Nỗi buồn của "con hổ" Đông Nam Á: Có ‘chi bao nhiêu tiền' cũng không giải quyết được vấn đề này

Bạch Linh |

Đây không phải vấn đề “có tiền” là giải quyết được.

Nỗi buồn của con hổ Đông Nam Á: Có ‘chi bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được vấn đề này - Ảnh 1.

Không muốn sinh con

Gần hai thập kỷ trước, Loh (46 tuổi) và chồng đã quyết định không sinh con. Và hôm nay, sau 17 năm, cả hai đều tin rằng mình đã lựa chọn đúng đắn. Gia đình của Loh không đơn độc - có rất nhiều người tại Singapore có chung suy nghĩ này.

Theo CNBC, tỷ lệ sinh của Singapore đã chạm mức thấp kỷ lục vào năm 2022, sau nhiều năm sụt giảm liên tiếp. Các nhà phân tích nói rằng tỷ lệ trẻ em ra đời vào năm ngoái đã giảm 7,9%. Những nguyên nhân chính có thể kể đến là do chi phí sinh sống và sinh hoạt ở Singapore quá đắt đỏ khiến nhiều người không muốn mở rộng gia đình.

Tỷ lệ sinh tăng nhẹ vào năm 2022, từ mức 1,1 của năm 2021 lên mức 1,12, trong bối cảnh mọi người ở nhà vì dịch Covid-19 và có xu hướng sinh nhiều con hơn. Tuy nhiên, thực trạng sinh sản cho thấy phụ nữ đang chọn sinh con muộn hoặc không sinh con. Dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore chỉ ra phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 hiện nay ít sinh con hơn phụ nữ từ 35 đến 39 tuổi.

Jaya Dass, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của công ty Ranstad cho biết: “Sinh con liên quan đến nhiều vấn đề - từ khả năng chi trả cho chỗ ở, mối quan hệ vợ chồng hay sự triển vọng của thị trường việc làm - liệu chúng đã đủ giúp các cặp vợ chồng cảm thấy ổn định và an toàn để sinh con hay chưa?”. Ông cũng cho rằng sự hấp dẫn muốn có con thực sự đã giảm đi đáng kể do cuộc sống đã thay đổi.

Nỗi buồn của con hổ Đông Nam Á: Có ‘chi bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được vấn đề này - Ảnh 2.

Tiền không phải giải pháp tối ưu

Vốn đang phải “vật lộn” với tình trạng dân số già, Singapore cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Điều này khiến chính phủ phải đưa ra các khoản “khuyến khích” hấp dẫn để thúc đẩy người dân sinh con.

Được biết, các cặp vợ chồng có con sinh từ ngày 14/2 sẽ nhận được 11.000 SGD (tương đương hơn 196 triệu đồng) cho mỗi đứa con đầu lòng và đứa thứ hai; đặc biệt là 13.000 SGD (khoảng 232 triệu đồng) cho đứa con thứ ba trở lên - tăng 30% đến 37% so với trước đây.

Thậm chí, đối với những người cha có con sinh từ năm 2024, thời gian nghỉ thai sản có chính phủ trợ cấp đã tăng từ 2 lên 4 tuần.

Wen Wei Tan, nhà phân tích tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho biết, mặc dù có rất nhiều chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con hơn nhưng việc “chi tiền” như vậy không xử lý được cốt lõi vấn đề.

“Việc giải quyết tỷ lệ sinh đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với một số điểm yếu của các hệ thống cơ bản. Điều đó có nghĩa không chỉ phải giải quyết các thách thức về nhân khẩu học mà còn phải xây dựng được sự gắn kết xã hội”, chuyên gia nhận định.

Thành phố đắt đỏ

Năm 2022, EIU xếp hạng Singapore là thành phố đắt đỏ nhất để sống - đồng hạng với thành phố New York, Mỹ. Việc cùng nhau sở hữu một căn nhà là một thử thách đối với các cặp vợ chồng trẻ tại quốc đảo sư tử.

Dữ liệu của CEIC cho thấy giá nhà tại Singapore vào tháng 6/2023 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Các căn hộ do Chính phủ xây dựng (căn hộ HDB) đang có nhu cầu cao nhưng nguồn cung không theo kịp.

Việc xây dựng bị đình trệ trong thời kỳ đại dịch - nguyên nhân do tình trạng thiếu lao động và chi phí nguyên vật liệu cao - làm trì hoãn các dự án nhà ở. Vì vậy, các cặp vợ chồng đã phải chờ căn hộ của mình trong thời gian gấp đôi, khiến một số người phải kết hôn muộn hơn.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của vấn đề vì còn có nhiều chi phí khác liên quan đến việc nuôi dạy trẻ em ở Singapore, theo Mu Zheng, trợ lý giáo sư tại khoa Xã hội học và Nhân học tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết. “Có một cảm giác không ổn đang kéo mọi người ra xa việc có con”, Zheng nói với CNBC.

Phụ nữ đi làm

Chi phí sinh hoạt cao ở Singapore cũng dẫn đến ngày càng có nhiều cặp vợ chồng có hai nguồn thu nhập và lựa chọn không có con - tiếng lóng gọi là Dinks. Điều này cũng do sự thay đổi về tư duy và ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng đặt sự nghiệp lên trên hôn nhân và con cái.

Nỗi buồn của con hổ Đông Nam Á: Có ‘chi bao nhiêu tiền cũng không giải quyết được vấn đề này - Ảnh 3.

“Một khi phụ nữ có con, họ sẽ thấy có sự hạn chế về sự nghiệp của mình. Vì thế nhiều người quyết định đợi cho đến khi họ đủ ổn định - không bị ảnh hưởng đến thu nhập nếu họ nghỉ làm thì mới quyết định sinh con”, Tan Poh Lin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách, trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy) cho biết.

Ngoài ra, việc trì hoãn kết hôn có nghĩa mọi người có thể có nhiều cơ hội hơn để theo đuổi trình độ học vấn cao cấp - khiến một số người càng trở nên chọn lọc và đặt kỳ vọng lớn vào bạn đời tương lai của mình.

Vào năm 2022, 36,2% người dân từ 25 tuổi trở lên có bằng đại học - so với 25,7% của một thập kỷ trước. Tuy nhiên, Jaya Dass nhấn mạnh rằng đây không hẳn là một điều xấu bởi phụ nữ tham gia lực lượng lao động càng có trình độ cao thì đóng góp cho nền kinh tế càng tăng lên.

Lực lượng lao động sụt giảm

Tỷ lệ sinh giảm cùng với dân số già sẽ có tác động tiêu cực đến lực lượng lao động của Singapore. “Có ít trẻ em có nghĩa bạn sẽ có ít lực lượng lao động hơn - thế hệ có thể đóng góp cho nền kinh tế trong tương lai”, nhà phân tích Wen Wei Tan nói.

Tan cảnh báo lực lượng lao động bị thu hẹp có thể ảnh hưởng đến nguồn thu từ thuế và làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề, đặc biệt khi đi kèm với những thách thức của dân số già.

“Bạn sẽ thu được ít tiền hơn từ lực lượng lao động nhỏ hơn. Vì vậy, chính phủ sẽ có ít nguồn lực tài chính để hướng tới các mục đích kinh tế mà đất nước có thể cần, ví dụ nâng cấp cơ sở hạ tầng hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển”, ông nói.

Tham khảo CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại