'Nỗi đau' của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ

Chi Lan |

2023 đáng lẽ ra là thời điểm nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trở lại và thúc đẩy đà tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, đến giữa năm nay, Trung Quốc phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.

Nỗi đau của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ - Ảnh 1.

Chi tiêu của người tiêu dùng nước này vẫn trì trệ, thị trường bất động sản chưa thoát khỏi khủng hoảng, xuất khẩu sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục và chính quyền các địa phương nợ chồng chất.

Tác động của những mối căng thẳng này bắt đầu ảnh hưởng đến toàn thế giới, từ giá hàng hoá cho đến thị trường chứng khoán. Ngoài ra, nguy cơ Fed tăng lãi suất lên quá cao khiến Mỹ có thể rơi vào suy thoái cũng khiến triển vọng ở cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên mờ mịt hơn.

Tom Orlik, nhà kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, nhận định: “Chỉ vài năm trước, không khó để tưởng tượng việc Trung Quốc sớm vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giờ đây, cột mốc đó gần như sẽ bị trì hoãn và cũng có những kịch bản cho rằng điều đó sẽ chẳng xảy ra.”

Ở kịch bản tiêu cực - khi lĩnh vực bất động sản lao dốc mạnh hơn, tốc độ cải cách chậm chạp và mối quan hệ Mỹ - Trung có sự chia rẽ sâu sắc hơn, Bloomberg Economis dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 3% vào năm 2030.

Mây đen ở khắp mọi nơi

Nền kinh tế 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đang gặp khó khăn ở nhiều lĩnh vực. Tại Quý Châu, chính quyền địa phương đang kêu gọi sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Ở trung tâm sản xuất Nghĩa Ô, các doanh nghiệp nhỏ cho biết doanh số bán hàng đã giảm đáng kể so với năm 2021. Còn tại Hàng Châu, “thủ phủ” công nghệ của Trung Quốc, việc các Big Tech sa thải hàng chục nghìn nhân sự đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay là khoảng 5%. Trong khi đó, Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của nước này từ 6% xuống 5,4%.

Thoạt nhìn, khi kinh tế thế giới được dự báo chỉ tăng trưởng 2,8%, con số 5% của Trung Quốc dường như là một điều gì đó không quá tồi tệ. Tuy nhiên, với mức nền thấp trong thời điểm nước này áp dụng chính sách Zero Covid, thì mục tiêu này vẫn thấp. Theo Bloomberg Economics, khi loại bỏ những yếu tố cơ bản, thì tăng trưởng trong năm 2023 của Trung Quốc chỉ đạt gần 3%.

Nỗi đau của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ - Ảnh 2.

Dự án chung cư đang tạm ngừng thi công ở thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu.

Nếu Bắc Kinh tiếp tục “khoanh tay đứng nhìn”, mọi thứ có thể còn trở nên tồi tệ hơn. Nếu hoạt động xây dựng bất động sản lao dốc mạnh, doanh số bán đất giảm sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của chính phủ, suy thoái kinh tế ở Mỹ khiến cả thế giới trì trệ và thị trường Trung Quốc chuyển sang “chế độ phòng rủi ro”, thì đà tăng trưởng của nước này sẽ giảm thêm 1,2 điểm phần trăm, theo Bloomberg Economics.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể sẽ giúp vực dậy nền kinh tế. Một gói kích thích quy mô lớn, hỗ trợ giải quyết nợ xấu, cam kết hỗ trợ doanh nhân và mối quan hệ với Mỹ được xoa dịu có thể sẽ phần nào cải thiện tình hình bi quan.

Song, hiện tại, việc chưa có những biện pháp kích thích lớn hay cải cách nghiên túc đang khiến nhà đầu tư chán nản. Mức tăng 12% của chỉ số MSCI China vào tháng 1 chỉ là “ánh sáng le lói”, khi chỉ số này liên tục sụt giảm kể từ đó. Từ đầu năm đến nay, MSCI China mất khoảng 6%. Các ngân hàng lớn nhất Phố Wall cũng dự đoán chỉ số này sẽ rất chật vật để lấy lại đà tăng hồi đầu năm.

Đồng NDT cũng liên tục mất giá kể từ cuối tháng 4 và PBOC đã phải nhanh chóng can thiệp để hỗ trợ thị trường tiền tệ.

Tâm lý lạc quan "hụt"

Đầu năm 2023, rất nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lạc quan rằng Trung Quốc sẽ hồi phục nhanh chóng, được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch. Tuy nhiên, lo ngại về đà tăng trưởng yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thu nhập sụt giảm cùng lĩnh vực bất động sản trì trệ đã khiến mọi người tiết kiệm nhiều hơn.

Xiao Jin, một bà mẹ 2 con, đang tự kinh doanh ở Quý Châu, là một trong những người kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ tiêu tiền sau 3 năm nước này đóng cửa. Cô chia sẻ: “Chúng tôi gần như không kiếm được đồng nào trong 3 năm qua. Nhưng việc kinh doanh còn tệ hơn vào năm ngoái.”

Điều khiến tâm lý người tiêu dùng trở nên ảm đạm là thị trường bất động sản. Sau đợt siết chặt quy định vào năm 2020, giá nhà đất ở quốc gia này đi xuống và khiến một số nhà phát triển vỡ nợ. Nhiều nhà phát triển buộc phải ngừng xây dựng các dự án đã rao bán mà chưa bàn giao, khiến một số chủ nhà không chấp nhận thanh toán nợ thế chấp.

Những vấn đề này là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người Trung Quốc, khi từ lâu họ đã coi bất động sản là khoản đầu tư sinh lời lớn.

Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lĩnh vực này có thể thu hút người mua mới để bắt đầu hồi phục. Các ngân hàng Trung Quốc đã ứng trước một khoản tiền nhỏ cho hộ gia đình vay dài hạn vào năm ngoái và dư nợ đã giảm thêm 13% trong 5 tháng đầu năm nay, cho thấy số người vay thế chấp mới ít hơn.

Nỗi đau của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ - Ảnh 3.

Một dấu hiệu đáng lo ngại khác là tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Với 20,8%, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi đang ở mức cao nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2018 và cao gấp 4 lần tỷ lệ đô thị hoá.

Tại một hội chợ việc làm gần đây ở Bắc Kinh, Wu Yuanhao, 27 tuổi, chia sẻ anh đang muốn tìm việc trong ngành TMĐT nhưng các công ty ngành này lại đang cắt giảm nhân sự. Ngoài ra, mức lương của lĩnh vực này cũng thấp hơn khoảng 20% so với 3 năm trước.

Nhu cầu cả trong và ngoài nước lao dốc

Không chỉ nhu cầu trong nước sụt giảm, mà số lượng đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu cũng đi xuống trong những tháng gần đây. Kể từ khi đạt mức kỷ lục 340 tỷ USD vào tháng 12/2021, hoạt động xuất khẩu trong tháng 5 của Trung Quốc đã giảm gần 60 tỷ USD và dự kiến tiếp tục giảm do ảnh hưởng của lãi suất cao ở Mỹ, châu Âu.

Huang Meijuan, một doanh nhân ở Nghĩa Ô, đã bán cây thông Giáng sinh nhân tạo cho cả thế giới trong 20 năm qua. Năm nay, bà dự đoán doanh số sẽ giảm 30% so với mức kỷ lục của năm 2022.

Huang cho hay: "2 năm qua, khách hàng đã đặt số lượng đơn online có giá trị lớn, khi thị trường quốc tế tăng trưởng mạnh. Khách hàng nay đã quay trở lại nhưng họ đi khảo giá khắp nơi và muốn mặc cả."

Nỗi đau của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ - Ảnh 4.

Động lực tăng trưởng yếu dần đang khiến lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc gần như ở mức 0. Giá tại cổng nhà máy cũng sụt giảm, khiến các doanh nghiệp với lợi nhuận thấp phải vội vàng đi trả nợ.

Tình trạng này khiến Bắc Kinh buộc phải chuyển hướng. PBOC đã hạ lãi suất vào tháng 6 và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết đang thảo luận về các biện pháp mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng và bất động sản có thể sẽ chỉ "giới hạn và ở mức vừa phải", khi dân số sụt giảm và mức nợ tăng cao, cùng lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc hạn chế đầu cơ, theo Goldman Sachs.

Những khoản nợ ẩn

Lý do mà các biện pháp đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng không còn khả thi được thể hiện rõ ở quanh thị trấn Tuân Nghĩa hay các vùng nông thôn.

Khi Quý Châu cần một số khoản đầu tư, thì tỉnh này đã tràn ngập cầu, đường hầm, đường bộ và sân bay giá trị lớn. Địa phương này đang phải chật vật để thanh toán những khoản nợ để tài trợ cho những dự án trên và buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ Bắc Kinh.

Tuân Nghĩa, thành phố 6,6 triệu dân, có 2 sân bay khác nhau cách trung tâm thành phố khoảng 1 giờ đi xe. Cách đó 3 giờ đi ô tô, một sân bay khác nằm ở thành phố Lục Bàn Thuỷ, mở cửa năm 2014 với chi phí 1,5 tỷ NDT nhưng có rất ít chuyến bay thương mại.

Phần lớn nguồn tài trợ cho những dự án như vậy và các dự án trên khắp Trung Quốc đến từ LGFV. Các khoản nợ này không được liệt kê trên bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp do địa phương thành lập để đi vay.

Nỗi đau của kinh tế Trung Quốc đang nhân lên gấp bội: Khó bùng nổ trở lại, có thể không bao giờ vượt Mỹ - Ảnh 5.

Sân bay vắng bóng người ở thành phố Lục Bàn Thuỷ.

Những khoản nợ ẩn này đang là mối rủi ro lớn với chính quyền các địa phương và cả những nhà đầu tư mua trái phiếu được bán bởi các LGFV. Cuối tháng 2, IMF ước tính Trung Quốc có khoảng 66 nghìn tỷ NDT nợ ẩn vào cuối năm 2022, tăng từ mức 40 nghìn tỷ NDT vào năm 2019.

Chính quyền các địa phương lại đang gặp khó khăn khi doanh số bán đất cho các nhà phát triển bất động sản lao dốc mạnh, do lĩnh vực này chìm vào suy thoái.

Khi NHTW hạ lãi suất và các thành phố lớn nới lỏng yêu cầu thanh toán nợ, loại bỏ yêu cầu hạn chế với việc mua nhiều bất động sản, thì vấn đề của lĩnh vực địa ốc có thể sẽ dần thay đổi. Song, tình trạng nguồn cung quá lớn sẽ khiến chính phủ khó có thể đưa ra biện pháp kích thích cho ngành này.

Ở Hàng Châu, giá nhà ở 1 số khu vực lân cận đã giảm gần 30% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2021. Đây là sự thay đổi đột ngột với một thành phố giàu có, từng là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh các quốc gia G20 vào năm 2016.

Gao, một nhân viên sale bất động sản, chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ thấy giá giảm nhanh trong 1 thời gian ngắn đến vậy ở Hàng Châu. Bây giờ, thị trường nằm trong tay người mua."

Wang, vợ của 1 nhân sự Alibaba, đã rao bán 1 trong 2 căn hộ ở Hàng Châu vào đầu tháng 6, sau khi gã khổng lồ này cắt giảm nhân sự.

Chị cho hay: "Đợt sa thải đã khiến tôi phải suy nghĩ lại rằng liệu các khoản thế chấp mà chúng tôi đang trả có phải quá cao không. Có lẽ, đã đến lúc chuẩn bị cho khoảng thời gian u ám phía trước."

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại