“Chị không biết gồng được đến khi nào”. Đó là tâm sự của chị M, một nhà đầu tư bất động sản sống tại Tp.HCM. Trong tay sở hữu khá nhiều bất động sản, từ đất nền, căn hộ đến nhà phố ở Tp.HCM và tỉnh lân cận. Trong đó có một số bất động sản đang cho thuê. Tuy nhiên, thời gian qua, chị M khá khổ sở vì gồng khoản lãi vay ngân hàng gần 80 triệu đồng mỗi tháng, trong khi muốn bán bớt một số tài sản khác để gồng tài sản còn lại nhưng không có giao dịch.
“Nhiều khi suy nghĩ, không biết gồng được đến khi nào. Mong rằng còn sống nổi tới khi thị trường phục hồi”, chị M tâm sự.
Được biết, tham gia đầu tư bất động sản hơn 10 năm, từ một nhà đầu vốn khiêm tốn vào thị trường, chị M từng sống dư giả nhờ sự lên giá của bất động sản. Các bất động sản đang sở hữu của chị cũng đến từ các lần tái đầu tư. Trong đó, có một số bất động sản sử dụng vốn vay ngân hàng. Đến nay, khi bất động sản yếu thanh khoản, chị M sống trong lo lắng với khoản lãi vay hàng tháng, trong khi bản thân chủ yếu làm nghề đầu tư bất động sản.
Có thời điểm chị M chia sẻ, phải chạy ăn từng bữa trông chờ vào việc ra hàng của bất động sản nhưng bất lực vì rao bán mãi không được.
Hiện tại, chị đang rao bán hai bất động sản ở tỉnh lân cận Tp.HCM với mức giảm giá gần 30% so với giá mua vào nhưng nhiều tháng vẫn chưa chốt được giao dịch.
Trường hợp như chị M hiện khá nhiều trên thị trường bất động sản. Không ít nhà đầu tư ôm nhiều bất động sản nhưng có sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư đang dần đuối sức khi thanh khoản yếu. Thậm chí, cuộc sống của họ rơi vào bế tắc, khổ sở khi hàng tháng phải chạy vạy số tiền lãi vay lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ghi nhận cho thấy, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư phải giảm giá, cắt lỗ do áp lực tài chính, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp. Nhóm đối tượng đang có tiền thì lại ngập ngừng trong chuyện xuống tiền, nuôi kỳ vọng giá sẽ giảm sâu hơn và các chính sách chiết khấu sẽ "khủng" hơn trong thời gian tới. Trong đó, không ít các nhà đầu tư lựa chọn phương án gửi tiền ngân hàng và chờ đợi, nghe ngóng diễn biến thị trường thêm một thời gian nữa.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản hiện nay, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường đất nền năm 2023 có thể chứng kiến nhu cầu tìm kiếm và giá chào tiếp tục giảm. Phân khúc này dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong khi dòng vốn sẽ tiếp tục bị thắt chặt, các quy định hạn chế phân lô, tách thửa vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm tới.
Cùng với đó, các nhà đầu tư cắt lỗ thậm chí “xả hàng” ở phân khúc này đang có dấu hiệu lan rộng. Giá chào bán ở giai đoạn này đã về mức của năm 2021. Vì gồng tài chính, một vài trường hợp nhà đầu tư đã chấp nhận giảm giá ở mức gần 50%. Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.