Nồi chè đỗ xanh của bà ngoại 'đổi lấy' ba căn nhà giữa thành phố

Mạn Ngọc |

Đám con cháu trong nhà chẳng ai ngờ từ nồi chè đỗ xanh và đĩa bánh trôi nước mà bà ngoại tôi lại gây dựng lên cả một cơ đồ.

Tôi là một đứa con gái khá xuề xòa và dễ tính, thường thì tôi không yêu sách bất kỳ thứ gì thái quá. Có lẽ vì từ bé đã sống trong gia đình tam đại đồng đường nên tôi dễ dàng thích nghi với môi trường sống. Ngay cả trong chuyện ăn uống, tôi cũng không đòi hỏi gì cao sang, miễn là không đến nỗi không thể ăn được thì tôi đều có thể nuốt trôi được.

Tuy nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ của nó. Tôi dễ tính với mọi thứ trên đời, cũng dễ ăn dễ uống là thế nhưng lại cực kỳ “khó ở” với các món chè. Vâng, đúng rồi đấy! Tôi chỉ kén chọn với tất cả những đồ ăn có liên quan đến chè mà thôi.

Đồng nghiệp của tôi đôi khi cũng khá không thoải mái lắm với việc “kén cá chọn chè” của tôi. Đàn bà con gái thì có mấy ai lại không khoái món chè, nhất là tầm cuối giờ chiều, khi mà năng lượng của bữa trưa mang lại đã được đốt sạch trong mớ deadline thì ăn xế là điều cực kỳ cần thiết.

Mỗi chiều chiều, các chị em dân văn phòng chúng tôi lại rủ nhau ăn món nọ món kia và chè được coi là một trong những món đắt hàng nhất. Ấy vậy mà lần nào mua về tôi cũng chê ỏng chê eo, không chê thì cũng bỏ mứa, dần dà chỉ cần mọi người nhắc đến chè thì tôi tự động cắt suất của mình.

Nồi chè đỗ xanh của bà ngoại đổi lấy ba căn nhà giữa thành phố - Ảnh 1.

Sự khó chiều này của tôi có lý do của nó, mà còn là lý do rất chính đáng!

Để biện minh cho chính mình, tôi phải bắt đầu kể lại câu chuyện về tuổi thơ oai hùng của mình và hàng chè nổi tiếng nhất chợ Yên Phụ của bà ngoại.

Những năm 2000, chợ Yên Phụ có thể coi là thiên đường ăn vặt của cả Thủ đô. Ở đó có đủ các món hấp dẫn trên đời, chỉ cần đặt chân vào chợ thôi thì đảm bảo sẽ vác về một cái bụng kềnh càng.

Hồi đó, trong chợ Yên Phụ cũng không ít hàng chè đâu nhưng ai ai cũng biết hàng chè của bà Tuất. Bà Tuất là bà ngoại của tôi, hàng chè của bà nổi tiếng đến nỗi rất nhiều khách đã trót mê rồi nên phải đi cả chục cây số chỉ để ăn một cốc chè cho đỡ thèm.

Bà bán nhiều loại chè khác nhau, nhưng đắt hàng nhất phải kể đến cốc chè đỗ xanh và đĩa bánh trôi nước đường phèn. Chè đỗ xanh vàng tươi mướt mắt, sánh dẻo và thơm lừng, thêm một chút dầu chuối và dừa tươi bào sợi thì không chê được vào đâu. Bánh trôi mềm mại, dai dai cùng với đường phèn vẫn nguyên viên vuông vức, chỉ cần cắn một miếng thôi vị ngọt hòa cùng với vỏ bánh trắng mịn là quá đủ để ai từng ăn qua sẽ không thể quên được hương vị ấy.

Thế nhưng, để có được những cốc chè, những đĩa bánh trôi trứ danh đó thì bà ngoại tôi đã phải dậy từ 3h sáng để chuẩn bị mọi thứ trước khi ra chợ.

Tôi và dì út trạc tuổi nhau nên thường sẽ ngủ chung một phòng, mẹ tôi và các dì khác sẽ ngủ trên tầng hai, cậu tôi thì thanh niên trai tráng nên chịu khó lên tầng ba ngủ một mình.

Phòng của tôi và dì út là các gác xép lửng ở trong bếp, bởi vậy mà bà chỉ cần tỉnh giấc bật đèn chuẩn bị đồ bán hàng là tôi biết ngay, mùi thơm của chè đỗ xanh len lỏi vào phòng rồi chui tọt vào mũi khiến tôi phải tỉnh giấc ngay lập tức. Mỗi lần như vậy tôi sẽ thò đầu ra ngoài để nhìn xem bà đang làm gì rồi lại lăn kềnh ra ngủ tiếp.

Nói cho đúng thì công đoạn chuẩn bị bán hàng của bà bắt đầu từ buổi chiều hôm trước. Tôi và dì út sẽ nhận nhiệm vụ đi lấy “bánh đường”. Bánh đường ở đây chính là đường phiên dạng viên, nhưng thời đó người ta không cắt sẵn cho mình như bây giờ đâu mà họ để nguyên cả tảng, ai mua thì tự về mà cắt.

Nồi chè đỗ xanh của bà ngoại đổi lấy ba căn nhà giữa thành phố - Ảnh 2.

Thế là chiều nào tôi và dì út cũng miệt mài ngồi cắt đường cho bà, cắt nhiều đến nỗi bàn tay của tôi mỏi nhừ và ngón tay cái thì chuột rút đến nỗi không thể cử động bình thường được trong một lúc lâu.

Hàng chè của bà tồn tại mãi cho đến khi chợ Yên Phụ sửa mới và đại gia đình chúng tôi cũng không ở đất An Dương nữa.

Sau khi chuyển đến nơi khác ở thì bà cũng tuyên bố nghỉ hưu, tất nhiên con cháu trong nhà ai cũng ủng hộ bà, bà tần tảo nhiều năm rồi, giờ cũng đã đến lúc bà ở không cho các con các cháu chăm rồi.

Thế nhưng khi cả nhà nói đến chuyện bà sẽ ở với ai thì bà gạt ngay đi, ước nguyện của bà là từng ấy dâu rể, con trai con gái, cháu nội cháu ngoại đều ở chung với bà hết. Cậu tôi vừa cười vừa giã trầu cho bà trong cái cối bé tí tin hin.

- Mẹ ơi! Bây giờ mẹ có 10 đứa con cả dâu cả rể và 23 đứa cháu cả nội cả ngoại. Giờ nếu có cái nhà nào đủ to để từng ấy người vào ở chung thì bọn con đồng ý với mẹ ngay.

Cậu vốn là định đùa như vậy thôi, ai ngờ đâu bà ngoại tôi mở phắt cái tủ chè rồi lôi ra ba cuốn sổ đỏ chót, ném cái phịch xuống sập, mồm bỏm bẻm nhai trầu.

- Chúng bay bán bớt đi rồi mua miếng đất rộng rãi xây cái nhà nhiều tầng cho tau.

Từ con đến cháu của bà trừ những đứa còn nhỏ chưa hiểu chuyện đều á khẩu khi biết giá trị của 3 căn nhà mặt tiền giữa trung tâm Thủ đô kia “khủng” đến cỡ nào. Sau khi đọc xong và tra cứu xong thì mọi người được một trận choáng váng đầu óc.

Chẳng ai có thể ngờ từ nồi chè đỗ xanh trứ danh và đĩa bánh trôi nước nhỏ bé kia mà bà ngoại tôi có thể gây dựng được cả một khối tài sản kếch xù như vậy. Giờ việc xây “đại bản doanh” là sẽ được con cái của bà chủ trì, chủ chi thì đương nhiên là bà ngoại “đại gia” rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại