Nỗi buồn của Công Phượng

V.P |

Cựu tiền đạo HAGL nối dài chuỗi ngày dự bị ở FC Yokohama, đối diện với tương lai không mấy sáng sủa. Nỗi buồn của Công Phượng và các cầu thủ Việt Nam đang thi đấu ở nước ngoài có thể biến thành nỗi buồn của ông Philippe Troussier.

Công Phượng không có tên trong danh sách đăng ký của FC Yokohama ở trận gặp Kyoto, vòng 5 J-League 2023. Đây là trận thứ 5 liên tiếp cựu tiền đạo HAGL vắng mặt, anh chưa từng được ra sân phút nào kể từ khi đặt bút ký vào bản hợp đồng với đội bóng Nhật Bản. Công Phượng chỉ một lần có tên trong danh sách dự bị nhưng không được ra sân.

Đây là lần thứ 2 Công Phượng đến Nhật Bản, lần đầu vào năm 2016 khi anh đến Mito Hollyhock theo diện cho mượn. Hai lần với 2 tính chất hoàn toàn khác nhau. Lần đầu, Công Phượng mang theo nhiều mơ ước của giới hâm mộ, đặc biệt những người yêu mến HAGL. Đó là một chuyến đi nhiều cảm xúc, khi Công Phượng đang còn ở giai đoạn trẻ trung, giàu nhiệt huyết.

Nỗi buồn của Công Phượng - Ảnh 1.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng

Chuyến đi lần 2 của Công Phượng gắn với đợt “chảy máu” lực lượng ồ ạt ở HAGL, khi gần như toàn bộ lứa cầu thủ nổi bật nhất của Học viện một thời nổi như cồn này chọn chia tay đội bóng. Ngoài Công Phượng, Lương Xuân Trường cũng đầu quân cho Hải Phòng, một đội bóng vốn không được đánh giá cao nhiều năm qua, cả ở góc độ chuyên môn cũng như tài chính. Tiền đạo Văn Toàn sang K-League, trong khi Hồng Duy, Vũ Văn Thanh cũng tìm bến đỗ mới. Nó phần nào cho thấy HAGL không đủ sức để giữ những cầu thủ “con cưng” của mình, một tín hiệu xấu với đội bóng của bầu Đức.

Hợp đồng của Công Phượng với FC Yokohama có thời hạn 3 năm, đi cùng anh là cả gia đình. Ở khía cạnh chuyên môn, sẽ rất khó hiểu quyết định của Công Phượng bởi thực tế lần đầu ở J-League cũng như hiện tại không ủng hộ lựa chọn tiền đạo HAGL đưa ra. Đây là lý do nhiều người tin rằng chuyên môn không phải ưu tiên hàng đầu khi anh chọn đội bóng J-League.

Điều này đặt ra một thách thức khác với Công Phượng, đó là khả năng phát triển về chuyên môn khi anh không còn ở độ tuổi thật sự trẻ trung. Ngoài ra một thực tế khác không thể chối cãi là các năm gần đây, Công Phượng không còn là lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang-seo ở đội tuyển Việt Nam. Cựu tiền đạo HAGL chỉ sắm vai dự bị, ít được sử dụng hơn so với các trụ cột của đội bóng.

Nếu nhìn vào những tuyên bố của HLV Philippe Troussier, định hướng trọng tâm đặt vào lứa trẻ của nhà cầm quân người Pháp, tương lai của Công Phượng càng trở nên khó đoán định. Nếu không được thường xuyên ra sân ở FC Yokohama, cơ hội để Công Phượng tìm lại vị trí trong màu áo đội tuyển Việt Nam sẽ càng nhỏ hơn. Ông Troussier đã công khai tuyên bố đội tuyển Việt Nam chỉ có chỗ cho những cầu thủ đạt phong độ cao nhất.

Thực tế không chỉ Công Phượng, Văn Toàn và Quang Hải cũng đang đối diện nhiều thách thức lớn tại Pháp và Hàn Quốc. Quang Hải từ lâu mất vị trí ở đội 1 Pau FC. Dù dành nhiều lời động viên với Quang Hải, HLV Troussier cũng phần nào đánh giá được những khó khăn tiền vệ sinh năm 1997 đang gặp phải ở Liague 2. Tương tự, Văn Toàn dù rất nỗ lực nhưng chưa có gì đảm bảo anh có thể trụ được ở Hàn Quốc.

Công Phượng ra đi trong bối cảnh anh và các đồng đội thuộc lứa 1 Học viện HAGL thất bại hoàn toàn trong việc khẳng định giá trị bằng các thành tích cụ thể tại V-League. Tương lai mờ mịt tại FC Yokohama là nỗi buồn với tiền đạo gốc Nghệ hiện nay và xa hơn cùng với các trường hợp của Quang Hải, Văn Toàn hay những trụ cột đội tuyển Việt Nam đang sa sút phong độ vì nhiều lý do khác nhau, nó có thể báo hiệu những khó khăn ông Troussier phải đối diện sắp tới.

Nhà cầm quân người Pháp ắt đang phải tính đến những bước đi nhằm chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao ở đội tuyển Việt Nam, dựa trên những nhân tố mới được phát hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại