngăn được dòng lệ...

Cũng bởi tính chất công việc của anh mà hơn 30 năm qua, chị có thói quen nghe dự báo thời tiết. Khi anh còn công tác ở Phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh Phú Thọ, chị sợ những đêm mưa gió, anh và đồng đội lênh đênh trên những con tàu giữa đêm tối mịt mùng.

Còn sau đó là những khi thời tiết diễn biến phức tạp..., anh và đồng đội làm nhiệm vụ trên các cung đường huyết mạch qua địa bàn tỉnh Phú Thọ.

1. Đội CSGT số 2 thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ 32, 32C thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Một ngày 24h, chồng chị và đồng đội lại căng mình làm nhiệm vụ trên các cung đường, mỗi chuyến đi kéo dài biền biệt gần 10 ngày, có khi ở địa bàn rừng núi hiểm trở giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Sơn La; có khi lại ở những tuyến đường thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông; giữ các tuyến huyết mạch luôn được thông suốt...

Những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C; hay những khi thời tiết bất ngờ chuyển lạnh, chị lại lo lắng cho sức khỏe của anh và đồng đội.

Công việc của người CSGT phần lớn bám trên mặt đường, trực tiếp tiếp xúc với ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, tiếng động nên sức khỏe cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Có những ngày, anh trở về nhà với khuôn mặt mệt mỏi bơ phờ bởi những bữa ăn thất thường, việc sinh hoạt không điều độ... Trên những bộ quần áo bạc màu, dù đã được giặt giũ vẫn còn đọng lại vết máu, sau khi cứu người bị tai nạn giao thông trên đường.

Trong những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên các tuyến quốc lộ của tỉnh Phú Thọ, anh và đồng đội là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, lúc đó chẳng ai nghĩ đến nỗi sợ hãi mà đều nỗ lực đến mức cao nhất để cứu người bị nạn.

Có nạn nhân tử vong ngay trên đường, người thân chưa dám tiếp cận, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, anh em lặn lội vào nhà dân, xin từng chiếc chiếu đắp lên cho người xấu số, thắp cho họ một nén nhang.

Những lúc hai vợ chồng ở bên nhau, anh thường tâm sự với chị rằng mỗi ngày tuần tra trở về, anh chỉ mong cung đường được bình an, không có những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra...

Rồi mơ ước một điều thật nhỏ nhoi là có những bữa cơm yên ấm bên cạnh những người thân trong gia đình...

2. Bốn ngày trôi qua kể từ sau sự ra đi đột ngột của anh, chị Vân và những người thân trong gia đình vẫn chưa tin đó là sự thật, cứ nhắm mắt vào là buổi tối hãi hùng đó lại mồn một hiện ra trong trí nhớ.

Khoảng 22h ngày 29-6, máy điện thoại bất ngờ đổ chuông, khác với mọi hôm, chị Vân thấy lạnh sống lưng.

Linh tính mách bảo có chuyện không lành xảy ra, chị nhấc vội ống nghe rồi rụng rời chân tay khi nghe tin dữ. Ngày chủ nhật vừa qua, anh được nghỉ 2 ngày theo chế độ thì chị lại vào ca trực. Đến chiều tối hôm đó, cả gia đình mới có một bữa cơm thân mật với nhau.

Ngày thứ hai, vợ chồng chị xuống bệnh viện đón bố chồng đang mắc căn bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối về huyện Thanh Ba (Phú Thọ) rồi anh lại tất tả lên huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) để vào ca trực.

Chị không ngờ rằng đó lại là lần cuối cùng được gặp anh. Nhìn hai đứa con đang cần sự chăm sóc, dạy dỗ của người cha, chị như đứt từng khúc ruột. Tâm sự với chúng tôi, chị nghẹn ngào: “Anh ấy ra đi nhanh quá”.

Sau khi được cấp cứu tại một bệnh viện của tỉnh Phú Thọ, Trung tá Trần Tuấn Dung được chuyển về Hà Nội nhưng do vết thương quá nặng, anh đã qua đời vào ngày 3-7.

Nhớ lại sự việc đã xảy ra, Đại úy Trần Quỳnh, cán bộ Đội CSGT số 2 và những người đồng chí, đồng đội của anh vẫn không khỏi đau xót: Như thường lệ, ngày 29-6, tổ công tác của Đội 2 gồm đồng chí Trần Tuấn Dung, Hà Văn Thiệu, Lâm Văn Sơn và Trần Quỳnh làm nhiệm vụ tuần tra trên quốc lộ 2, thuộc khu Phú Thịnh, thị trấn Đoan Hùng.

Trước thời điểm xảy ra vụ án, tổ công tác đã phát hiện rất nhiều trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn...

Theo quy định của đơn vị, sau 2 giờ tổ công tác phải di chuyển và gỡ chốt sang một vị trí tuần tra khác.

Việc di chuyển vị trí làm nhiệm vụ hôm đó phải dừng lại ít lâu do Trung tá Trần Tuấn Dung còn giải thích cho những trường hợp lái xe vi phạm ở tỉnh xa, vi phạm nồng độ cồn về kho bạc nộp phạt; hướng dẫn họ bắt chuyến xe cuối cùng để kịp về với gia đình, trong đó có trường hợp xa nhất ở tỉnh Hà Giang.

Sau đó, 2 đồng chí trong đội dẫn giải xe ôtô vi phạm về vị trí, Trung tá Trần Tuấn Dung và đồng chí Trần Quỳnh cất gọn đồ đạc, chuẩn bị lên xe ôtô thì bất ngờ có một chiếc xe máy lao tới...

Khi Đại úy Trần Quỳnh nghe tiếng động lớn quay lại thì thấy Trung tá Trần Tuấn Dung đã nằm bất tỉnh trên đường. Cùng với việc thông báo cho đồng đội, anh cùng cán bộ Công an huyện Đoan Hùng vội đưa Trung tá Dung vào bệnh viện cấp cứu.

Không ít người vẫn có cái nhìn chưa thiện cảm về những người chiến sỹ CSGT khi làm nhiệm vụ trên các cung đường. Họ bị phạt là không hài lòng.

Tuy nhiên nhiều người đã nghĩ đến ý nghĩa cao hơn, lớn hơn đó là thông qua đó, giúp họ nâng cao ý thức an toàn giao thông và với những trường hợp lái xe có nồng độ cồn, thực chất là đảm bảo an toàn cho chính họ.

Câu chuyện người lái xe vi phạm ở tỉnh Hà Giang, sau khi biết tin Trung tá Trần Tuấn Dung tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ, đã thông qua một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ, gửi viếng chia buồn với những người thân trong gia đình anh đã phần nào cho thấy ý nghĩa việc làm của những người lính mang sắc nắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại